Kinh doanh chăn nuôi bước vào thời hoàng kim!

Dabaco quảng cáo trứng gà Omega 3 trên "giờ vàng" phát sóng, rồi việc một loạt doanh nghiệp lớn bỏ tiền vào chăn nuôi như Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai... đang cho thấy cái nhìn với ngành chăn nuôi, chế biến đang thay đổi. Không phải tự nhiên các khoản tiền lớn đổ mạnh vào đầu tư ngành này.
Nhiều doanh nghiệp đang mạnh tay đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất và mở rộng thị trường phân phối, xuất khẩu

Nhiều doanh nghiệp đang mạnh tay đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất và mở rộng thị trường phân phối, xuất khẩu

Ngay đúng dịp chuẩn bị chào đón năm mới 2015, Công ty TNHH Ba Huân đã khánh thành Nhà máy chế biến thực phẩm đặt tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Theo bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân, việc khánh thành Nhà máy chế biến thực phẩm này được Công ty coi là sự kiện hoàn tất quy trình công nghiệp hóa của Công ty.

Lần thứ nhất là việc khánh thành Nhà máy xử lý trứng gia cầm tại Bình Chánh (TP.HCM), với tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng. Lần thứ hai, Công ty Ba Huân đã chuẩn hóa một trang trại chăn nuôi quy mô 18 ha tại Tân Uyên (Bình Dương), với tổng vốn đầu tư 320 tỷ đồng. Trang trại này như một kiểu mẫu của ngành công nghiệp chăn nuôi hiện đại nhất hiện nay, đồng bộ từ chuồng trại, con giống, đến thức ăn, quy trình chăn nuôi…

Nhà máy này, quy mô 7 ha, vốn đầu tư 60 tỷ đồng (chưa tính vốn đầu tư chuyển nhượng đất), với các sản phẩm chính là thịt gà tươi, lạp xưởng gà, xúc xích gà, chà bông gà, trứng gà - trứng vịt luộc, bột trứng, bánh flan, một số sản phẩm ăn nhanh từ thịt gà…, sẽ giúp Ba Huân khép kín chu trình sản xuất từ chăn nuôi đến chế biến.

“Nhà máy thực phẩm Ba Huân mở ra một hướng đi mới trong chế biến thực phẩm với những hứa hẹn bất ngờ từ đội ngũ chuyên gia thực phẩm, kỹ sư công nghệ, marketing chuyên nghiệp và đội ngũ công nhân đang được đào tạo chuyên sâu”, bà Phạm Thị Huân cho biết.

Trong khi đó, ông Thương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt cho biết, sau thời gian học hỏi và nghiên cứu thị trường từ các nước trong khu vực, vừa qua, Vĩnh Thành Đạt đã cho ra đời sản phẩm trứng ăn liền được chế biến theo quy trình khép kín và kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng.  Các sản phẩm có thể bảo quản ở nhiệt độ thường trong thời gian 4 - 6 tháng.

“Mục tiêu cho ra đời các sản phẩm này của chúng tôi là mở rộng thị trường phân phối ra cả nước và xuất khẩu sang các nước khu vực ASEAN”, ông Trương Chí Thiện cho biết thêm.

Còn với Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), doanh nghiệp này vẫn đang miệt mài xây dựng để sớm đưa vào vận hành Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan tại tại tỉnh Long An.

Trước mắt, Vissan đang rốt ráo chuẩn bị để tung ra thị trường các sản phẩm thịt bò hợp tác với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan kỳ vọng: “Các sản phẩm thịt bò kết hợp giữa Vissan và Hoàng Anh Gia Lai khi được tung ra trong năm nay sẽ tạo bất ngờ lớn trên thị trường”.

Tuy nhiên, xem ra, các doanh nghiệp ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào sản xuất, chế biến để đáp ứng thị trường nội địa, chứ chưa quan tâm đúng mức đến sự cạnh tranh từ bên ngoài.

Gần đây, Cơ quan Xúc tiến thương mại Thái Lan, quốc gia có một số tập đoàn chăn nuôi lớn đang hoạt động tại Việt Nam (như Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam) đã liên tục mời gọi doanh nghiệp Việt Nam tham gia VIV Asia 2015 - triển lãm quốc tế lớn nhất châu Á về chuyên ngành chăn nuôi, thủy hải sản, chế biến thịt, trứng, sữa - được tổ chức vào ngày 11 - 13/03/2015 tại Trung tâm Triển lãm và Thương mại quốc tế Bangkok (BITEC), Bangkok, Thái Lan.

Việc này cho thấy, mặc dù là quốc gia có thế mạnh về chăn nuôi và chế biến thực phẩm, song doanh nghiệp Thái Lan vẫn đặc biệt quan tâm đến mở rộng thị trường. Trong khi đó, tại Việt Nam, cả doanh nghiệp lẫn cơ quan xúc tiến có vẻ như vẫn bàng quan với sự hội nhập của ngành này.

Theo TS. Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), điều đáng lo ngại là, công tác chuẩn bị để hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của ngành chăn nuôi chậm và chưa rõ ràng, còn lúng túng và thiếu hành động cụ thể cho từng lĩnh vực. Mặt khác, công tác tuyên truyền còn chậm đổi mới, hoạt động xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, giảm áp lực cạnh tranh từ hội nhập sắp tới, theo ông Chinh, cần xúc tiến thương mại để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi có lợi thế của Việt Nam, như thịt lợn, trứng vịt muối, sữa, mặt ong; đồng thời sớm hình thành các liên kết sản xuất lớn, với nòng cốt là các doanh nghiệp chăn nuôi, để khép kín chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn.

Tin bài liên quan