Không vội mừng khi CPI tăng thấp nhất 13 năm

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2015 tuy tiếp tục tăng, nhưng tính chung 7 tháng tăng không cao, nên dự báo cả năm sẽ thấp xa so với mục tiêu đề ra cho cả năm nay, thậm chí còn thấp hơn cả năm trước.
Sau 7 tháng năm 2015, tốc độ tăng CPI là thấp nhất so với cùng kỳ tính từ năm 2002 đến nay

Sau 7 tháng năm 2015, tốc độ tăng CPI là thấp nhất so với cùng kỳ tính từ năm 2002 đến nay

Xét theo thời gian, mặc dù CPI tháng 7 là tháng thứ năm liên tiếp đã tăng lên, nhưng do 2 tháng đầu năm giảm, các tháng tiếp theo tăng thấp, nên tính chung sau 7 tháng mới tăng 0,68%. Đây là tốc độ tăng thấp nhất so với cùng kỳ tính từ năm 2002 đến nay, thấp xa so với CPI bình quân cùng kỳ tính từ 2002 đến 2014 (tăng 5,98%).

Xét theo nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, sau 7 tháng, trong 13 nhóm có có 2 nhóm giá giảm (lương thực giảm 0,38%, bưu chính - viễn thông giảm 0,02%). Trong cùng thời gian trên, có 11 nhóm giá tăng, song không có nhóm nào giá tăng quá cao, một số nhóm tăng thấp. Theo địa bàn, CPI tại 2 trung tâm thương mại, dịch vụ lớn nhất nước là Hà Nội và TP. HCM đều tăng không cao, mặc dù TP. HCM mới điều chỉnh giá dịch vụ y tế.

Từ diễn biến 7 tháng đầu năm và lường định các yếu tố tác động trong 5 tháng cuối năm, có thể dự đoán CPI cả năm 2015 chỉ tăng khoảng 1,8%. Nếu dự đoán trên là đúng, thì CPI năm 2015 có một số điểm nhấn đáng quan tâm. Đó là CPI 2015 sẽ thấp hơn tốc độ tăng (1,84%) của năm trước; thấp nhất trong 14 năm qua tính từ năm 2002 đến nay; thấp xa so với mục tiêu đề ra cho cả năm (5%); là năm thứ hai liên tiếp tăng với tốc độ thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế; cùng với tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước và cao hơn mục tiêu.

CPI tăng thấp hơn năm trước và thấp hơn mục tiêu còn được xem là kết quả kép - một kết quả không phải năm nào cũng đạt được. Ngoài ra, diễn biến CPI 2 năm nay và khả năng cả năm sau gần giống như các năm thời kỳ 1999 -2003 (chỉ tăng 1,46%/năm) được người tiêu dùng mong mỏi. Điều đáng quan tâm nữa là CPI của Việt Nam sẽ thấp hơn CPI của nhiều nước có nền kinh tế phát triển (ở mức 2%) và trong các yếu tố tác động làm CPI tăng thấp, có những yếu tố khác lạ.

CPI tăng thấp trước hết có thể do quan hệ cung- cầu bởi tổng cầu trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng cao hơn tổng cung. Bên cạnh đó còn do tín dụng tăng trưởng dương ngay từ đầu năm và tính chung 6 tháng đã cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Tăng trưởng tổng phương tiện cao hơn, tăng trưởng tiền gửi thấp hơn tăng trưởng tín dụng…

Rất có thể có một phần dòng tiền đã vào chứng khoán và bất động sản.

Việc tăng thấp của CPI là niềm vui với người tiêu dùng, với các nhà sản xuất, kinh doanh. CPI tăng thấp cũng giúp các nhà hoạch định chính sách vĩ mô yên tâm hơn khi thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, có cơ hội thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý khả năng khi CPI tăng thấp, một số đơn vị kinh doanh hàng hóa, dịch vụ mà giá cả do Nhà nước quyết định sẽ chưa thật quyết liệt trong thúc đẩy cơ chế cạnh tranh, kiểm tra, kiểm soát hay phối hợp thực hiện. Hệ quả là, tổng cầu hiện yếu sẽ càng yếu hơn tổng cung và tất yếu sẽ tác động xấu tới hoạt động sản xuất.

Tin bài liên quan