Khởi nghiệp, làm việc 16 tiếng/ngày, nhịn ăn tiêu,... và nỗi trăn trở thất bại

Khởi nghiệp, làm việc 16 tiếng/ngày, nhịn ăn tiêu,... và nỗi trăn trở thất bại

(ĐTCK) Làm việc 16 tiếng mỗi ngày, nhiều năm không có doanh thu, nhịn ăn, nhịn mặc để cắt giảm chi phí… song vẫn luôn cháy bỏng ước mơ khởi nghiệp bằng ý chí “thiếu tiền nhưng không thiếu khát vọng”, “khởi nghiệp như làm cách mạng”…, đó là trải lòng của những CEO doanh nghiệp công nghệ Việt đã khởi nghiệp thành công hiện nay.

“Ba chìm, bảy nổi” với khởi nghiệp

Bất ngờ với ưu điểm vượt trội của hình thức mua hàng trực tuyến khi còn là một du học sinh tại Nhật Bản, chàng sinh viên Nguyễn Ngọc Điệp nung nấu ý tưởng và sáng lập ra mô hình thương mại điện tử vatgia.com. Là một trong những trang thương mại điện tử khá “đình đám” tại Việt Nam hiện nay, song ít ai biết đến hành trình gian khổ của vatgia.com những ngày đầu.

“Thành lập từ năm 2006, trong vòng 3 năm liền (2006-2009), dự án không có bất kỳ một khoản doanh thu nào. Để cắt giảm chi phí, tôi phải mượn căn gác của em gái để không phải trả tiền thuê nhà. Cả sếp và nhân viên ăn cùng nhau, ai mệt thì chui vào ngủ”, CEO vatgia.com Nguyễn Ngọc Điệp chia sẻ và cho biết thêm, không chỉ khó khăn về tài chính, vatgia.com còn gặp nhiều rắc rối về giấy phép, nên không ít lần bị phạt vì vướng nghi án bán hàng giả, hàng nhái.

Theo ông Điệp, khi bạn làm việc với tâm thế “không còn gì để mất” thì thành công ắt sẽ đến. Làm khởi nghiệp như làm cách mạng nên cần những người có tâm và cùng chí hướng, tất cả các thành viên trong nhóm phải cùng đoàn kết chiến đấu. Điều cốt lõi là tạo được văn hóa khởi nghiệp, từ đó khiến mọi người đều có tinh thần khởi nghiệp.

Doanh nhân Chu Xuân Vinh, Giám đốc CTCP Hyperlogy kể, khởi nghiệp từ năm 2003 với số vốn ban đầu vỏn vẹn 110 triệu đồng. Ngày đầu tiên, việc mua sắm trang thiết bị cho Công ty đã mất trên 30 triệu, chỉ còn hơn 70 triệu để hoạt động. Công ty chỉ thuê một văn phòng diện tích 12m2 ở sâu trong ngõ và kiểm soát toàn bộ các chi phí khác ở mức thấp nhất.

Theo ông Vinh, khi khởi nghiệp, các bạn trẻ cần phải hiểu rằng, nguồn lực là có hạn, nên sẽ không có nhà đầu tư nào chịu đầu tư cho một DN không biết kiểm soát chi phí. Vì vậy, các bạn phải làm tất cả mọi thứ, từ việc nhỏ nhất.

Đối với ông Ngô Việt Cường, CEO CTCP Phần mền Nhân Hòa, nhân sự gây áp lực lớn cho ông ngày đầu khởi nghiệp.

“Tôi thuê nhân sự, nhưng mức lương quá thấp nên làm được 1 tuần thì họ đã nghỉ. Do đó, tôi phải tự làm tất cả mọi việc, nên gần không có thời gian để nghỉ ngơi”, ông Cường nói và cho hay, không nên quá vội vã khi khởi nghiệp, khi chưa chuẩn bị đủ về kỹ năng và nguồn lực.

Sự khác nhau giữa người lập nghiệp và người khởi nghiệp là người lập nghiệp đứng quan sát, chọn hướng và tiến từng bước, còn người khởi nghiệp thường nghĩ gì làm đấy.

Ông Lữ Thành Long, Chủ tịch HĐQT CTCP MISA nhận định, bên cạnh sự hạn chế về nguồn lực như vốn, nhân sự…, thì điều khó nhất khi khởi nghiệp đó là làm sao tạo ra sản phẩm thực sự khác biệt. Một trong những sai lầm thường gặp đối với các dự án khởi nghiệp đó là, mặc dù có ý tưởng về sản phẩm, nhưng lại không có một chiến lược kinh doanh cụ thể, nên sản phẩm tạo ra không thể thương mại hóa. Đó là chưa kể đến vấn đề về sở hữu trí tuệ, nếu không tính toán trước, rất dễ dẫn tới nảy sinh xung đột, kiện cáo…

Về câu chuyện ý chí khởi nghiệp và văn hóa khởi nghiệp, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT CTCP FPT cho rằng, ý chí khởi nghiệp bắt đầu từ tình cảm. “Nếu bạn yêu quê hương, bạn bè, gia đình và chính bản thân mình, thì đó là động lực thôi thúc bạn khởi nghiệp”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, văn hóa khởi nghiệp đòi hỏi hành động. Sự khác nhau giữa người lập nghiệp và người khởi nghiệp là người lập nghiệp đứng quan sát, chọn hướng và tiến từng bước, còn người khởi nghiệp thường nghĩ gì làm đấy.

“Khởi nghiệp cần sự tự chủ, sáng tạo và đam mê, chứ không phải là lắng nghe ai đó nói”, ông Bình chia sẻ. 

Khởi nghiệp sẽ không còn “độc hành”

Những năm gần đây, vai trò của khởi nghiệp tại Việt Nam ngày càng được đề cao và nhận được sự ủng hộ của các bộ, ngành cũng như Nhà nước.

Mới đây, đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia…

Theo đó, tính đến hiện tại, đã có 800 dự án và 200 doanh nghiệp khởi nghiệp nhận được hỗ trợ, trong đó 50 doanh nghiệp đã gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm hay thông qua việc thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.          

Tin bài liên quan