Kênh phân phối là át chủ bài quan trọng trong cạnh tranh với các đối thủ trong và ngoài nước của doanh nghiệp

Kênh phân phối là át chủ bài quan trọng trong cạnh tranh với các đối thủ trong và ngoài nước của doanh nghiệp

Kênh phân phối: Đòn bẩy tăng trưởng của doanh nghiệp

(ĐTCK) Một điểm chung ở nhiều doanh nghiệp tăng trưởng mạnh thời gian qua như VNM, TRA, Thế giới Di động… là xây dựng được kênh phân phối lớn mạnh và chưa bao giờ ngừng làm mới đòn bẩy này. Thậm chí, nó còn xuất hiện với vị thế quan trọng hơn nữa trong chiến lược phát triển tới đây của doanh nghiệp.

Tăng “lượng”

Sản xuất ra sản phẩm tốt là yêu cầu quan trọng nhất của một doanh nghiệp, nhưng làm chủ được kênh phân phối rộng khắp để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng không kém. Thậm chí, đây có thể là át chủ bài trong cạnh tranh với các đối thủ trong nước và nước ngoài.

Chẳng hạn, tại ngành dược, các quy định hiện hành không cho phép nhà sản xuất ngoại được trực tiếp phân phối sản phẩm tại Việt Nam. Tận dụng ưu thế này, TRA đã tập trung mở rộng hệ thống phân phối, với tốc độ gia tăng nhanh chóng.

Năm 2014, TRA có 6.700 nhà thuốc thì hiện tại, con số này đã lên tới gần 25.000 nhà thuốc trên toàn quốc. Đây là một trong những lý do giúp Traphaco đạt được thành tích là công ty dược có tốc độ tăng trưởng tốt nhất ngành, trung bình đạt mức tăng 16% trong 5 năm qua.

Không riêng TRA, nếu nhìn vào sự thành công của những doanh nghiệp đầu đàn như Vinamilk, dường như chiến lược này rất hợp lý. Dù liên tục đứng vị trí số 1 trên thị trường sữa, năm 2016, thị phần các ngành hàng chủ lực của Công ty vẫn tăng mạnh. Đây cũng là năm có sự thay đổi vượt bậc trong việc gia tăng sự hiện diện của sản phẩm VNM trên thị trường.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty cho biết, thành quả này là kết quả cộng hưởng từ hệ thống phân phối ngày càng sâu rộng của VNM. Hiện tại, số điểm bán lẻ của VNM đến 220.000 điểm, chuỗi cửa hàng Giấc mơ sữa Việt lên con số 218 địa điểm, 100% siêu thị và cửa hàng tiện lợi đều bán các sản phẩm VNM.

Một doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng khác nhờ chiến lược mở rộng độ phủ là Thế giới di động. 3 tháng đầu năm 2017, MWG đã mở thêm 107 siêu thị mới trên toàn quốc, trong đó có 49 siêu thị Thegioididong, 50 siêu thị Điện máy Xanh.

Tính đến cuối tháng 3/2017, MWG có 1.381 siêu thị đang phục vụ khách hàng, trong đó chuỗi Thế giới di động có 1.000 siêu thị, chuỗi Điện máy Xanh có 314 siêu thị và 67 siêu thị Bách hóa Xanh.

Không lơ là “chất”

Bên cạnh gia tăng bề rộng của hệ thống phân phối, các doanh nghiệp kể trên có một điểm chung là áp dụng quản trị hệ thống bằng công nghệ tiên tiến.

Năm 2015, Traphaco trang bị  phần mềm cho hệ thống nhà thuốc, máy tính bảng cho các trình dược viên. Trình dược viên phải đến tận nhà thuốc trao đổi cung cấp thông tin để nhà thuốc hiểu rõ về tính năng và cách sử dụng của từng sản phẩm mới.

Trong vòng bán kính 10m, trình dược viên mới mở và sử dụng được phần mềm bán hàng, điều này giúp Công ty quản lý chính xác nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của từng nhà thuốc bằng những con số thực tế.

“Chúng tôi cập nhật dữ liệu liên tục, đảm bảo không để một sản phẩm nào của công ty trống trên kệ bán hàng trong 24h”, CEO Traphaco chia sẻ.

Mọi dữ liệu mua bán được truyền thẳng về máy chủ công ty, giúp ban lãnh đạo cập nhật thông tin liên tục để có những điều chỉnh chiến lược phù hợp. 

Bên cạnh đó, Traphaco liên tục cập nhật các tính năng mới cho hệ thống phần mềm bán hàng, tích hợp với các hệ thống quản trị nguồn lực (ERP) mà Công ty đã bắt đầu triển khai từ năm 2016.

Với hệ thống phân phối được xây dựng bài bản, minh bạch thông tin, giờ đây Traphaco còn hưởng lợi kép khi nhiều tập đoàn dược nước ngoài muốn cùng hợp tác để phân phối sản phẩm. Cái bắt tay giữa Traphaco và Tập đoàn Novartis của Thụy Sỹ đã minh chứng cho điều này.

Với VNM, bên cạnh việc triển khai ứng dụng kênh thương mại điện tử vào bán hàng, năm qua, Công ty đã tiến hành cuộc cách mạng trong hệ thống phân phối bằng chương trình tái cấu trúc và tăng cường năng lực hệ thống các nhà phân phối. VNM còn bắt tay với các tập đoàn khác như Viettel, FPT với tham vọng đưa sản phẩm bán chéo trong hệ thống cửa hàng của 2 ông lớn này. 

Trong khi đó, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Thế giới di dộng chia sẻ, Công ty luôn có chính sách quản lý hàng tồn kho chặt chẽ và có cơ chế xử lý hàng nhanh.

Chưa kể, Thế giới di động đang triển khai công cụ so sánh giá giữa Bách hóa Xanh và thị trường để có căn cứ cải thiện cơ cấu giá hàng hóa cạnh tranh.

Riêng mức đầu tư cho công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả của đội ngũ IT trong việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ cho toàn bộ hệ thống năm 2017 được phê duyệt tới 135 tỷ đồng.

Cuộc cạnh tranh trên mặt trận phân phối của bất cứ mặt hàng nào cũng ngày càng quyết liệt. Dù là những doanh nghiệp dẫn đầu, VNM, Traphaco hay Thế giới di động đều phải cẩn trọng với sức nóng cạnh tranh hầm hập sau lưng. Do đó, các doanh nghiệp này đã liên tục đổi mới và sáng tạo, từ đó tạo động lực duy trì tốc độ tăng trưởng.     

Tin bài liên quan