Honda Việt Nam đặt mốc bán 2 triệu xe máy cho năm tài khóa 2015

Honda Việt Nam đặt mốc bán 2 triệu xe máy cho năm tài khóa 2015

Honda Việt Nam gia tăng lợi nhuận từ nhập xe máy

Công ty Honda Việt Nam (HVN) có kế hoạch nhập khẩu xe máy nguyên chiếc vào thị trường Việt Nam trong nửa cuối năm 2014.

Nguồn tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư cho hay, HVN, nhà sản xuất đang chiếm khoảng 68% thị phần trên thị trường xe máy tại Việt Nam, đã có kế hoạch nhập khẩu xe máy nguyên chiếc về Việt Nam. Việc nhập khẩu này sẽ diễn ra trong nửa cuối năm 2014 với khoảng 4.000 xe máy. Được biết, mẫu xe máy sẽ được nhập khẩu về Việt Nam là loại đắt tiền, giá chưa thuế khoảng 3.000 USD/chiếc.

Đây có thể xem là động thái mới của HVN trong việc gia tăng lợi nhuận tại thị trường Việt Nam khi tình hình bán hàng chưa có những khởi sắc về mặt số lượng. Trước đó, các quan chức của HVN cũng đã nhắc tới câu chuyện phát triển mảng xe máy phân khối lớn tại Việt Nam khi những thương hiệu xe máy nổi tiếng là Ducati, KTM hay Suzuki, Kawasaki hay Benelli đã có mặt.

Tại Việt Nam, sau khi đạt mốc 2,03 triệu xe bán ra năm 2012, sản lượng xe máy bán ra của HVN đã giảm xuống mức 1,95 triệu xe máy vào năm 2013 và tiếp tục giảm xuống còn 1,85 triệu chiếc xe máy trong năm 2014.

Trong khi đó, trên bình diện toàn cầu, theo công bố của HVN, sản lượng xe máy Honda bán ra vẫn tiếp tục tăng, từ 15,494 triệu xe năm 2013 lên 17,021 triệu xe năm 2014. Trong đó, tại khu vực châu Á, lượng xe bán ra tăng thêm 1,501 triệu chiếc (tương đương mức tăng 11,5%) với hai thị trường tiêu thụ tốt là Ấn Độ và Indonesia.

Ban lãnh đạo HVN cũng thừa nhận rằng, thị trường hiện tại vẫn chưa có nhiều thay đổi, thậm chí cạnh tranh giữa các nhà sản xuất xe máy còn quyết liệt hơn, nhưng Công ty vẫn đặt mốc 2 triệu xe máy bán ra cho năm tài khóa 2015.

Sẽ không có gì đáng nói về mục tiêu này nếu Honda Việt Nam chỉ có hai nhà máy sản xuất xe máy với công suất 2 triệu xe như ở thời điểm năm 2011.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, công suất sản xuất xe máy của Honda Việt Nam đã lên tới 2,5 triệu xe máy/năm sau khi nhà đầu tư này quyết tâm đổ tiền vào xây thêm nhà máy số 3 tại Hà Nam.

Với quy mô đầu tư 120 triệu USD và công suất 500.000 xe/năm (có thể mở rộng lên đạt 1 triệu xe/năm), Nhà máy số 3 ban đầu được lên kế hoạch vận hành vào cuối năm 2012 đã phải nhiều lần trì hoãn, bởi thị trường tuột dốc dài. Hiện đại gia xe máy này bắt đầu khai thác nhà máy số 3 ở khía cạnh sản xuất phụ tùng và sẽ đưa nhà máy vào sản xuất trong tháng 10/2014.

Tổng giám đốc HVN, ông Minoru Kato cũng cho biết, ông “không bi quan trong tương lai” khi nói về khả năng phát triển xe máy tại thị trường Việt Nam liên quan tới khía cạnh đổi xe máy cũ lấy mới, hay coi xe máy như là một sở thích, chứ không chỉ là phương tiện giao thông thuần túy ở người tiêu dùng.

Dẫu vậy, câu chuyện tăng sức mua xe máy cũng đang  bị tác động bởi nhiều yếu tố. Tại khu vực nông thôn, kinh tế còn nhiều khó khăn, khiến sức mua ở nhiều khu vực chưa có biến chuyển mạnh. Còn tại thành phố, xu hướng lên đời ô tô để vừa sang, vừa an toàn tại ngày càng phổ biến.

Ngoài ra, trên các mạng xã hội thời gian gần đây, lại nóng lên câu chuyện cần cấm xe máy tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM khi nhắc tới các tai nạn mà người đi xe máy có thể gặp phải.

Trước đó, câu chuyện các đô thị phải có lộ trình giảm xe máy, riêng Hà Nội và TP.HCM chắc chắn sẽ có lộ trình cấm hẳn xe máy đã được một quan chức của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhắc tới khi cho hay, hiện cả nước có 37 triệu phương tiện giao thông và tiếp tục gia tăng qua các năm, nên cần có biện pháp để hạn chế sự gia tăng phương tiện này.

Bởi vậy, hướng về nông thôn cũng là mục tiêu đã được HVN nhắc tới và cho rằng, thị trường này còn nhiều dư địa. Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng, các dòng xe máy đang mang lại lợi nhuận lớn cho HVN là các dòng xe cao cấp, đắt tiền, chứ không phải các dòng xe có giá thấp dành cho đối tượng người tiêu dùng ít tiền, chủ yếu sống tại nông thôn.

Thực tế trên sẽ buộc HVN phải có những đối sách thích hợp để giữ vững thị phần, gia tăng lợi nhuận.

Tin bài liên quan