Hội nhập có tác động không nhỏ đến đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN

Hội nhập có tác động không nhỏ đến đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN

Hội nhập, nhiều doanh nghiệp rất lúng túng!

(ĐTCK) Doanh nghiệp đang cảm thấy lúng túng, chưa tìm ra lời giải cho những vấn đề nội tại, những thách thức đặt ra khi hội nhập. Đó là chia sẻ của đại diện nhiều doanh nghiệp tại phiên họp chuyên đề “Hội nhập và toàn cầu hóa” nhằm tổng hợp ý kiến, bổ sung hoàn thiện cho nội dung tham luận trình bày tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2016.
  

Khó khăn, thách thức đang lớn dần

Lãnh đạo một công ty may mặc cho biết, hội nhập đã tác động không nhỏ đến đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Chẳng hạn, để có được công nhân lành nghề, công ty phải mất vài năm đào tạo, nhưng những năm gần đây, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cùng ngành “tràn vào” Việt Nam để đón đầu cơ hội, hưởng lợi thế về thuế khi Việt Nam mở cửa hội nhập, thì công ty không giữ được nhân sự, bởi mức lương và môi trường làm việc của các doanh nghiệp FDI hấp dẫn hơn.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoa Sen (HSG) chia sẻ, HSG có hoạt động xuất khẩu trên 60 quốc gia, chỉ cần có một đơn khởi kiện chống bán phá giá thì ngay lập tức giá cả và thị trường xuất khẩu thay đổi. Sau thông báo khởi kiện, không ít khách hàng quyết định ngừng nhập hàng. Thực tế này đặt ra bài toán cho doanh nghiệp khi tham gia thị trường toàn cầu chính là khả năng nắm bắt thông tin, dự báo, đưa ra nhiều kịch bản cũng như từng phương án cho mỗi kịch bản, mỗi thời điểm.

“Tính ứng phó, ứng biến của doanh nghiệp chưa bao giờ cần thiết như bây giờ”, ông Vũ nói.

Đại diện Công ty Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp bắt buộc phải tự nâng tầm để tồn tại và phát triển. Tuy vậy, hiện nay có nhiều bất cập cần giải quyết.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực mà Công ty đang hoạt động, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo đang là vấn nạn, nhưng khâu kiểm tra, giám sát từ “thượng nguồn” chưa được cơ quan quản lý thực hiện quyết liệt. Trong khi đó, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý về chất lượng sản phẩm nông sản vào chợ.

Nếu có sự phối hợp chặt chẽ từ khâu “xuất” sản phẩm từ địa phương đến khâu “nhập” vào chợ thì mới đảm bảo được chất lượng, từ đó giúp sản phẩm nông sản Việt có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng, cạnh tranh được với sản phẩm ngoại nhập đang tràn vào thị trường như hiện nay.

Việc đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những bước để Việt Nam đảm bảo thực hiện các quy định ngặt nghèo trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, bên cạnh việc doanh nghiệp phải tự thân vận động thì cũng cần có sự thay đổi từ chính cơ quan quản lý nhà nước, cần minh bạch hơn, công bằng hơn. Đơn cử, có những trường hợp đấu thầu, hồ sơ đang phát hành bán ra trên cả nước, nhưng thực tế đã triển khai rồi. 

Cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần thay đổi

Theo đó, kiến nghị của các doanh nghiệp tập trung vào cải thiện năng suất, trình độ quản trị, công nghệ, đội ngũ điều hành, năng lực của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Cần có nhiều hơn những buổi tiếp xúc giữa lãnh đạo Trung ương và địa phương với doanh nghiệp nhằm giải quyết kịp thời những vướng mắc.

Đồng thời, đảm bảo công bằng, minh bạch và đối xử phù hợp giữa 3 lực lượng: doanh nghiệp FDI, DNNN và doanh nghiệp tư nhân. Thực tế, nhiều địa phương “trải thảm đỏ” mời các doanh nghiệp FDI đến đầu tư, dành ưu đãi về thuế và tiếp cận vốn vay ngân hàng của các doanh nghiệp này cũng thuận lợi hơn.

Quốc gia nào cũng thực hiện ưu đãi đầu tư nước ngoài, nhưng cần phải có sự cân đối giữa các loại hình doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước cần được nâng cao, giám sát chặt chẽ nhằm tạo sự công bằng, minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, cần nâng cao năng lực quản trị nội bộ, tạo năng lực cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm. Yếu tố quan trọng không kém chính là văn hóa chia sẻ, văn hóa hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp nội địa bởi hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất manh mún, chưa tạo nên sức mạnh tập thể trên thị trường quốc tế.

Tin bài liên quan