Các DN cần lập dự báo tài chính cho 3 - 5 năm

Các DN cần lập dự báo tài chính cho 3 - 5 năm

Hội nhập kinh tế, sẽ thua nếu “nước đến chân mới nhảy”

(ĐTCK) Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cảnh báo như vậy tới gần 500 DN tham dự Hội thảo “Định hướng phát triển doanh nghiệp trong tình hình kinh tế mới” do Ngân hàng Quân đội (MB) vừa tổ chức.

“Đừng coi là chuyện của mấy ông nhà nước…”

Hội thảo trên được tổ chức trong bối cảnh nhiều DN còn mơ hồ, thờ ơ về những cơ hội và thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (FTA Việt Nam-EU)… đang dần hình thành.

“Trong khi các đoàn công tác của Chính phủ đang tích cực đàm phán để đi đến ký kết TPP, FTA Việt Nam-EU…, thì DN lại chẳng mấy quan tâm tìm hiểu thông tin, cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho tham gia hội nhập. Nếu cứ để “nước đến chân mới nhảy”, thì các DN Việt Nam thua trên sân nhà là kết cục không khó dự báo”, ông Tuyển cảnh báo với tư cách là Cố vấn cao cấp cho hai đoàn đàm phán: TPP và FTA Việt Nam-EU.

Dẫn ra ví dụ trong quá khứ do DN chưa chuẩn bị bài bản, nên không mấy hiệu quả trong tận dụng các cơ hội từ quá trình gia nhập WTO mang lại, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam quan ngại, mức độ thất bại của các DN sẽ còn lớn hơn nếu họ tiếp tục “bình chân như vại” trong bối cảnh AEC sẽ hình thành vào cuối năm nay, cùng với đó là thế hệ FTA mới như: TPP, FTA Việt Nam-EU, FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Belarus - Kazakhstan - Nga… đang có triển vọng sắp định hình.

“Điều đáng lo ngại là rất nhiều DN coi việc tham gia các FTA thế hệ mới là chuyện của mấy “ông nhà nước”, mà không ý thức sâu sắc rằng, chính họ chứ không phải ai khác sẽ phải trực diện đối mặt với những thách thức, cũng như cơ hội khi các hiệp định này được triển khai”, ông Thiên nói.

Tuy nhiên, lỗi không chỉ nằm ở phía các DN, mà theo góc nhìn của TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), còn ở cả phía nhà quản lý. Bài học sau 8 năm gia nhập WTO của Việt Nam cho thấy, cơ hội có khi trở thành thách thức nếu thiếu ứng xử chính sách vĩ mô thích hợp, thiếu những cải cách cần thiết. 

Cần sự hợp sức của “hai nhà”

Giải đáp mối quan tâm của nhiều DN tham dự hội thảo: nếu đặt các chuyên gia vào vị trí là người lãnh đạo DN, thì đâu là những việc cần hành động ngay để DN có thể tận dụng tối đa các cơ hội, giảm thiểu các tác động bất lợi do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng chia sẻ, việc đầu tiên là trên cơ sở nắm bắt các tác động thuận và bất thuận khi hình thành thành AEC, TPP, FTA Việt Nam- EU…, DN cần xây dựng chiến lược kinh doanh cho hội nhập, cũng như lập dự báo về chiến lược tài chính. Theo đó, DN cần đi sâu phân tích môi trường kinh doanh, kinh tế vĩ mô trong nước và kinh tế toàn cầu; phân tích đối thủ cạnh tranh trên các mặt như quy mô hoạt động, thị phần, thương hiệu trong và ngoài nước; khả năng chịu tác động từ các đối thủ khi vận hành AEC, TPP…

“Lập dự báo tài chính cho 3 - 5 năm là khó, nhưng đó là việc DN cần làm, nếu muốn tận dụng tối đa các cơ hội, giảm thiểu những cú sốc từ quá trình hội nhập mang lại”, ông Hiếu khuyến nghị. Theo ông Hiếu, việc lập dự báo tài chính trong trung và dài hạn cần dự báo được sự lưu chuyển của sản phẩm và dòng tiền; dự báo tài chính trên cơ sở những chỉ tiêu tài chính trong quá khứ và giả định trong tương lai.

Đó là với “nhà” DN, còn với nhà quản lý, ông Thành đề xuất, để tiếp sức cho DN trong quá trình hội nhập, việc đầu tiên là các cấp quản lý cần cập nhật thông tin, tăng cường đối thoại đầy đủ, sâu sắc hơn với DN, hiệp hội. Thông tin không chỉ về những cơ hội, thách thức khi Việt Nam là thành viên của AEC, các hiệp định thương mại như TPP, Việt Nam-EU và quá trình hội nhập nói chung, mà còn là những thay đổi về cơ chế, để Việt Nam chủ động thích ứng khi tham gia các sân chơi này. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tham gia các FTA luôn đòi hỏi cải cách mạnh mẽ về chính sách “sau đường biên giới”.

“Để tiếp sức hiệu quả hơn cho DN, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; thúc đẩy tinh thần kinh doanh; giảm thiểu chi phí cho DN…”, ông Thành nói.

Tin bài liên quan