Học Hàn Quốc cách quản lý tài chính công

Học Hàn Quốc cách quản lý tài chính công

(ĐTCK) Những kinh nghiệm của Hàn Quốc trong quản lý tài chính công có thể là bài học quý với Việt Nam.

Tại Hội nghị khu vực châu Á Chương trình chia sẻ tri thức (KSP) của Hàn Quốc năm 2015 với chủ đề “Cải cách quản lý tài chính công” được tổ chức mới đây, TS.Yoon Dae-Hee, nguyên Bộ trưởng Điều phối chính sách của Hàn Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong quản lý tài chính công của Hàn Quốc.

Ông Yoon nhấn mạnh, chính sách sách tài khóa được coi là một kỳ tích của Hàn Quốc, thể hiện trên các khía cạnh đầu tư công hiệu quả, bảo đảm sự vững mạnh về tình hình tài khóa và liên tục tiến hành các cải cách cần thiết. Sau những phép thử sai và thất bại, Hàn Quốc đã rút ra được bài học xương máu cho mình trong việc nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, coi đây là yếu tố cốt lõi để duy trì và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.

Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm Quản lý đầu tư cơ sở hạ tầng công và tư, với chức năng “giữ cửa” cho các dự án đầu tư công và dự án hạ tầng tư nhân tại Hàn Quốc.

“Ngay cả khi phải hứng chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, Hàn Quốc đã cho thấy sự phục hồi nhanh chóng thông qua nỗ lực tối đa kích thích nền kinh tế bằng nguồn dự trữ tài chính của mình. Không chỉ có vậy, Hàn Quốc còn biến cuộc khủng hoảng thành cơ hội với những cải cách sâu rộng trong khu vực doanh nghiệp, khu vực công và lĩnh vực tài chính”, ông Yoon cho biết.

Cũng theo ông Yoon, dù đạt được những kỳ tích trong đổi mới và phát triển kinh tế, song Hàn Quốc không “ngủ quên trên chiến thắng”, vẫn tiếp tục tiến hành đổi mới hệ thống tài chính nhà nước như hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động và hệ thống kế toán và ngân sách điện tử.

Các biện pháp quản lý đầu tư hiệu quả và minh bạch cũng được thực hiện để nâng cao hiệu quả tài khóa. Đặc biệt, nước này đã thành lập Trung tâm Quản lý đầu tư cơ sở hạ tầng công và tư, với chức năng “giữ cửa” cho các dự án đầu tư công và dự án hạ tầng tư nhân tại Hàn Quốc.

“Cơ quan này đã thành công trong việc thực hiện các dự án nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu đánh giá lại về các dự án đầu tư công và dự án đầu tư của khu vực tư nhân trên cơ sở phân tích kinh tế và chính sách, qua đó, cải thiện hiệu quả quản lý tài khóa quốc gia”, ông Yoon chia sẻ và cho biết kinh nghiệm thành công này của Hàn Quốc cần được chia sẻ cho các quốc gia châu Á để có những tham khảo có lợi cho chính sách quản lý của mình.

Tại Hội thảo, ông Tô Quỳnh Thảo, Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, nguồn lực tài chính công ở Việt Nam bao gồm ngân sách Nhà nước và tài sản công. Trong đó, tài sản công lại bao gồm đất đai, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư quản lý. Để quản lý tài chính công, tài sản công một cách hiệu quả, Chính phủ đã đưa ra những chính sách khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai; chính sách khai thác nguồn lực tài chính từ sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước và khai thác nguồn lực tài chính từ kết cấu hạ tầng.

Hệ thống chính sách về tài chính công ở Việt Nam tương đối đầy đủ, nhưng còn phức tạp, thiếu đồng bộ và thiếu tính ổn định, dẫn đến nguồn lực lớn nhưng chưa được khai thác tốt; hệ thống công cụ tài chính được hình thành nhưng còn bị hạn chế về năng lực, kết quả hoạt động, dẫn đến kết quả thu tài chính cũng như vai trò điều tiết, kiểm soát thị trường còn hạn chế.

“Nguồn lực tài chính là rất lớn, tuy nhiên, cũng còn một số địa tô chưa được thu về ngân sách nhà nước. Điều này có thể do một số địa phương khi thực hiện việc định giá đất theo giá thị trường còn gặp nhiều khó khăn, có thể giá đất định thấp hơn giá thị trường nên thu ngân sách chưa tốt. Thứ hai, hệ thống công cụ tài chính của Việt Nam chưa hoàn thiện. Trong thời gian tới, việc đẩy mạnh hơn những công cụ tài chính trên thị trường để huy động khai thác các nguồn lực tài chính về đất đai là rất cần thiết”, ông Thảo nói.

Ông Thảo cũng cho rằng cần phải đổi mới cơ chế quản lý tài chính như huy động tài chính từ tài sản công như đất đai, hạ tầng, đảm bảo việc huy động và quản  lý tài sản công là minh bạch, hiệu quả làm nền tảng cho chính sách quản lý tài chính công lành mạnh, bền vững.

Ông Sungmin Han, nghiên cứu viên chính của Ban đánh giá đầu tư công thuộc Trung tâm quản lý đầu tư kết cấu hạ tầng công tư – KDI khuyến nghị, Việt Nam cần đổi mới cơ chế thu tài chính thông qua việc tiêu chuẩn hóa cơ chế quản lý.

“Nếu không có tiêu chuẩn, quy định rõ ràng thì không biết ai là người chịu trách nhiệm. Cần xác định vai trò cụ thể, kế hoạch thực tế, ai phải trả tiền và mô hình PPP, thì mới có thể giám sát được Bộ Tài chính huy động và sử dụng nguồn quỹ như thế nào cũng như xây dựng được hệ thống tài khóa bền vững, tăng cường quản lý nợ, tránh được sai lầm quá khứ”, ông Han nhấn mạnh.        

Tin bài liên quan