Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu để giảm nhập siêu

Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu để giảm nhập siêu

(ĐTCK) Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy, tháng 1/2016, cán cân thương mại tiếp tục trong trạng thái nhập siêu cao, với mức nhập siêu 200 triệu USD, bằng 1,4% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó khu vực DN trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD; khu vực FDI xuất siêu 1,6 tỷ USD.

Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, để kiềm chế nhập siêu, giải pháp hữu hiệu nhất là thúc đẩy xuất khẩu. Do vậy, trong năm 2016 và giai đoạn tới đây, Bộ Công thương xác định tập trung trọng tâm vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, phát triển và khơi thông thị trường xuất khẩu; hỗ trợ DN tiếp cận thị trường tiêu thụ để đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời đẩy mạnh triển khai cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho các DN xuất khẩu; tổ chức hiệu quả đồng bộ công tác thông tin, dự báo và bám sát nhu cầu thị trường, hỗ trợ thông tin cho các DN.

Cụ thể, đối với nhóm giải pháp hỗ trợ sản xuất, khai thông thị trường, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh sản xuất, tăng nguồn hàng, trong đó đầu tư tăng năng lực sản xuất hàng công nghiệp, nông lâm thủy sản có lợi thế cho xuất khẩu; đồng thời tập trung đầu tư mở rộng sản xuất các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, liên tục trong nhiều năm nhưng thị phần ở nước đối tác còn nhỏ như sản phẩm nhựa, gỗ và thủ công mỹ nghệ, điện tử điện lạnh…

Việc tập trung phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nhằm tăng hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu, đảm bảo hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan cũng sẽ là giải pháp được đặc biệt chú trọng từ năm nay để đảm bảo cho các DN được hưởng lợi thế tối đa từ quy tắc này trong cắt giảm thuế quan.

Cũng nằm trong nhóm giải pháp này, Cục Xuất nhập khẩu cho biết sẽ tăng cường việc đối phó với các các vụ tranh chấp thương mại, cũng như nâng cao nhận thức của DN trong việc phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền lợi chính đáng và giảm thiểu các thiệt hại xảy ra.

Theo dự báo của Bộ Công thương, số vụ điều tra và áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng Việt Nam ngày càng nhiều và đa dạng sẽ hạn chế khả năng tận dụng, khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Liên quan đến nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ông Tuấn Anh cho biết, Bộ Công thương đang rốt ráo phối hợp với các Bộ ngành triển khai mạnh các biện pháp cải cách thủ tục hành chính.

“Việc đẩy mạnh cải cách được triển khai thông qua giảm thời gian và số lượng thực hiện các thủ tục, kết hợp các giải pháp cải cách về thuế, hải quan như triển khai hải quan điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, tạo thuận lợi hóa thương mại và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ tối đa cho các DN sản xuất và xuất khẩu. Đặc biệt, việc cải cách thủ tục hành chính, điện tử hóa, tạo thuận lợi cho việc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của DN đã góp phần gia tăng tỷ lệ tận dụng các ưu đãi FTA. Nhờ thực hiện biện pháp này, theo thống kê, trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu có giấy chứng nhận xuất xứ ước đạt 30,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2014”, ông Tuấn Anh cho biết.

Nhóm giải pháp đóng vai trò trọng tâm trong thời gian tới là về công tác thông tin, dự báo thị trường và phát triển thị trường xuất khẩu. Đây cũng chính là mục tiêu được đặt ra cho tất cả các tham tán thương mại tại Hội nghị Tham tán thương mại năm 2016 do Bộ Công thương tổ chức mới đây.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tham tán thương mại nhằm tăng trưởng xuất khẩu năm 2016, Cục Xuất nhập khẩu sẽ phối hợp với các cơ quan thương vụ, các kênh thị trường ngoài nước cùng các cơ quan có liên quan thực hiện rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động xuất nhập khẩu; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả tận dụng FTA. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường và tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhập khẩu.

Tin bài liên quan