Hồ sơ Panama gây chấn động tại nhiều quốc gia.

Hồ sơ Panama gây chấn động tại nhiều quốc gia.

Hồ sơ Panama và vấn đề chống chuyển giá tại Việt Nam

Với sự kiện Hồ sơ Panama, các cơ quan thuế phải giám sát chặt chẽ hơn các doanh nghiệp đến từ các “thiên đường thuế”, đồng thời cần có những thông tin minh bạch về những tổ chức, cá nhân người Việt liên quan đến Hồ sơ này.     

Vì sao Panama được gọi là “thiên đường thuế”

“Thiên đường thuế” là khái niệm được dịch thoát nghĩa từ thuật ngữ “tax haven” (nơi trú ẩn thuế) để chỉ các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà chính phủ tại đó áp dụng một mức thuế suất rất thấp đối với các hoạt động kinh doanh nói chung hoặc thậm chí là được miễn và không cần khai báo. Bên cạnh đó, tại các “thiên đường thuế”, thủ tục để đăng ký và thành lập một doanh nghiệp vô cùng đơn giản và nhanh chóng.

Bất kỳ người nào cũng có thể thành lập được một công ty “5 không” tại các quốc gia này, đó là: không cần đặt chân đến đó, không cần công khai danh tính người chủ thực sự, không cần có trụ sở, không cần thuê mướn nhân viên, không cần chứng minh bất cứ điều gì về năng lực tài chính hoặc các yêu cầu về điều kiện  kỹ thuật. Chính vì lẽ đó mà các công ty được thành lập dưới dạng này tại đây thường bị gọi là công ty “ma” hoặc công ty “vỏ bọc” ở nước ngoài. 

Tháng 12/1903, nhà nước Cộng hòa Panama đã trao cho Mỹ quyền xây dựng và quản lý vô hạn định kênh đào Panama. Đổi lại, người Mỹ đã trao quyền độc lập cho Panama với các điều luật đặc thù về thuế được xác lập ngay từ đầu. Dựa trên cơ sở đó, các giám đốc điều hành ở phố Wall đã giúp Panama xây dựng những đạo luật đặc biệt, cho phép bất kỳ ai cũng có thể đến đây để tạo lập các công ty vỏ bọc và không phải chịu thuế.

Hành động đó được xem là nhằm tạo ra nguồn động lực mạnh mẽ để thu hút các nguồn tài chính trên khắp thế giới đổ về đây và nhờ đó mà ngành công nghiệp đóng tàu và đặc biệt là việc xây dựng kênh đào có đủ vốn để thực hiện. Hơn nữa, việc đóng vai trò là trung tâm giao thương giữa các châu lục và việc sử dụng USD là đồng tiền giao dịch chính yếu đã khiến hoạt động kinh doanh và đầu tư của các công ty nước ngoài ở đây diễn ra dễ dàng và cực kỳ an toàn.

“Phù thủy” Jurgen Mossack và Ramon Fonseca

Mossack & Fonseca Co là một công ty tư vấn luật và cung cấp các dịch vụ về tài sản ở nước ngoài, được thành lập năm 1986 trên cơ sở sáp nhập Văn phòng luật của Fonseca và Công ty luật của Mossack.

“Cùng nhau, chúng tôi đã tạo ra một con quái vật”, Fonseca đã từng tuyên bố như vậy với các phóng viên. “Con quái vật” (monster) được Fonseca đề cập đầy ẩn ý và ngạo mạn, khi ông ta cho rằng, công ty đã tạo ra một thực thể không thể bị đánh bại bởi bất kỳ tổ chức hay chính phủ nào. Những thông tin rò rỉ được công bố bởi Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) vừa rồi đã bạch hóa cơ sở dữ liệu bí mật của gần 214.000 công ty vỏ bọc, phần lớn tại các “thiên đường thuế”, đã được tư vấn thành lập hoặc có liên quan đến các hoạt động của Mossack Fonseca.

Để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp tại chính quốc, các công ty thành lập một công ty vỏ bọc tại các “thiên đường thuế”, sau đó họ tiến hành bán sản phẩm cho công ty vỏ bọc với một mức giá bằng hoặc thấp hơn giá thành, với mục đích là làm cho công ty tại chính quốc bị lỗ và đương nhiên là không cần phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quản thuế sở tại.

Thông qua mạng lưới chằng chịt các công ty như vậy, Mossack Fonseca đã làm dấy lên các cáo buộc rằng, công ty này đã “phù phép” để tạo nên các cấu trúc hoạt động phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan thuế và cơ quan điều tra trong quá trình lần theo dòng tiền của những công ty vỏ bọc này. Thông qua các cấu trúc phức tạp đó, Mossack Fonseca bị tình nghi đã giúp các công ty và cá nhân giàu có trên khắp thế giới thực hiện các hành vi trốn hoặc tránh thuế thu nhập, rửa tiền hoặc thực hiện các giao dịch tài sản ngầm.

Chẳng hạn, năm 2012 - 2013, Mossack Fonseca bị chính quyền quần đảo Virgin Island (Anh quốc) phạt tiền vì nhiều lần vi phạm quy định chống rửa tiền, trong đó có một vụ liên quan tới con trai của cựu Tổng thống Ai Cập bị lật đổ Hosni Mubarak.

Hoặc trước đó, vào những năm 90 của thế kỷ trước, Mossack Fonseca đã bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cáo buộc đứng đằng sau các hoạt động rửa tiền tại hòn đảo nhỏ có tên Niue nằm ở Thái Bình Dương, khi công ty này “phù phép” biến Niue thành một “thiên đường thuế” thu hút vô số công ty đến đầu tư, tạo ra đến hơn 80% ngân sách của hòn đảo.

Trong năm 2015, Mossack Fonseca cũng bị cho là có dính líu đến vụ án trốn thuế của Ngân hàng Commerzbank tại Đức.

Gần đây, ngay trước thời điểm bùng nổ sự kiện hồ sơ Panama, thì Mossack Fonseca cũng vướng vào một vụ kiện tai tiếng tại Brazil liên quan đến hoạt động rửa tiền hối lộ tại công ty dầu khí nhà nước Petrobras, có nguy cơ làm sụp đổ chính quyền Tổng thống Dilma Roussef. Vậy câu hỏi được đặt ra là họ đã thực hiện những điều đó như thế nào?

Cổ phiếu vô danh và nghệ thuật ẩn mình

Thật sự, có rất nhiều cách để các công ty luật, chứ không riêng gì Mossack Fonseca, tư vấn cho khách hàng dựa trên những lỗ hổng về chính sách thuế, kiểm soát vốn và các khe hở luật pháp nói chung kết hợp với việc tận dụng các “thiên đường thuế” để trốn/tránh thuế, thực hiện hành vi chuyển giá hoặc thậm chí rửa tiền một cách hoàn toàn hợp pháp hoặc là qua mặt các cơ quản lý mà không bị lần ra.

Để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp tại chính quốc, các công ty thành lập một công ty vỏ bọc tại các “thiên đường thuế”, sau đó họ tiến hành bán sản phẩm cho công ty vỏ bọc với một mức giá bằng hoặc thấp hơn giá thành, với mục đích là làm cho công ty tại chính quốc bị lỗ và đương nhiên là không cần phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quản thuế sở tại. Sau đó, công ty vỏ bọc tiến hành bán lại sản phẩm cho các khách hàng thực thụ và khoản lợi nhuận này sẽ được bí mật chuyển về lại cho công ty mẹ. Đương nhiên, toàn bộ các giao dịch như vậy phần lớn được thực hiện thông qua các bút toán kế toán và đường đi nước bước được chỉ vẽ, “phù phép” bởi những công ty dạng như Mossack Fonseca.

Hoặc ở một phương thức khác, công ty mẹ thực hiện chuyển tiền hoặc tài sản cho công ty vỏ bọc và sau đó, khi cần tiền, họ yêu cầu công ty vỏ bọc bán lại tài sản cho một nhà đầu tư khác và cho công ty mẹ vay lại với lãi suất 0% và như vậy họ không phải trả bất cứ một đồng thuế nào.

Ngoài ra, các công ty tư vấn luật này còn tiến hành sắp xếp việc mua sắm và quản lý các tài sản có giá trị cao ở nước ngoài cho các công ty mẹ hoặc cá nhân giàu có ở chính quốc như du thuyền, máy bay hoặc các danh mục đầu tư nhằm giúp những người này tránh được các khoản thuế thu nhập khổng lồ mà đáng lẽ ra họ phải nộp cho cơ quan thuế của chính quyền sở tại.

Các thủ thuật tài chính kể trên cũng được tận dụng để thực hiện hành vi rửa tiền. Tiền vào công ty vỏ bọc có thể là bất hợp pháp, nhưng thông qua việc đầu tư và cho vay lại, nó sẽ trở nên hợp pháp.

Một trong những thủ thuật tài chính để thực hiện các phi vụ trên là “cổ phiếu vô danh” (bearer shares), được xem như một “phép lạ” mà Mossack Fonseca tạo ra để giúp các khách hàng có thể che giấu được danh tính hoặc thân phận của mình. Đây là một loại cổ phiếu không in tên người sở hữu. Bất kỳ ai nắm cổ phiếu thì người đó có quyền sở hữu cổ phiếu, đồng nghĩa có quyền sở hữu công ty. Loại cổ phiếu này ra đời để bảo mật danh tính người nắm giữ và nhờ vậy giúp cho họ có thể “ẩn mình” mà không bị lần ra bởi các cơ quan quản lý.

Nhưng một điều đương nhiên là, trong các tài liệu nội bộ và tuyệt mật của mình thì những công ty như Mossack Fonseca phải có các cơ sở dữ liệu để lưu trữ thông tin của các khách hàng thực thụ và giờ đây bằng một cách nào đó và bằng một nỗ lực nào đó mà phần lớn hồ sơ này đã được bạch hóa. Trong đó, có tên tuổi của nhiều công ty đa quốc gia lớn, nhiều chính trị gia, ngôi sao điện ảnh, siêu sao bóng đá. Trong số đó, có danh tính của 189 tổ chức và cá nhân người Việt Nam.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan