Hiệu quả hoạt động của Tập đoàn Dầu khí giảm sút

Kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm nay của các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm 2013.
Hiệu quả hoạt động của Tập đoàn Dầu khí giảm sút

Trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của toàn Tập đoàn là 380.000 tỷ đồng, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với mức thực hiện của cùng kỳ năm ngoái, song hiệu quả hoạt động lại giảm sút mạnh. Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân của 6 tháng đầu năm 2014 đạt 6,5%, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân đạt 3,3%; thấp hơn so với các con số tương ứng của 6 tháng đầu năm 2013 là 7,5% và 3,8%.

Nguyên nhân khiến hiệu quả hoạt động bị giảm sút được PVN chỉ ra là do sản lượng một số sản phẩm chủ yếu thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013, trong khi giá dầu trung bình chỉ tăng 1%.

Tuy nhiên, các số liệu lợi nhuận từ các đơn vị thành viên của PVN cũng cho thấy thực tế, những lĩnh vực mà PVN đang có sự độc quyền quản lý (hoặc hoạt động như khai thác dầu, khí, lọc dầu và có lợi thế từ khai thác tài nguyên đất nước, không phải cạnh tranh với các đơn vị khác) đều có hiệu quả hoạt động cao. Còn các lĩnh vực có sự cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế thì hiệu quả hoạt động cũng không có gì xuất sắc.

PVN hoạt động khá tại lĩnh vực “một mình một chợ”

5 lĩnh vực hoạt động chính của PVN (gồm thăm dò, khai thác dầu khí; lọc hóa dầu; công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao). Trong đó, khai thác dầu, khí; lọc hoá dầu; công nghiệp khí là 3 lĩnh vực mà PVN “một mình một chợ”, nên cho dù có gặp một số khó khăn nhất định, song nhìn chung, kết quả sản xuất - kinh doanh khá ổn.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, khai thác dầu trong nước đạt 7,55 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2013 (7,69 triệu tấn); doanh thu bán dầu của PVN đạt 6,91 tỷ USD (tương đương 146.500 tỷ đồng), chiếm 38,5% tổng doanh thu của toàn Tập đoàn trong nửa đầu năm 2014.

Theo đánh giá của PVN, lợi nhuận từ sản xuất khí, điện đạm, xăng dầu giảm 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ngừng hoạt động để bảo dưỡng từ ngày, giá bán LPG giảm 20-30%…

Trong lĩnh vực sản xuất điện, do cạnh tranh với nhiều nhà đầu tư từ những lĩnh vực khác, lại bị sự cố đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau trong 2 tháng 3 và 4/2014 và do huy động của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, nên sản xuất điện của các nhà máy do PVN đầu tư hoặc góp vốn chỉ đạt 8,44 tỷ kWh, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2013 (9,04 tỷ kWh). 

Mảng dịch vụ dầu khí cũng chứng kiến sự sụt giảm lợi nhuận 12% so với cùng kỳ năm 2013. Lợi nhuận từ loại hình dịch vụ tài chính (nơi có các doanh nghiệp như Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam - PVCombank, Ngân hàng TMCP Đại dương - Ocean Bank, Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí - PVI… đang hoạt động) giảm 25%; lợi nhuận từ loại hình kinh doanh, vận chuyển dầu khí, xăng dầu (nơi đang hoạt động của Tổng công ty Vận tải Dầu khí - PV Trans, Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất – DQS…) giảm 66%; lợi nhuận từ tư vấn, xây dựng (nơi có Tổng công ty Xây lắp Dầu khí – PVC, Tổng công ty Công nghiệp Năng lượng Dầu khí Việt Nam - PV EIC hoạt động…) giảm 68%.

Các đơn vị làm ăn yếu kém

Theo thống kê của PVN, có 3 đơn vị không hoàn thành kế hoạch doanh thu hợp nhất. Đó là DQS chỉ đạt 58,4% kế hoạch do thiếu đơn hàng; PVCombank chỉ đạt 88,3% kế hoạch và PV EIC chỉ bằng 69,7%.

Tổng công ty Tư vấn thiết kế Dầu khí (PVE), PVI, PVCombank và PV Oil có hiệu quả sinh lời về vốn đạt kế hoạch, nhưng thấp, tỷ suất lợi nhuận sau thuế hợp nhất trên vốn chủ sở hữu bình quân đạt dưới 3%. Ba đơn vị lỗ là PVX (lỗ hợp nhất 433,8 tỷ đồng, trong đó riêng công ty mẹ là 662,2 tỷ đồng); PV EIC (lỗ hợp nhất 13,3 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lỗ 14,3 tỷ đồng); PV Oil (lỗ của công ty mẹ 73,3 tỷ đồng).

Trong số các công ty thành viên cấp III (công ty cháu) có 24 đơn vị lỗ, là thành viên của PVC (11 đơn vị), PV EIC (1 đơn vị), PTSC (1 đơn vị); PVP (2 đơn vị); PV Oil (4 đơn vị), PVI (1 đơn vị)…

Tin bài liên quan