Hiệp định TPP có “làm nhỏ” túi tiền ngân sách?

Hiệp định TPP có “làm nhỏ” túi tiền ngân sách?

(ĐTCK) “Dự kiến Hiệp định TPP sẽ có hiệu lực từ năm 2018. Khi đó sẽ gây áp lực làm giảm thu ngân sách nhà nước do giảm thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy, khi môi trường kinh doanh được cải thiện, các nguồn thu khác sẽ tăng...”, ông Vũ Như Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho hay.

“Các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định TPP có hiệu lực khoảng từ 78-95% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% dòng thuế. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan....”, ông Vũ Như Thăng cho biết tại cuộc Họp báo chuyên đề thông tin về những nội dung của Hiệp định TPP, do Bộ Tài chính tổ chức chiều nay (9/11).

Cũng theo Bộ Tài chính, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, hoặc sau 3-5 năm như: nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su…

Hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ và Nhật Bản, đều có những cam kết theo hướng mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam.

Theo đó, Mỹ cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, trừ một số sản phẩm đường áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Nhật Bản cam kết khi TPP có hiệu lực, sẽ xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 86% số dòng thuế, chiếm 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản (tương đương 10,5 tỷ USD tính theo dữ liệu năm 2014); vào năm thứ 11 xóa bỏ đối với khoảng 95,6% số dòng thuế. Đặc biệt, đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi TPP có hiệu lực như: cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, tôm, cua ghẹ...

“Toàn bộ các mặt hàng thủy sản không cam kết xóa bỏ thuế trong FTA Việt Nam – Nhật Bản, sẽ được xóa bỏ trong TPP với lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 6, năm thứ 11 hoặc năm thứ 16 kể từ khi TPP có hiệu lực…”, ông Thăng nói.

12 nước trong TPP cam kết mở cửa thị trường rộng hơn cho Việt Nam, ở chiều ngược lại Việt Nam cũng có cam kết tương tự, khi chúng ta cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế trong TPP.

Theo đó, 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi TPP có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi TPP có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại Việt Nam cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

Với việc cắt giảm mạnh các dòng thuế nhập khẩu như vậy, câu hỏi đặt ra là có làm giảm thu ngân sách nhà nước? Ông Thăng cho biết, từ kinh nghiệm thực hiện một số hiệp định thương mại tự do trong thời gian qua cho thấy, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ tạo áp lực làm giảm thu ngân sách.

Tuy nhiên, việc giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp cho chi phí nguyên nhiên liệu- yếu tố đầu vào cho sản xuất của các doanh nghiệp sẽ giảm. Điều này cùng với môi trường kinh doanh được cải thiện, thuế xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp vào các thị trường trong TPP giảm mạnh, nên theo Bộ Tài chính sẽ giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp, qua đó tăng mức đóng góp vào ngân sách.

Mặt khác, tuy thuế nhập khẩu các mặt hàng giảm, nhưng các loại thuế như: giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, môi trường… sẽ được điều chỉnh tăng trong giới hạn cho phép, nên không chỉ bù đắp cho phần hụt thu từ giảm thuế nhập khẩu, mà còn góp phần tăng thu cho ngân sách theo hướng bền vững hơn.

Tin bài liên quan