Đây là Báo cáo mới nhất về thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel công bố.
Theo đó, Kantar Worldpanel phân tích, kinh tế Việt Nam cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực trong những tháng còn lại của năm 2017 nhờ nhu cầu tiêu dùng trong nước được cải thiện, sản xuất nông nghiệp hồi phục, xuất khẩu, FDI và bán lẻ tăng trưởng liên tục.
GDP tăng trưởng vượt trội trong quý 3, đạt trên 7% và được dự báo sẽ tiếp tục giữ tốc độ này trong quý cuối năm.
“Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có khả năng đạt được mục tiêu 6,5% vào cuối năm 2017”, theo báo cáo của Kantar Worldpanel.
Bức tranh tăng trưởng của thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được Kantar Worldpanel chỉ ra, thị trường FMCG ở thành thị, gồm 4 thành phố lớn gồm: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ duy trì đà tăng trưởng ổn định.
Thị trường nông thôn cho thấy nhiều chuyển biến tích cực mặc dù sản lượng tiêu dùng vẫn hồi phục chậm.
“Nhìn chung, cả thị trường thành thị và nông thôn nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tốt hơn trong những tháng cuối năm”, Kantar Worldpanel dự báo.
Cụ thể, các ngành hàng phi thực phẩm như khăn giấy hộp, nước giặt, nước rửa tay… tăng trưởng liên tục nhờ xu hướng ưu tiên sự tiện lợi và chú trọng vệ sinh hơn của người tiêu dùng ở cả thành thị lẫn nông thôn.
Ngành hàng thức uống đạt mức tăng trưởng đáng chú ý ở thị trường thành thị, được thúc đẩy chủ yếu bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành bia và các ngành thức uống giải khát.
Theo đó, tiêu điểm để kích cầu tăng trưởng chính là ngành hàng bia. Kantar Worldpanel cho rằng, bia là nguồn động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của ngành hàng thức uống với mức tăng trưởng nổi bật chủ yếu nhờ vào xu hướng lựa chọn các sản phẩm bia cao cấp hơn.
Đối với tiêu dùng tại nhà, Tết Nguyên đán đóng một vai trò quan trọng trong tổng doanh thu một năm của ngành hàng bia và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong dịp Tết âm lịch 2018.
Trên thực tế, vào cuối năm 2016, Việt Nam đã chính thức lọt vào Top 10 thị trường lớn nhất thế giới xét về dung lượng bia tiêu thụ. Theo tính toán, năm 2017, thị trường bia Việt Nam sẽ cán mốc tiêu thụ 4 tỷ lít.
Số liệu được công bố của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cũng cho thấy, trong năm 2016, sản lượng bia các loại của cả nước đạt 3,786 tỷ lít, tăng 9,3% so với năm 2015.
Trong số này, Sabeco đóng góp 1,640 tỷ lít, tăng 7,4%, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đạt 717,4 triệu lít, tăng 2,1%; riêng khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm Heineken, Carlsberg và một số thương hiệu khác đạt 1,428 tỷ lít - tăng 15,7% so với năm 2015.
9 tháng đầu năm 2017, Sabeco lãi sau thuế 3.718 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2016 và hoàn thành 83% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm 2017 Habeco đạt 7.203 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 631 tỷ đồng