Hàng ngàn công văn điều hành hàng năm, doanh nghiệp xoay thế nào!

(ĐTCK) Chỉ riêng các quy định về điều kiện kinh doanh có gần 900 trang, chưa kể quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời hạn và cơ quan có thẩm quyền xác nhận đáp ứng điều kiện kinh doanh. Không những thế, còn hàng ngàn “công văn điều hành hàng năm khiến rủi ro pháp lý của doanh nghiệp tăng rất cao.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Trong nỗ lực đơn giản hóa điều kiện gia nhập thị trường, ban hành các điều kiện kinh doanh phù hợp với lộ trình thực hiện các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế, sáng 6/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo Điều kiện kinh doanh – kinh nghiệm quốc tế và thách thức đối với Việt Nam. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, ngày 26/11/2014, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2015. Hai Luật này được cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia đánh giá cao về nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, một trong những nội dung quan trọng và rất được quan tâm trong quá trình triển khai thi hành 2 luật nói trên là các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Ông Cung cho biết, tập hợp chỉ riêng các quy định về điều kiện kinh doanh có gần 900 trang, chưa kể quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời hạn và cơ quan có thẩm quyền xác nhận đáp ứng điều kiện kinh doanh. Không những thế, còn hàng ngàn “công văn điều hành hàng năm”; rủi ro pháp lý, chi phí tuân thủ cao, thiếu cụ thể, thiếu nhất quán, hay thay đổi và không tiên liệu trước được; không công bằng trong quan hệ giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Những yếu tố trên dẫn đến những hệ quả trong môi trường kinh doanh. Theo đó, làm cho rào cản gia nhập thị trường cao, chi phí cao, thời gian kéo dài; Bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh, gây thiệt thòi cho doanh nghiệp cực nhỏ, nhỏ và vừa, cho doanh nghiệp tư nhân trong nước; tạo ra bất bình đẳng về giới và giữa các vùng, nhất là thành thị và nông thôn; không khuyến khích, thậm chí thui chột sáng tạo, loại bỏ những cách làm khác, cách làm mới, bởi sáng tạo, khác và mới bị coi là không phù hợp với pháp luật, thậm chí là vi phạm phát luật; làm cho quan hệ cung cầu thị trường méo mó; thị trường không thể điều chỉnh về điểm cân bằng cung – cầu; thị trường kém cạnh tranh và có xu hướng tạo nên cạnh tranh không lành mạnh.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp là rất rõ và cụ thể. Tuy nhiên, thực thi sẽ thế nào và khoảng cách giữa luật trên giấy và luật thực tế sẽ ra sao? Các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư đương nhiên không còn hiệu lực thi hành và đương nhiên bãi bỏ. 

Cũng tương tự đối với các điều kiện kinh doanh được quy định tại các văn bản không phải là Luật, Pháp lệnh và Nghị định. Ông Cung đặt vấn đề: “Nếu khoảng cách lớn giữa Luật và thực hiện luật đã tồn tại nhiều năm, vẫn tiếp tục tồn tại thì cần phải có cá nhân, cơ quan nhà nước cụ thể nào chịu trách nhiệm? Doanh nghiệp, người dân phải làm gì để thực thi đúng Hiến pháp, Luật Đầu tư; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Phải chăng, đây là phép thử của đổi mới, hoàn thiện và nâng cao hiệu lực của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang hướng đến?”.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, GS. Micheal Wools, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban năng suất Australia cho biết, các văn bản này sẽ tạo ra gánh nặng không cần thiết đối với doanh nghiệp và làm giảm năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia và hiệu quả phân bổ nguồn lực.

GS Micheal Wools cũng nhấn mạnh, môi trường kinh doanh thuận lợi là một nhân tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh. Cơ quan Nhà nước cần rà soát quy định được thành lập để theo dõi, rà soát và đưa ra các khuyến nghị nhằm tạo lập hệ thống quy định tốt hơn, hướng đến giảm gánh nặng về quy định cho doanh nghiệp.

Tin bài liên quan