Giữ người bằng giá trị mềm

Giữ người bằng giá trị mềm

(ĐTCK) Thu nhập cao hàng tháng không đủ đễ giữ chân người lao động trong điều kiện cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp hiện nay. 

Một môi trường làm việc tốt, với các giá trị mềm gồm văn hóa doanh nghiệp, khuyến khích khả năng sáng tạo, cống hiến, thăng tiến, đoàn kết và chia sẻ, chất lượng công việc và cuộc sống, uy tín lãnh đạo… mới đủ sức giữ chân các nhân sự giỏi.

Mùa Ðại hội đồng cổ đông năm nay, hàng loạt công ty xin phát hành quyền mua cổ phiếu ưu đãi cho người lao động, nhưng rất ít công ty gặp phản đối từ các cổ đông, sự đồng thuận chiếm đa số. Nếu có tranh cãi là tranh cãi về một vài điều khoản nào đó trong chương trình mà thôi.

Ðiều này khác hẳn với các năm trước đây, khi một công ty xin phát hành cổ phiếu cho người lao động thường phải rất dè chừng với sự soi xét kỹ lưỡng của cổ đông, vì chưa quen với con số thưởng lên đến chục tỷ, trăm tỷ đồng theo giá trị thị trường.

Thực tế này cho thấy, nhận thức về vai trò của người lao động đối với sự phát triển của doanh nghiệp đã thay đổi rõ rệt, không chỉ trong giới chủ, những cổ đông lớn, mà còn cả trong cộng đồng đầu tư.

Cạnh tranh thu hút nhân sự giỏi giữa các doanh nghiệp ngày càng trở nên gay gắt. Chỉ huy trưởng một công ty xây dựng có thể được đối thủ cạnh tranh mời sang làm việc với mức lương tăng gấp đôi. Một giám đốc marketing có thể được công ty khác chiêu mộ với lô cổ phiếu thưởng, trị giá trăm triệu “lót tay”.

Các nhân sự bậc trung ở các công ty có chút tên tuổi cũng không khó để tìm được một công việc với mức thù lao cao hơn, địa vị hơn ở một công ty cùng ngành có vị thế thấp hơn. Ðấy là những câu chuyện diễn ra thường xuyên trên thị trường, đặc biệt là những công ty niêm yết đang trên đà phát triển và tăng trưởng.

Vì thế, lương thưởng dần chỉ là một yếu tố cơ bản để ổn định, thu hút nhân sự tại mỗi công ty. Ði sâu tìm hiểu chính sách của các doanh nghiệp mới thấy, giữ người là cả một tổ hợp các chính sách, yếu tố.

Bạn sẽ nhận ra trong số báo này, số báo mừng ngày Quốc tế lao động 2017, có những tư duy quản trị nhân sự độc đáo và đáng tham khảo của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân. Chính những tư duy như thế đang tạo nên những DN lành mạnh, thúc đẩy tinh thần làm việc toàn tâm và sáng tạo, như Coteccons, MB, Tân Hiệp Phát, AAA, Bảo Việt, KPMG…   

Tại Coteccons, công tác đào tạo cho cấp phó, đào tạo người kế nhiệm là một trong những tiêu chí chấm điểm hoàn thành nhiệm vụ cho vị trí lãnh đạo. Tại Tập đoàn Hòa Phát, mức lương ở đây, theo cảm nhận của nhiều người lao động thì “không bao giờ là cao, cũng không bao giờ thấp, nhưng được cái ổn định lâu dài”.

Tại Công ty Chứng khoán HSC, từ lâu đã vận hành Quỹ nhân văn, hỗ trợ tài chính tình huống khẩn cấp cho các nhân viên với thông điệp: “Chúng ta bên nhau, chúng ta quan tâm đến nhau”. Tại Công ty Nhựa và Môi trường xanh An Phát, từ 2015 đã áp dụng chính sách lao động trọn đời, không đuổi việc bất kỳ ai…

Năm 2017, theo đánh giá của nhiều tổ chức độc lập, môi trường làm việc của các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết, ngày càng tốt hơn dưới sức ép của cạnh tranh, sức ép của tăng trưởng.

Dự báo, xu hướng này sẽ tiếp diễn mạnh mẽ hơn trong thời gian tới khi thị trường lao động Việt Nam hội nhập với thị trường lao động khu vực.

Khi đó, doanh nghiệp Việt không chỉ bị cạnh tranh thu hút lao động từ các đối thủ trong nước mà cả các công ty ở nước ngoài. Chuẩn bị giữ từ bây giờ trước khi quá muộn và phải trả một giá đắt hơn là bài học thời sự cho tất cả doanh nghiệp.

Tin bài liên quan