Giành thị phần bán lẻ, ngân hàng chạy đua thâu tóm công ty tài chính

Giành thị phần bán lẻ, ngân hàng chạy đua thâu tóm công ty tài chính

(ĐTCK) Cuộc cạnh tranh giành thị phần bán lẻ tài chính được dự báo sẽ nóng dần trong thời gian tới, nhất là với tín dụng cho vay tiêu dùng. Do tiềm năng tăng trưởng đối với hoạt động này được đánh giá là còn rất lớn nên các NHTM đang chạy đua mua lại công ty tài chính để nhanh chóng mở rộng thị phần trong lĩnh vực này.

Tranh thủ thâu tóm

Nghị định 39/2014/NĐ-CP vừa được ban hành đã cho phép công ty tài chính thực hiện hoạt động phát hành thẻ tín dụng, huy động vốn của các tổ chức, bảo lãnh, bao thanh toán. Vì thế, cuộc cạnh tranh về thị phần bán lẻ được đánh giá sẽ nóng dần. Trên thực tế, không chỉ đến giai đoạn này các NHTM mới đẩy mạnh bán lẻ, nhưng để đạt được mục tiêu nhất định về quy mô, thị phần, đòi hỏi phải mất khá nhiều thời gian. Do vậy, các NHTM đã chọn giải pháp mua lại công ty tài chính để thực hiện mục tiêu này.

Chính “miếng bánh” cho vay tiêu dùng còn lớn nên các NHTM bắt đầu chạy đua thâu tóm công ty tài chính để có thể đi tắt vào lĩnh vực này, thay vì thành lập công ty tài chính hoặc mở rộng cho vay nhỏ lẻ.

Một trong những thương vụ đầu tiên phải kể đến là việc HDBank mua lại SGVF trong năm qua rồi đổi tên thành HDFinace (năm qua HDFinace đóng góp đến 79 tỷ đồng lợi nhuận vào tổng lợi nhuận 396 tỷ đồng trước thuế sau khi trích lập dự phòng của HDBank).

Bên cạnh đó là các thương vụ MaritimeBank mua lại 64,1% cổ phần của Tập đoàn Dệt may tại Công ty tài chính Dệt may; SHB xin ý kiến cổ đông để mua lại 1 công ty tài chính (theo các nguồn tin, đối tượng này có thể là Công ty tài chính Viettel Vinaconex). Mới đây nhất, VPBank chính thức công bố sẽ mua lại 100% vốn Công ty TNHH một thành viên tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam.

Cơ hội tăng trưởng

Chủ tịch SHB, ông Đỗ Quang Hiển cho rằng, việc mua lại công ty tài chính được xem là cơ hội để Ngân hàng phát triển mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ, phục vụ tiêu dùng, một trong những dịch vụ có xu hướng phát triển mạnh trong giai đoạn hiện nay và tương lai, đem lại nhiều nguồn thu giá trị gia tăng. SHB đặt mục tiêu đến năm 2015 trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng và 2020 sẽ là tập đoàn tài chính. Do đó, theo ông Hiển, lúc này, SHB cần chuẩn bị một đội ngũ chuyên nghiệp về tài chính và đầu tư.

Đánh giá về tiềm năng đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, một lãnh đạo cấp cao của Sacombank cho rằng, tiềm năng và dư địa của một đất nước trên 90 triệu dân của Việt Nam còn rất lớn để đẩy mạnh chiến lược ngân hàng bán lẻ, cho vay tiêu dùng. Bản thân Sacombank là một ngân hàng đang đẩy mạnh bán lẻ, với tỷ lệ cho vay nhỏ, lẻ hiện chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng dư nợ, trên 50%. Tuy nhiên, chiến lược của Sacombank là tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa đối với mảng hoạt động này.

Theo số liệu từ Công ty Truyền thông tài chính StoxPlus, tổng quy mô thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam năm 2013 tăng trưởng 12%, đạt gần 188.000 tỷ đồng (khoảng 8,88 tỷ USD) nhưng chỉ chiếm 5,4% GDP. Ngoài ra, các công ty tài chính tiêu dùng (chủ yếu là đơn vị ngoại) chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng dư nợ 8,88 tỷ USD này.

Còn theo đánh giá từ một lãnh đạo của công ty tài chính ngoại, nhu cầu vốn tiêu dùng của người dân Việt Nam là rất lớn, nhưng để “gõ” được cửa ngân hàng để vay tiêu dùng là điều hoàn toàn xa vời đối với những những người lao động chân tay như công nhân, trong khi, các công ty tài chính đang tấn công mạnh vào các đối tượng này.

Chẳng hạn, Home Credit cho vay với món nhỏ, thậm chí 5 - 10 triệu đồng, nhưng hiệu quả thu lại rất lớn, nhờ lãi suất cao. Con số lợi nhuận đạt được của Home Credit trong năm qua được xem là khá ấn tượng khi so với kết quả chung của các NHTM trong nước. Lợi nhuận của Home Credit bỏ xa lợi nhuận của một số ngân hàng cỡ trung như Maritime Bank, DongA Bank hay Ocean Bank. Cụ thể, với vốn góp chỉ 550 tỷ đồng, Home Credit đã đạt mức lợi nhuận đến 711 tỷ đồng trước thuế trong năm qua. Dư nợ cho vay khách hàng đến cuối năm 2013 của Công ty đạt hơn 4.500 tỷ đồng, tăng đến 83% so với cùng kỳ 2012.

Ông Sanjoy Sen, Giám đốc phụ trách khối Ngân hàng bán lẻ của ANZ khu vực châu Á -Thái Bình Dương cho rằng, nhu cầu tài chính và dịch vụ thanh toán tại các thị trường mới nổi như Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Bởi Việt Nam, với quy mô 90 triệu dân, sẽ mở ra cơ hội lớn cho các NHTM. Việc ngân hàng nội mua lại công ty tài chính để đẩy mạnh mảng bán lẻ, theo ông Sen, là xu hướng tốt.

Trong một động thái khác, Ngân hàng Nhà nước đã lên kế hoạch trong năm nay  sẽ tiến hành tái cơ cấu toàn bộ các công ty tài chính để tạo ra các định chế cho vay tiêu dùng lành mạnh hơn.

Tin bài liên quan