Gian nan thoái vốn đầu tư ngoài ngành

Gian nan thoái vốn đầu tư ngoài ngành

(ĐTCK) Nhiều dự án đang thiếu vốn để triển khai do các DNNN ngừng góp vốn trước yêu cầu phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Tiến thoái lưỡng nan

UBND TP. HCM vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho 5 cổ đông là các DNNN trực thuộc UBND TP. HCM được tiếp tục góp vốn vào CTCP Đầu tư y tế Sài Gòn (MECO) để đầu tư Dự án Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnompenh tại Campuchia. Dự án này đã khánh thành giai đoạn 1 với quy mô 200 giường bệnh và đi vào hoạt động từ ngày 13/1/2014. Tuy nhiên, cho đến nay, do 5 cổ đông trên vẫn chưa góp đủ vốn để triển khai giai đoạn 1 của Dự án nên đã ảnh hưởng đến quá trình vận hành giai đoạn 1, cũng như làm chậm tiến độ góp vốn và thực hiện giai đoạn 2 theo cam kết.

Nguyên nhân của việc chậm trễ góp vốn là do các công ty đó phải thực hiện việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”. 5 công ty đó là: Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM, Tổng công ty Thương mại Sài gòn, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn.

Đối chiếu với Quyết định 929, việc 5 công ty góp vốn thực hiện Dự án Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnompenh là hoạt động đầu tư ngoài ngành, do đó sẽ phải thực hiện việc thoái vốn theo lộ trình từ nay đến năm 2015 theo chủ trương tái cơ cấu DNNN. Hiện tại, TP. HCM vẫn chưa tìm được nhà đầu tư khác thay thế các cổ đông phải thực hiện thoái vốn ngoài ngành này. Do vậy, giai đoạn 2 của Dự án đang phải dừng thi công, chậm tiến độ triển khai theo cam kết với phía Campuchia.

Cũng nằm trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” là trường hợp của Tổng công ty Sông Đà. Tổng công ty này đang gặp rất nhiều khó khăn khi các cổ đông khác ngừng tham gia góp vốn để thực hiện một số dự án thủy điện tại Lào như đã cam kết trước khi có chủ trương hạn chế đầu tư ngoài ngành.

Để tham gia đầu tư các dự án thủy điện tại Lào, trước đây, các cổ đông tham gia góp vốn thành lập CTCP Điện Việt - Lào gồm: Tổng công ty sông Đà góp 49%, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 11%, Tổng Công ty Tài chính Dầu khí 11%, CTCK BIDV 10%, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 10%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam 2%, CTCP Đô thị Sông Đà 6%, Công ty Bảo hiểm Dầu khí 1%.

Tuy nhiên, ngay sau khi có chủ trương hạn chế đầu tư ngoài ngành, các cổ đông trong CTCP Điện Việt - Lào đã dừng việc góp vốn, khiến dự án không có vốn để triển khai.

Cần có giải pháp thoái vốn phù hợp

Về kiến nghị của UBND TP. HCM nêu trên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ nhất trí với kiến nghị đó nhằm duy trì hoạt động của Bệnh viện. Tuy nhiên, Bộ đề nghị UBND TP. HCM nghiên cứu chuyển vốn về những tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính phù hợp với quy định tại Quyết định số 929.

Đối với dự án của Tổng công ty Sông Đà, các cơ quan chức năng đã thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các cổ đông được tiếp tục góp vốn để triển khai những dự án đã cam kết đầu tư, song các cổ đông cũ không còn mặn mà tham gia dự án. Vì thế, dự án đầu tư tại Lào đã giải ngân hàng nghìn tỷ đồng vẫn đang phải dừng thi công do thiếu vốn.

Từ thực tế trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thoái vốn đầu tư ngoài ngành là chủ trương đúng đắn và cần thiết nhằm hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải, không hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi phải có giải pháp xử lý kịp thời, cũng như có lộ trình thoái vốn phù hợp, bảo đảm không ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư của các dự án, đặc biệt là đối với dự án đầu tư trọng điểm mang tính chiến lược.

Theo ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhiều doanh nghiệp trước đây đua nhau đầu tư ngoài ngành, giá trị đầu tư lớn, giờ muốn thu vốn về trong điều kiện khó khăn hiện nay là không đơn giản. Nếu thực hiện việc thoái vốn quá máy móc, không phù hợp với thực tế sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không thể hoàn thành đúng thời hạn, thậm chí gây ra những hậu quả khó lường. Do đó, cần có giải pháp phù hợp cho việc thoái vốn của các DNNN và điều này cần có hướng dẫn mang tính cơ sở pháp lý, đưa vào luật định, với các quy định cụ thể về điều kiện, loại hình, lộ trình, mức độ thoái vốn…       

Tin bài liên quan