Đằng sau mỗi giấy phép con có thể là quyền lợi của người ban hành

Đằng sau mỗi giấy phép con có thể là quyền lợi của người ban hành

Gian nan cuộc chiến với “giấy phép con”

(ĐTCK) Vỏn vẹn 3 bộ có ý kiến phản hồi về Cục Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng vẫn theo tinh thần bảo lưu các điều kiện kinh doanh như hiện nay, sau 3 tháng lấy ý kiến các bộ ngành và các doanh nghiệp, hiệp hội về việc rà soát các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thực tế này cho thấy cuộc chiến với các loại “giấy phép con” hạn chế kinh doanh vẫn còn rất gian nan.

Ba bộ có ý kiến phản hồi, theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin - Truyền thông. Tuy nhiên, quan điểm của 3 bộ này là đề nghị giữ nguyên các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện trong phạm vi trách nhiệm quản lý của mình như hiện nay, mặc dù theo ông Cung, thực trạng này vừa không còn phù hợp và vừa không đúng thẩm quyền theo quy định tại Luật Đầu tư đã được Quốc hội nhất trí thông qua và chuẩn bị có hiệu lực từ 1/7 tới.

Đáng chú ý nữa là, liên quan đến vấn đề rất quan trọng này, chỉ có 18 trên tổng số hơn 400.000 doanh nghiệp có ý kiến, còn chưa thấy có hiệp hội nào lên tiếng. Tại sao lại có tình trạng thờ ơ như vậy từ phía các bộ ngành và hơn nữa là từ các doanh nghiệp và hiệp hội, vốn là những đối tượng sẽ trực tiếp chịu sự điều chỉnh của các quy định về lĩnh vực kinh doanh có điều kiện?

Ông Cung cho rằng, có một số nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng này.

“Về phía các bộ ngành, họ tự làm thì họ có ý kiến giữ nguyên là chuyện bình thường. Nhưng đáng nói là những cái trái thẩm quyền thì vẫn còn nguyên. Các bộ không được quyền ban hành điều kiện kinh doanh, nhưng có lẽ họ vẫn không nhận thức được thẩm quyền”, ông Cung bình luận.

Còn đối với các hiệp hội, theo ông Cung, sự thờ ơ này xuất phát từ quan điểm ứng xử của một số hiệp hội đang có lợi ích là càng quản chặt càng tốt để bảo vệ lợi ích hiện tại. “Một số hiệp hội thậm chí còn muốn kiến nghị tăng thêm điều kiện kinh doanh, quản lý chặt hơn, thủ tục phức tạp hơn để giữ nguyên những quyền lợi hiện có theo cơ chế xin - cho vì họ đã có lợi ích riêng từ cơ chế này, mà những bên khác không có được. Một số khác thì cho rằng cứ giữ nguyên tình trạng hiện hành lại tốt hơn. Còn đại đa số thì bàng quan, do họ đã nói mãi nhưng không thấy có gì chuyển biến nên không quan tâm tới nữa”, ông Cung bức xúc.    

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thậm chí còn cảnh báo tính cam go và khốc liệt của cuộc chiến này so với nỗ lực xóa bỏ các giấy phép con khi ban hành Luật Doanh nghiệp 2005.

“Chắc chắn, những nỗ lực bãi bỏ các điều kiện kinh doanh và cải cách lần này còn khó hơn và gian khổ hơn so với trước đây, vì cơ quan ra điều kiện bây giờ kinh nghiệm đầy mình. Họ rút kinh nghiệm từ những lần trước khi bị tước bỏ quyền cấp giấy phép là mất đi bao nhiêu lợi ích, nên lần này sự chống đối chắc chắc sẽ rất kịch liệt”, ông Doanh nhấn mạnh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cũng cho rằng, việc cải cách quy định về “giấy phép con” hiện nay sẽ khó hơn vì cơ quan quản lý chuyên ngành nhiều kinh nghiệm hơn so với trước đây, nên phản ứng sẽ tinh vi hơn và khó nhận biết hơn. Ông Tuấn nêu một thực tế là hồi đầu năm 2000, do chưa có kinh nghiệm,  cơ quan Nhà nước gọi tất cả các giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh là “giấy phép”, nhưng giờ đây, thay vì “giấy phép” họ đã chuyển lên hình thức tinh vi hơn là “thông báo”, thực chất cũng là một loại giấy phép trá hình.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cảnh báo về tình trạng tham vấn không minh bạch, không thực chất của cơ quan Nhà nước khi soạn thảo văn bản hướng dẫn để “đánh úp” khiến doanh nghiệp trở tay không kịp, hoặc nói như ông Cung là sử dụng mẹo để “cài cắm” bằng cách đưa ngay vào dự thảo đầu tiên những cái rất vô lý để bàn, rồi sau đó về thêm vào và gọi là tiếp thu. Sau khi bàn thảo vài lần là đã hợp thức hóa được. Chính cách làm thiếu hợp tác này đã làm giảm niềm tin của doanh nghiệp vào cơ quan quản lý cũng như vào cơ chế chính sách của Nhà nước.

Theo các chuyên gia, đây là tình trạng rất đáng lo ngại mà các thành viên Hội đồng rà soát cải cách cũng như các tổ công tác phải nhận thức được rõ ràng để thực sự có những biện pháp thực thi quyết liệt nhằm đưa luật pháp đi vào thực tiễn, tránh tình trạng luật đã ban hành nhưng rất có thể một thời gian sau mọi việc lại trở lại như cũ hoặc thậm chí lại xuất hiện các hình thức điều kiện và giấy phép con mới trá hình tinh vi và khó khăn hơn.

Tin bài liên quan