Giảm phát không đáng ngại

Giảm phát không đáng ngại

(ĐTCK) Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 rơi xuống mức âm lần đầu tiên trong 10 năm qua khiến nhiều ý kiến lo ngại về việc giảm phát gây trì trệ cho nền kinh tế. 

Tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 9 diễn ra chiều qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ đánh giá, chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm tăng thấp, tuy nhiên, không có biểu hiện giảm phát, mà còn có lợi cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Bộ trưởng Nên nhận xét, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 giảm 0,21% so với tháng trước chủ yếu do giá xăng, dầu, giá gas trong nước tiếp tục giảm mạnh. Trên thực tế, tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu đã tăng khá mạnh: tổng mức bán lẻ hàng hoá 9 tháng đầu năm tăng 9,8%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,1% (cùng kỳ năm 2014 tăng 7,3%). Tăng trưởng kinh tế 9 tháng cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước: tốc độ tăng GDP 9 tháng đầu năm 2015 đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước (cùng kỳ năm 2011 là 6,03%; 2012 là 5,1%; 2013 là 5,14%; 2014 là 5,53%).

Trước những lo ngại lãi suất huy động tăng do ảnh hưởng của việc điều chỉnh tỷ giá có thể dẫn đến tăng lãi suất cho vay, đi ngược với chủ trương tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Nên cho biết, do lạm phát đang ở mức thấp, để ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất. Thực tế mặt bằng lãi suất vẫn đang ổn định sau khi điều chỉnh tỷ giá và so với cuối năm 2014 đã giảm khoảng 0,2 - 0,5%/năm.

Trả lời câu hỏi: “Mặc dù cơ quan chức năng đã có một số biện pháp hành chính nhưng tình trạng giá hàng hóa, đặc biệt là giá cước vận tải, taxi, thực phẩm chưa điều chỉnh tương ứng với việc giảm giá xăng đã kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, Chính phủ chỉ đạo như thế nào về vấn đề này?”, Bộ trưởng cho hay, theo quy định pháp luật về quản lý giá, cước vận tải hành khách tuyến cố định, cước vận tải hành khách bằng taxi, cước vận tải bằng xe buýt thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ phải kê khai giá. Đối với các mặt hàng này, cơ quan chức năng theo thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý giá và có những điều chỉnh phù hợp với biến động giá xăng dầu trên thị trường.

Tuy nhiên, biến động giá xăng dầu còn ảnh hưởng đến một số mặt hàng khác liên quan đến đời sống của đông đảo nhân dân, các cơ quan chức năng đang chỉ đạo xem xét mức độ ảnh hưởng để có những kiến nghị điều chỉnh các quy định về quản lý giá cho phù hợp.

Liên quan đến việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ban hành kết luận thanh tra một số dự án BOT, trong đó không thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về tổng mức đầu tư các dự án, chênh lệch nghìn tỷ đồng. Bộ GTVT đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Tại cuộc họp báo, Chính phủ đã cung cấp thêm một số thông tin. Cụ thể, Thanh tra Bộ KH&ĐT đang tiến hành thanh tra đối với 17 dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, BT tại Bộ GTVT. Kết quả thanh tra đối với từng dự án cụ thể được đoàn thanh tra lập và công bố theo quy định. Khi kết thúc kế hoạch thanh tra, Bộ KH&ĐT sẽ tổng hợp chung kết quả thanh tra 17 dự án, dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2016.

Ngày 8/9/2015, Bộ GTVT có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo giải trình và tiếp thu một số nội dung trong kết luận thanh tra. Tuy nhiên, Bộ cũng trình bày một số vấn đề về cách tính tổng mức đầu tư... để làm rõ hơn các nội dung kết luận thanh tra. Theo đó, tổng mức đầu tư là căn cứ ban đầu để dự tính thời gian hoàn vốn phục vụ đàm phán, lựa chọn nhà đầu tư. Thời gian thu phí chính thức được quyết định theo giá trị quyết toán công trình nên phần kinh phí chênh lệch giữa tổng mức đầu tư và chi phí thực tế đầu tư không phải là thất thoát, lãng phí hoặc khai khống tổng mức đầu tư để kéo dài thời gian thu phí.

Với những thông điệp được đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ chiều qua, có thể tin tưởng rằng, nền kinh tế từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục có triển vọng tích cực. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến cuối năm và đầu năm 2016, các Bộ, ngành tiếp tục bám sát diễn biến tình hình thế giới và trong nước, có đối sách, giải pháp phù hợp, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tin bài liên quan