Khuyến mãi không phải là cách bền vững để phát triển thị trường - Ảnh: Hoài Nam

Khuyến mãi không phải là cách bền vững để phát triển thị trường - Ảnh: Hoài Nam

Giảm khuyến mãi, doanh nghiệp vật liệu đo sức cạnh tranh

(ĐTCK) Thị trường vật liệu xây dựng 7 tháng đầu năm đón nhận tín hiệu tích cực ở hầu hết các ngành sản xuất từ xi măng, sắt thép đến gạch, đá ốp lát… 

Tuy nhiên, sự tăng trưởng trong cùng một nhóm ngành không đồng đều mà xu thế phân cực ngày càng rõ nét. Trong bối cảnh đó, hạ giá hay khuyến mãi không giúp các DN tiêu thụ sản phẩm mà trái lại, điểm yếu của DN lại được bộc lộ rõ hơn.

Trên lĩnh vực sản xuất xi măng, khi những DN mạnh tìm ra lối đi cho riêng mình thì các DN khác vẫn “trầy trật” không cách xa vạch xuất phát là bao. Đơn cử như trong ngành xi măng, nhưng đơn vị có tình hình hoạt động khả quan như Xi măng Cẩm phả đã xuất được 25.000 tấn xi măng PC50 sang thị trường Peru với mức giá đủ lãi và mở ra hướng đi mới cho xuất khẩu sản phẩm của DN này. Thay vì xuất clinker, xuất khẩu xi măng đang là bước đi mới của các nhà sản xuất. Trong khi sức ép hạ giá từ clinker Trung Quốc, nhiều DN buộc phải hạ giá để giữ thị trường và tiêu thụ sản phẩm vẫn không bán được, thì The Vissai vẫn kiên cường “chiến đấu” với 2,7 triệu tấn sản phẩm được xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2015.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xi măng The Vissai cho biết: “The Vissai kiên trì chiến lược chất lượng ổn định, có nhiều dòng sản phẩm để phục vụ đa dạng nhu cầu trên thế giới. Có chính sách chăm sóc khách hàng và giá hợp lý. Nhưng giá hợp lý không có nghĩa là rẻ”. Theo đó, The Vissai có 4 - 5 dòng sản phẩm, cùng với yếu tố chất lượng và dịch vụ giúp DN này trụ vững trên thị trường xuất khẩu.

Ra đời từ rất lâu, nhưng thương hiệu xi măng Vinacomin gần như “chìm nghỉm” trên thị trường. Chính sách giá thấp cũng không giúp các nhà sản xuất thuộc thương hiệu này (bao gồm Xi măng La Hiên, Tân Quang và Quán Triều) tiêu thụ sản phẩm.

Chẳng hạn, tại thị trường phía Bắc, sản phẩm xi măng Vinacomin có giá thấp hơn xi măng Hoàng Thạch ở mức trên dưới 300.000 đồng/tấn, thế nhưng xi măng Vinacomin vẫn khó tiêu thụ trong khối dân sinh. Nếu không “vào” được công trình của Samsung tại Vĩnh Phúc thì tiêu thụ của thương hiệu này chắc chắn gặp khó.

Tại thời điểm “ế” xi măng trầm trọng trong năm 2012, xi măng Vinacomin có giá thấp hơn xi măng Hoàng Thạch đến 450.000 đồng/tấn, nhưng sau 3 tháng triển khai kế hoạch “lấy lại thị trường đã mất”, Hoàng Thạch đã đẩy Vinacomin ra khỏi thị trường của mình. Tất nhiên, không phải bằng chính sách giá thấp hay giảm giá.

Tiêu thụ thép đang rất khả quan nhưng không phải chia đều lợi nhuận cho các DN. Hòa Phát, Pomina hay Tôn Hoa Sen luôn giành được thị trường tiêu thụ, tuyệt nhiên không phải từ chiến lược khuyến mãi, giảm giá.

Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt - công ty mẹ của Pomina cho biết: “Sở dĩ Pomina được tiêu thụ nhiều trong các công trình lớn do chất lượng đã được khẳng định, cộng thêm năng lực cung cấp theo nhu cầu khách hàng. Chế độ hậu mãi và dịch vụ đã ghi điểm cho Pomina trên thị trường cạnh tranh”.

Trên thực tế, giá của Pomina chỉ nhích hơn một chút so với các sản phẩm khác. Chủ đầu tư một công trình cho biết: “Nếu tổng dự toán xây dựng công trình khoảng 300 tỷ đồng thì giá thép Pomina so với loại khác cao hơn chưa đến 80 triệu đồng. Hơn nữa, Pomina luôn cấp kịp thời theo yêu cầu và còn làm tốt dịch vụ xung quanh thanh toán như chứng từ, hóa đơn… Tính ra, còn có lợi hơn so với một số nhãn hàng khác”.

Trên lĩnh vực gạch ốp lát, để cạnh tranh với sản phẩm từ Trung Quốc, nhiều DN sản xuất trong nước kiên trì mục tiêu chất lượng và sản xuất theo nhu cầu thị trường. Chẳng hạn, gạch CMC đã cho ra dòng sản phẩm mới gạch mài bóng nano.

Ông Kiều Văn Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty CMC cho biết: “Năm 2013, khi tiêu thụ gặp khó, dây chuyền mới sắp đi vào hoạt động, sản lượng tăng gấp đôi thì hạ giá hay khuyến mãi lớn cũng không thể “đọ” với hàng Trung Quốc giá rẻ. Công ty đã cho ra dòng sản phẩm không phải dùng đến bột dính hay xi măng mà mài cạnh để khớp nối các viên gạch lát với nhau. Loại sản phẩm này ngay lập tức được thị trường đón nhận và bán hàng tốt, gỡ khó cho CMC trong lúc thị trường tiêu thụ ngưng trệ”.

Được biết, CMC hiện là một trong số ít nhà sản xuất gạch ốp lát trong nước làm ăn hiệu quả, sản phẩm có độ phủ trên khắp cả các tỉnh, thành và luôn đứng trong Top 5 DN gạch ốp lát làm ăn hiệu quả nhất Việt Nam.

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) nhận xét: “DN vật liệu xây dựng phải khẳng định sức khỏe của đơn vị bằng các chính sách phù hợp, chứ không thể bằng cuộc đua khuyến mãi. Chạy đua giảm giá, khuyến mãi lớn sẽ làm cho chính bản thân DN suy yếu”.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan