Giải mã lệch số nhập khẩu 20 tỷ USD giữa Việt Nam và Trung Quốc

(ĐTCK) Nhập khẩu của Việt Nam thấp hơn số liệu Trung Quốc công bố tới 20 tỷ USD, tương đương 46%. Những con số này ngay lập tức đã gây “sốt” trên diễn đàn Quốc hội và câu hỏi tại sao có con số lớn thế này?
Có 6 nguyên nhân khiến chênh lệch số liệu nhập khẩu của Việt Nam và xuất khẩu của Trung Quốc (Ảnh Internet)

Có 6 nguyên nhân khiến chênh lệch số liệu nhập khẩu của Việt Nam và xuất khẩu của Trung Quốc (Ảnh Internet)

Chênh lệch số liệu thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa (thống kê xuất nhập khẩu) giữa Trung Quốc và các đối tác là vấn đề phổ biến trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng.

Riêng đối với Việt Nam, số liệu thống kê xuất nhập khẩu với Trung Quốc cũng có sự chênh lệch lớn, riêng năm 2014 ở mức khá cao, số xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn con số thống kê của phía Trung Quốc là 5 tỷ USD, tương đương 33%. Nhập khẩu của Việt Nam thấp hơn số liệu Trung Quốc công bố tới 20 tỷ USD, tương đương 46%.

Những con số này đã gây “sốt” trên diễn đàn Quốc hội trong tuần trước. Giải thích sự khác nhau này thế nào?

Thừa nhận số liệu chênh lệch này, Tổng cục Thống kê mới đây đã phát đi thông cáo giải thích lý do số liệu thống kê xuất nhập khẩu của Việt Nam chênh lệch tới hàng chục tỷ USD. Theo đó, cơ quan này đã chỉ ra 6 nguyên nhân khiến chênh lệch số liệu nhập khẩu của Việt Nam và xuất khẩu của Trung Quốc.

Một là sự khác biệt phương pháp thống kê nước đối tác. Hai là do phạm vi thống kê. Một số luồng hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam nhưng không thuộc phạm vi thống kê của Việt Nam (hàng tạm nhập tái xuất, quá cảnh hoặc chuyển khẩu từ Trung Quốc, Hồng Kông) song Trung Quốc lại thống kê. Ba là do xác định trị giá thống kê khác nhau. Bốn là hoạt động nhập lậu vào Việt Nam. Năm là do gian lận thương mại. Sáu là sự lẫn lộn giữa hàng hóa và dịch vụ xuất nhập khẩu trong thống kê.

Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Thị Minh Thủy cho biết việc chênh lệch số liệu thống kê xảy ra với nhiều nước. Việt Nam, Indonesia và Malaysia đã rà soát song phương, phát hiện ra rất nhiều nguyên nhân khiến có sự chênh lệch số liệu. Nhưng thực tế Indonesia và Malaysia có sự chênh lệch số liệu với Việt Nam không nhiều.

Lý giải chênh lệch số liệu của Việt Nam với Trung Quốc, bà Thuỷ cho rằng, về xuất khẩu: số liệu của Việt Nam năm 2014 thấp hơn 5 tỷ USD so với nhập khẩu của Trung Quốc. So sánh số liệu 2 nước theo danh mục HS cho thấy: chênh lệch thể hiện chủ yếu ở nhóm hàng hóa thuộc chương 85 “Máy móc, thiết bị điện và các bộ phận của chúng” với 5,5 tỷ USD trong đó tập trung lớn nhất vào nhóm hàng điện tử, điện thoại là nhóm hàng Việt Nam gia công, lắp ráp là chủ yếu.

Nguyên nhân là do hàng Việt Nam sau khi sản xuất được chuyển đến một nước thứ ba và Trung Quốc nhập khẩu các hàng hóa này từ nước thứ ba với xuất xứ Việt Nam.

Với nhóm hàng khoáng sản (chương 25, 26 và 27), chênh lệch tổng số không nhiều nhưng riêng chương 26 (Quặng, xỉ và tro) chênh lệch khoảng gần 400 triệu.

Về nhập khẩu, nhiều nhóm hàng HS có chênh lệch trong đó lớn nhất là các nhóm hàng có liên quan đến cả tiêu dùng và sản xuất, gia công như dệt may, giày dép (bao gồm quần áo, giày dép thành phẩm, vải may mặc, bông, xơ sợi dệt, nguyên phụ liệu dệt may, da giày), máy móc, thiết bị, xe cộ...với chênh lệch khoảng 12,5 tỷ USD chiếm trên 60%. Một số nhóm hàng tiêu dùng chênh khá lớn gồm: rau quả các loại (1,6 tỷ USD), giường tủ bàn ghế, đồ gốm sứ, đồ dùng gia đình bằng kim loại...

“Trung Quốc là bạn hàng lớn với Việt Nam, tuyến biên giới đường bộ kéo dài, nhưng hiện tại chưa có sự rà soát bài bản giữa hai nước. Cho nên cần thiết lập cơ chế để phối hợp giữa cơ quan hải quan của hai nước. Việc thiết lập các nhóm công tác như vậy thì sẽ tìm ra rất nhiều vấn đề phục vụ chính sách, đầu tư, nghiên cứu, đồng thời có các biện pháp hiệu quả trong việc quản lý các luồng hàng hóa có liên quan đến Trung Quốc, kiểm soát buôn lậu, gian lận thương mại và các chính sách có liên quan khác”, bà Thủy nhận định.

Tin bài liên quan