Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn rất tiềm năng và hấp dẫn

Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn rất tiềm năng và hấp dẫn

Giai đoạn 2016 - 2020, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tăng trưởng 12%/năm

(ĐTCK) Từ vị trí thứ 1 năm 2008, thị trường bán lẻ Việt Nam đã rớt hạng dần đều trong 6 năm qua và hiện nay đã chính thức rời khỏi Top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.

Chia sẻ tại Hội thảo “Thị trường bán lẻ Việt Nam, cơ hội và thách thức” do Viện nghiên cứu Thương mại, Bộ Công thương tổ chức sáng 18/5, TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Thương mại cho biết, Việt Nam đã từng được đánh giá là một trong những quốc gia mới nổi có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, song sau một vài năm tụt hạng, thì hiện nay đã bị loại khỏi Top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu. Tuy nhiên, với những lợi thế về quy mô dân số, tốc độ tăng trưởng mạnh, Việt Nam hoàn toàn có thể lấy lại vị thế này nếu có chiến lược mạnh mẽ và phù hợp tận dụng các cơ hội tiềm năng từ hội nhập.

Nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh, nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là người tiêu dùng thuộc hàng trẻ nhất châu Á và ngày càng mạnh tay chi tiêu. Năm 2008, Việt Nam từng được A.T.Kearney, một công ty tư vấn hàng đầu về bán lẻ, đánh giá là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, trên cả Hồng Kồng (Trung Quốc), Trung Quốc đại lục, Singapore hay Malaysia. Tuy nhiên, vào những năm sau đó, Việt Nam dần dần tụt hạng. Từ vị trí thứ 1 (năm 2008), Việt Nam đã rớt xuống thứ 5 (năm 2009), thứ 14 (năm 2010), thứ 23 (năm 2011), thứ 28 (năm 2014) và hiện nay đã rời khỏi Top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.

Theo lý giải của ông Khôi, nguyên nhân của tình trạng suy giảm về cả lượng và chất là do yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế thế giới, khó khăn của kinh tế trong nước với những vấn đề từ môi trường vĩ mô và hoạt động vi mô. Vấn đề tiết kiệm chi tiêu trong điều kiện khủng hoảng, khả năng chi trả thấp do suy giảm thu nhập đã kéo theo cầu tiêu dùng suy giảm.

Bên cạnh đó, nguyên nhân còn là do sức tiêu thụ của thị trường giảm sút, nhiều doanh nghiệp phải chủ động thu hẹp sản xuất và hoạt động cầm chừng. Giá trị tăng thêm của nhiều ngành thấp hơn nhiều so với những năm trước. Tiêu dùng giảm sút khi sản xuất bị thu hẹp, một số người có khả năng mất việc làm hay thu nhập bị giảm sút cộng với dòng kiều hối chảy vào sụt giảm sẽ kéo theo sự sụt giảm trong tiêu dùng của các hộ gia đình.

Ngoài ra, chi phí đầu vào và duy trì hoạt động cho một cơ sở bán lẻ hiện đại cao dẫn tới hiệu quả kinh doanh thấp, việc vay vốn ngân hàng khó khăn, khả năng chiếm lĩnh thị trường hạn chế. Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, như bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ tín dụng, nhưng trên thực tế, mới chỉ có một số lượng nhỏ các doanh nghiệp đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ này.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Thương mại Bộ Công thương, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm, quy mô thị trưởng khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020 từ mức 102 tỷ USD năm 2015, trong đó bán lẻ hiện đại sẽ chiếm trên 45% so với mức 25% của năm 2015. Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.

Đây vẫn là những con số hết sức tiềm năng thể hiện sức hấp dẫn rất lớn của thị trường bán lẻ Việt Nam giai đoạn tới. Đó là chưa kể tới việc tham gia các FTA thế hệ mới, đặc biệt là TPP, là cơ hội để Việt Nam gia nhập vào các chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, nhất là chuỗi cung ứng hàng điện tử, công nghệ cao (do các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu); cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, không quá dựa vào thị trường Trung Quốc và Đông Á.

Đặc biệt, cũng theo TS. Khôi, báo cáo của Nielsen cho thấy, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong năm 2020, từ 12 triệu người năm 2014, lên 33 triệu người năm 2020. Tỷ lệ chi tiêu tăng, cùng với việc người tiêu dùng sẵn sàng chi trả để có chất lượng dịch vụ/sản phẩm cao. Cơ cấu dân số và gia đình, thói quen mua sắm thay đổi cũng đang tạo thuận lợi cho thị trường bán lẻ phát triển.

Mua sắm cho nhu cầu cá nhân tăng lên, chi tiêu mạnh mẽ hơn cho các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng và hàng mỹ phẩm, mối quan tâm ngày càng tăng đối với sức khỏe, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, đặc biệt nhu cầu được kết nối với thế giới, sự nhanh nhạy với các ứng dụng công nghệ mới trên điện thoại di động, máy tính bảng, tham gia mạng xã hội…, những thay đổi trong thói quen tiêu dùng này sẽ mở ra những cơ hội mới đầy tiềm năng cho phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam.

Tin bài liên quan