Sự rối rắm trong quy định về thuế đang gây khó cho DN

Sự rối rắm trong quy định về thuế đang gây khó cho DN

Gay gắt đối thoại chính sách thuế

(ĐTCK) Tại Hội thảo cập nhật và đối thoại về thuế, hải quan 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và EY Việt Nam tổ chức hôm qua (24/11), hơn 300 đại biểu đã ngồi kín hội trường từ sáng đến quá trưa mà các câu hỏi vẫn liên tục được đặt ra cho cơ quan quản lý và cả nhà tổ chức…

“Nếu nhìn vào các văn bản pháp lý liên tục được ban hành thời gian qua, sẽ thấy không phải bỗng dưng Hội thảo lại rất sôi nổi đến như vậy”, kế toán viên của một DN có vốn đầu tư nước ngoài chia sẻ với ĐTCK.

Bà Hương Vũ, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ thuế và tư vấn EY Việt Nam cho biết, trong năm 2015, rất nhiều văn bản pháp lý trong lĩnh vực thuế được ban hành, như Nghị định số 12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế; Thông tư 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính; Thông tư 96/2015… Trước đó, trong năm 2014, liên tiếp 3 thông tư hướng dẫn chính sách thuế được Bộ Tài chính ban hành như Thông tư 78/2014 ngày 18/6/2014, Thông tư 119/2014 ngày 25/8/2014, Thông tư 151/2014 ngày 10/10/2014…

“Sự vênh nhau giữa các bộ, ngành, tại sao lại bắt DN phải chịu? Luật cho biết, tất cả các DN đều bình đẳng trước pháp luật, vậy tại sao vẫn có sự phân biệt giữa DN nhà nước và tư nhân? Tại sao lại có chuyện DN này được ưu đãi, DN kia lại không?”.

Lấy dẫn chứng về sự rối rắm trong quy định về thuế, đại diện một DN phản ánh, với quy định về khấu trừ đầu vào với những khoản chi có tính chất phúc lợi cho người lao động, tại Công văn số 4005/TCT-CS ngày 29/9/2015 của Tổng cục Thuế đã hướng dẫn; “Trường hợp DN có khoản chi phúc lợi mà người lao động được thụ hưởng trực tiếp thì khoản chi đó được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản chi có đầy đủ hóa đơn chứng từ và tổng số chi không quá 1 tháng lương bình quân thực tế trong năm tính thuế theo quy định, đồng thời DN được khấu trừ thuế GTGT đối với những khoản chi phúc lợi tương ứng với khoản tiền được tính vào chi phí được trừ”.

Công văn của Tổng cục Thuế chỉ được ban hành khi trước đó một số địa phương đã đưa ra các hướng dẫn riêng lẻ và mâu thuẫn, một số cho phép doanh nghiệp khấu trừ thuế GTGT đầu vào, một số khác lại không chấp nhận.

“Trong cùng 1 năm, cơ quan thuế từ địa phương đến Tổng cục ban hành công văn hướng dẫn về cùng một vấn đề, nhưng lại vô cùng rối rắm”, một đại diện DN than thở. Ý kiến của vị này đã nhận được sự đồng tình của rất nhiều DN khác.

Câu chuyện trên chưa phải là cá biệt, theo đại diện một số DN, quy định về thuế liên tục thay đổi, lại có nhiều điểm thiếu nhất quán, khiến DN khó khăn trong tuân thủ.  

“Sự vênh nhau giữa các bộ, ngành, tại sao lại bắt DN phải chịu? Luật cho biết, tất cả các DN đều bình đẳng trước pháp luật, vậy tại sao vẫn có sự phân biệt giữa DN nhà nước và tư nhân? Tại sao lại có chuyện DN này được ưu đãi, DN kia lại không?”, DN phản ánh.

Tại Hội thảo, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam đang trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, nên hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về thuế đang trong quá trình hoàn thiện…

Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan được Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách môi trường kinh doanh và đã đạt được những bước tiến nhất định. Theo Báo cáo khảo sát môi trường kinh doanh toàn cầu Doing Business 2016 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam thăng hạng từ vị trí 93 trong năm 2014 lên vị trí 90 trong thang bậc xếp hạn 189 quốc gia được khảo sát trong các thủ tục khiến hoạt động kinh doanh dễ dàng hơn.

Báo cáo cũng cho thấy, Việt Nam đã thăng 4 bậc, từ hạng 172/189 lên 168/189 quốc gia trong quy trình làm thủ tục nộp thuế cho các doanh nghiệp. Thời gian trung bình để DN đi làm thủ tục thuế đã được cắt giảm về 770 giờ/năm, tương đương 32 ngày làm việc. Nhưng việc cải cách về chính sách thuế cũng như thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế vẫn là vấn đề rất bức thiết, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng DN.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015 (6/2015), ông Fred Burke, Nhóm Công tác đầu tư và thương mại nêu quan điểm: “Chúng tôi rất mong Chính phủ coi cải cách thuế là một ưu tiên hàng đầu trong cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy cải cách, tăng trưởng kinh tế và các chương trình cải cách cần bắt đầu bằng việc công bố kế hoạch cải cách…”

Bà Hương Vũ cũng nhận định, chính sách thuế chắc chắn sẽ còn thay đổi nhiều hơn nữa trong thời gian tới khi Việt Nam tham gia TPP.

Tin bài liên quan