Từ việc đăng ký tới thực hiện nộp thuế điện tử là một quãng đường còn dài

Từ việc đăng ký tới thực hiện nộp thuế điện tử là một quãng đường còn dài

Gập ghềnh thanh toán điện tử

(ĐTCK) Tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tại những quốc gia phát triển, thanh toán điện tử chiếm tới 90% hoạt động thanh toán đã giúp GDP tăng khoảng 1%. Trong khi ở Việt Nam, tuy Chính phủ có nhiều biện pháp thúc đẩy thanh toán trực tuyến, nhưng kết quả chưa như mong muốn.

Thanh toán điện tử trong dịch vụ công và DN: Những con số èo uột

Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết, sau thời gian triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử đối với DN, ngành thuế đã ký thỏa thuận với 43 ngân hàng, trong đó 27 ngân hàng trong nước và 3 ngân hàng nước ngoài đã chính thức cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử. 5 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền nhận dữ liệu điện tử trung gian đã phối hợp cung cấp dịch vụ này.

Tổng số DN đã đăng ký nộp thuế điện tử qua cổng của Tổng cục Thuế là hơn 466.000 DN; đạt hơn 90,7% số DN đang hoạt động. Trong đó, đăng ký nộp thuế điện tử thành công tại ngân hàng thương mại là 420.992 DN (đạt 81,91%).

Tổng số tiền đã nộp vào Ngân sách Nhà nước qua cổng thuế điện tử của Tổng cục Thuế từ ngày 1/1/2015 đến nay đạt hơn 104.000 tỷ đồng, với trên 600.000 lượt giao dịch thực hiện (qua cổng của Tổng cục Thuế đạt 97.500 tỷ đồng; qua dịch vụ Ebanking ngân hàng hơn 6.500 tỷ đồng). Nhiều cục thuế có tỷ lệ DN đăng ký nộp thuế điện tử tại ngân hàng đạt 100%.

Gập ghềnh thanh toán điện tử ảnh 1 

Không quá lạc quan vào các con số trên, ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, tại một số đơn vị trên địa bàn Hà Nội và TP. HCM, dù đã bắt đầu triển khai dịch vụ công trực tuyến từ nhiều năm nay và thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền về loại hình dịch vụ này nhưng kết quả vẫn không cao.

Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã thực hiện 5 dịch vụ hành chính công trực tuyến nhưng lượng hồ sơ giao dịch qua kênh này chỉ chiếm 53 trong số 75.435 hồ sơ tiếp nhận năm 2014. Trong khi đó, tại Cục Thuế TP. HCM, hiện nay có đến 98% DN đã đăng ký nộp thuế điện tử nhưng số thuế nộp vào ngân sách qua hình thức này chỉ khoảng 14.000 tỷ đồng, trong số 100.000 tỷ đồng tiền thuế phải thu.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói: “Từ việc đăng ký đến thực hiện nộp là một quãng đường còn dài, bởi số chứng từ nộp thuế và số tiền nộp ngân sách bằng phương thức điện tử còn thấp. Để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ DN nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 90%, chúng ta cần những giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến hệ thống pháp luật chung, cùng sự phối hợp đồng bộ từ cơ quan thuế đến các đơn vị bổ trợ như ngân hàng, trung gian thanh toán và DN”. 

Thanh toán điện tử trong thương mại điện tử: “Bao giờ cho đến tháng 10”?

Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2014 của Bộ Công Thương cho thấy, mua bán trực tuyến đã phát triển rất nhanh thời gian qua với doanh thu B2C (giữa DN với khách hàng) năm 2014 gần 3 tỷ USD, tuy nhiên trong số đó, phần doanh thu đến từ thanh toán trực tuyến lại khá hạn chế, chỉ khoảng 5%.

“Đã có nhiều nhận định lạc quan về tiềm năng rộng mở và tương lai sáng lạn của thương mại điện tử cũng như thanh toán điện tử tại Việt Nam… Nhưng nhìn thẳng vào thực tế, có thể thấy con đường thương mại điện tử ở nước ta còn nhiều gập ghềnh, nhiều rào cản và bất cập, trong đó thanh toán điện tử là một vấn đề nổi cộm và có lẽ là vấn đề cần quan tâm nhất của kinh doanh thương mại điện tử”, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định.

Gập ghềnh thanh toán điện tử ảnh 2 

Tại Diễn đàn, các nguyên nhân chính được mổ xẻ như: thói quen sử dụng tiền mặt vẫn cao; thiếu lòng tin, tâm lý lo ngại rủi ro khi sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử bởi cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động chưa hiệu quả; phí đối với các giao dịch thẻ tại POS còn là trở ngại; chậm áp dụng xu hướng mới trên thế giới trong thanh toán điện tử; hiệu lực của chính sách đối với thực tế triển khai còn thấp do chưa có các chính sách, cơ chế cụ thể, mạnh mẽ nhằm khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ thanh toán điện tử, nhất là khuyến khích các DN, các hộ gia đình và cá nhân kinh doanh bán lẻ trong triển khai thanh toán điện tử, thuyết phục khách hàng/người tiêu dùng…

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có thanh toán điện tử đã được xác lập và đang tiếp tục được hoàn thiện”.

Trao đổi với ĐTCK, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại tại Diễn đàn nói: “Mặc dù các bộ, ban, ngành đã có rất nhiều cố gắng nhưng với việc luật luôn đi sau thị trường, không xuất phát từ thực tế và đáp ứng được nhu cầu thực tế, chúng ta vẫn sẽ còn được nghe câu chuyện như trên dài dài”.    

Tin bài liên quan