Nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn được ban hành trái thẩm quyền hoặc hết hiệu lực nhưng vẫn đang được áp dụng

Nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn được ban hành trái thẩm quyền hoặc hết hiệu lực nhưng vẫn đang được áp dụng

Gần 3.000 điều kiện kinh doanh ban hành trái thẩm quyền

(ĐTCK) Sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành, một số bộ vẫn tiếp tục ban hành, soạn thảo các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh xã hội...

Nửa năm kể từ khi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực, tình trạng nhiều Bộ ngành tiếp tục ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh trái thẩm quyền vẫn tiếp diễn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có tới 2.833 điều kiện kinh doanh được quy định tại các văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền, gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan đăng ký đầu tư.

Đối với công tác ban hành văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành luật, đến nay, toàn bộ các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thuộc trách nhiệm soạn thảo của Bộ (gồm 4 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, 2 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư và 3 Thông tư) đã được ban hành. Cùng với đó, danh mục các điều kiện đầu tư kinh doanh cùng với các biểu mẫu hướng dẫn thực hiện đã được đăng tải trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo đúng lộ trình.

Trong số 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh áp dụng đối với 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, thì có đến 2.833 điều kiện hiện đang được quy định tại các văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để đảm bảo việc triển khai thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi một cách có hiệu quả, Bộ đã chủ động rà soát, đánh giá sự cần thiết, tính hợp lý và hiệu quả của các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Kết quả rà soát cho thấy, nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, tạo chi phí tuân thủ lớn, hạn chế gia nhập thị trường của các DN.

Ví dụ như, yêu cầu số lượng tối thiểu phương tiện, thiết bị, diện tích kho bãi, số lượng người có chứng chỉ hành nghề, yêu cầu chung chung về người điều hành DN phải có đủ kinh nghiệm chuyên môn, yêu cầu địa điểm kinh doanh thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng… vẫn tiếp tục tồn tại và được nhiều cơ quan quản lý áp dụng dưới hình thức điều kiện kinh doanh.

Cũng theo kết quả rà soát bước đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh áp dụng đối với 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, thì có đến 2.833 điều kiện hiện đang được quy định tại các văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền.

Điều đáng lưu ý là sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành, một số bộ vẫn tiếp tục ban hành, soạn thảo các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh (Ví dụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 25/2015 ngày 13/7/2015 quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 197/2015/TT-BTC ngày 3/12/2015 quy định về hành nghề chứng khoán; Bộ Xây dựng đang soạn thảo Thông tư quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản).

Như vậy, trên thực tế, nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn được ban hành trái thẩm quyền hoặc hết hiệu lực nhưng vẫn đang được áp dụng. Điều này đã làm suy giảm hiệu lực thi hành các quy định của Luật Đầu tư về kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là những tồn tại cần được rút kinh nghiệm, đồng thời người dân, DN cũng như các cơ quan nhà nước cần tuân thủ theo đúng luật đã ban hành để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh như mục tiêu kỳ vọng.            

Tin bài liên quan