Theo ITA, các sản phẩm điện tử như máy tính, điện thoại di động... sẽ có thuế suất 0% trong vòng 3 - 5 năm, tối đa là 7 năm

Theo ITA, các sản phẩm điện tử như máy tính, điện thoại di động... sẽ có thuế suất 0% trong vòng 3 - 5 năm, tối đa là 7 năm

FTA mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp điện tử?

(ĐTCK) Cùng với việc ký kết và tham gia ngày càng nhiều vào các hiệp định song phương và khu vực, đặc biệt là các hiệp định thương mại song phương (FTA) thế hệ mới, lĩnh vực công nghiệp điện tử được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn từ các cam kết về cắt giảm thuế quan và đầu tư.

Theo nghiên cứu của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), khi gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết ràng buộc toàn bộ biểu thuế đối với thuế nhập khẩu hiện hành (NRP), gồm khoảng 10.600 dòng thuế. Thuế suất cam kết cuối cùng có mức bình quân giảm 23% so với mức bình quân hiện hành của biểu thuế. Trần thuế nhập khẩu đối với tất cả các sản phẩm điện tử giảm về 0% trong vòng 3 - 5 năm.

Cụ thể, theo Hiệp định Công nghệ thông tin (ITA), Việt Nam cam kết xóa bỏ 330 dòng thuế đối với sản phẩm công nghệ thông tin (IT) trong vòng từ 3 - 5 năm. Theo đó, các sản phẩm điện tử như máy tính, điện thoại di động, máy quay cầm tay, máy ảnh số… sẽ có thuế suất 0% trong vòng 3 - 5 năm, tối đa là 7 năm.

Đối với nhiều sản phẩm IT, lộ trình cắt giảm thuế của Việt Nam theo cam kết WTO còn diễn ra sớm hơn so với các FTA khác, mặc dù có cùng trần thuế cam kết cuối cùng.

Theo CIEM, các sản phẩm điện tử của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hàng nhập khẩu của các nước láng giềng ASEAN và Trung Quốc khi thuế suất giảm theo lộ trình này. Các cam kết theo các FTA khu vực cũng có ảnh hưởng lớn đến ngành điện tử của Việt Nam vì phần lớn các dòng thuế sẽ được giảm về 0%.

Liên quan đến các cam kết về đầu tư trong khuôn khổ WTO, ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô của CIEM cho biết, các quy định của Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs) yêu cầu Việt Nam thực hiện những thay đổi đáng kể nhằm tăng cường thu hút FDI, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng cởi mở và minh bạch.

Theo các cam kết này, nhà đầu tư nước ngoài được trao nhiều quyền và cơ hội trong việc nắm giữ cổ phần trong các DN nội địa. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài được phép góp vốn dưới hình thức mua cổ phần của DN Việt Nam và phải tuân theo một số hạn chế nhất định.

Đặc biệt, theo nhóm chuyên gia CIEM và Action Aid, các quy định về đầu tư trong Hiệp định TPP đang đàm phán dự kiến sẽ có những nội dung mới theo hướng bổ sung cho các nhà đầu tư nước ngoài "những quyền và đặc quyền cơ bản mà các DN trong nước không được hưởng theo quy định của luật pháp trong nước".

Trong đó, đáng chú ý là các DN nước ngoài có quyền trực tiếp "kiện" các chính phủ tham gia hiệp định ở cấp nhà nước hoặc cấp địa phương thông qua cơ chế giải quyết tranh cấp giữa nhà đầu tư và chính phủ (ISDS) dựa trên khiếu nại rằng, các chính sách trong nước (áp dụng bình đẳng đối với các DN trong và ngoài nước) có thể gây tổn hại đến những lợi ích của họ trong hiện tại và tương lai.

Bên cạnh đó, định nghĩa "nhà đầu tư" rộng hơn sẽ cho phép các DN đến từ các nước không phải thành viên TPP và các DN không có hoạt động đầu tư thực tế tận dụng các đặc quyền mà TPP trao cho các nhà đầu tư nước ngoài…

Trong bối cảnh các cam kết ngày càng chặt chẽ, ông Dương cảnh báo sẽ có một số vấn đề đặt ra đối với không gian chính sách cho phát triển ngành điện tử cũng như hỗ trợ DN phát triển. Trong đó, đáng quan ngại là không gian chính sách thuế quan đã thu hẹp đáng kể theo các cam kết cắt giảm trong các FTA; không gian chính sách phi thuế quan cũng bị thu hẹp hơn vì những giải pháp như hạn ngạch nhập khẩu, cấm nhập/xuất khẩu tạm thời… đều không thể áp dụng đối với các sản phẩm điện tử.

Việc áp dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật để ngăn chặn các sản phẩm điện tử thâm nhập thị trường trong nước gần như không khả thi do Hiệp định ASEAN MRA đối với các thiết bị điện, điện tử.

Chẳng hạn, Việt Nam phải công nhận các báo cáo kiểm định và chứng nhận chất lượng được cấp bởi các cơ quan kiểm định và cơ quan cấp chứng nhận của các nước thành viên ASEAN khác; hỗ trợ tín dụng cho sản xuất của các DN cũng bị hạn chế ở mức độ nhất định; trợ cấp xuất khẩu hoặc trợ cấp cho sản xuất các sản phẩm công nghiệp, bao gồm hàng điện tử, bị nghiêm cấm.

“Tuy nhiên, vẫn còn không gian cho các giải pháp khác như hỗ trợ lãi suất hoặc hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ cho DNNVV; áp dụng thuế thu nhập ưu đãi cho các dự án công nghệ cao… Do đó, chúng ta cần tận dụng tối đa những điểm ngách này để hỗ trợ cho các DN, nhằm tăng năng lực sản xuất, chuẩn bị cho sự cạnh tranh khi các FTA được thực thi”, ông Dương khuyến nghị.          

Tin bài liên quan