Nhập siêu liên tục gia tăng từ Trung Quốc là một trong những yếu điểm của cơ cấu thương mại Việt Nam

Nhập siêu liên tục gia tăng từ Trung Quốc là một trong những yếu điểm của cơ cấu thương mại Việt Nam

Fed không đáng lo, lo sự bất thường từ thị trường Trung Quốc

(ĐTCK) Nền kinh tế Mỹ xuất hiện những tín hiệu hồi phục tích cực và theo nhiều ý kiến, đã đến lúc Fed thay đổi chính sách điều hành lãi suất.

Nhiều dự báo được đưa ra, việc Fed nâng lãi suất sẽ kéo theo sự dịch chuyển của dòng vốn nóng từ các thị trường mới nổi, trong đó có TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, động thái nâng lãi suất của Fed (nếu sớm diễn ra) không phải là yếu tố đáng ngại nhất với TTCK trong nước.

Quyết định của Fed chỉ tác động tâm lý ngắn hạn

Khả năng hồi phục vững chắc của nền kinh tế Mỹ đã vấp phải những lo ngại đến từ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong những tháng gần đây, đặc biệt là sau những số liệu kinh tế tiêu cực đến từ Trung Quốc. Do đó, quyết định của Fed vẫn là một ẩn số đối với nhiều nhà quan sát. Việc không dự báo được hướng đi của nhà điều hành chính sách khiến cho thị trường tài chính toàn cầu mất đi sự cân bằng về tâm lý trong thời gian qua. Chính vì vậy, quyết định nâng lãi suất của Fed trong cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) tuần này (16 -17/9) mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp cho NĐT có thêm cơ sở để dự báo hướng đi của nền kinh tế và xác lập kỳ vọng cho các khoản đầu tư của mình.

Fed không đáng lo, lo sự bất thường  từ thị trường Trung Quốc ảnh 1

Thời gian qua, Fed chẳng khác nào người đi trên dây, phải lần từng bước cho đến khi triển vọng kinh tế hoàn toàn sáng rõ, vì vậy, nhiều khả năng cách hành xử thận trọng tiếp tục được lặp lại trong cuộc họp của FOMC giữa tuần này. Theo quan điểm của RongViet Research, cách hành xử thận trọng của Fed sẽ đưa đến triển vọng không nhiều thay đổi trong vận hành nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, quyết định của Fed cũng sẽ có một số tác động về mặt tâm lý trên thị trường tiền tệ và tài chính thế giới, trong đó có TTCK Việt Nam trong ngắn hạn. Tác động này thường mang màu sắc tiêu cực nhiều hơn, song hành với kỳ xem xét danh mục đang diễn ra của hai quỹ ETF ngoại. Tuần này dự báo là một tuần giao dịch không yên ả của TTCK Việt Nam.

Diễn biến Trung Quốc: mối quan tâm lớn

Đối với xu hướng dài hạn của TTCK, điều mà chúng tôi quan tâm chính là triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc. Sự suy giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, lây lan qua các con đường thương mại, chính sách, cơ hội hội nhập.

Về thương mại, Trung Quốc là đối tác xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (chiếm 10,4% tổng kim ngạch xuất khẩu). Ngược lại, 1/3 lượng hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc. Nhập siêu liên tục gia tăng từ Trung Quốc có thể nói là một trong những yếu điểm của cơ cấu thương mại Việt Nam. Đánh giá là yếu điểm bởi vì sự phụ thuộc lớn về nguồn nguyên liệu thô cho hoạt động sản xuất, ngược lại, xuất khẩu sang Trung Quốc không phải là các loại hàng hóa mà Việt Nam có thế mạnh. Khi nhu cầu trong nước suy giảm, các nhà sản xuất tại Trung Quốc sẽ tìm cách xuất khẩu nhiều hơn ra bên ngoài.

Chính vì vậy mà chúng tôi đánh giá nguy cơ gia tăng thâm hụt thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc là hiển hiện. Để nhập siêu không ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô, hiện tại, Việt Nam có hai giải pháp đến từ: nội tại - chính sách (trong đó nhấn mạnh là chính sách tỷ giá) và bên ngoài - triển vọng xuất khẩu sang các nền kinh tế phát triển.

Fed không đáng lo, lo sự bất thường  từ thị trường Trung Quốc ảnh 3
Sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thay đổi cơ chế tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) vào ngày 11/8/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thực hiện điều chỉnh nới biên độ tỷ giá lên +/- 2% vào ngày 12/8/2015. Tiếp theo đó là điều chỉnh biên độ giao dịch lên +/-3% và nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% (19/8/2015).
Theo dõi biến động tỷ giá USD/VND sau đó, có thể thấy động thái trên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giúp triệt tiêu phần lớn ảnh hưởng của việc mất giá đồng NDT lên cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, chính sách tỷ giá của Việt Nam và Trung Quốc đang được điều hành theo hai cách khác nhau. Năm nay, VND đã mất giá hơn 5%, trong kịch bản đồng NDT mất giá dưới 5% trong cả năm 2015, kỳ vọng sẽ không có thêm sự điều chỉnh nào nữa về tỷ giá từ nay đến cuối năm. Sang năm sau, rủi ro tiền đồng tiếp tục mất giá chắc chắn là có, tuy nhiên, dựa trên dự trữ ngoại hối mỏng và định hướng điều hành của chính sách tiền tệ, chúng tôi không nghĩ rằng các nhà điều hành chính sách sẵn sàng cho biện pháp thả nổi tiền đồng.

Một kịch bản nới biên độ dao động của VND lên +/-5%, đồng thời cân nhắc điều chỉnh tỷ giá USD/VND giao dịch bình quân tùy thời điểm và khả năng điều tiết của Ngân hàng Nhà nước là có thể xảy ra. 

Fed không đáng lo, lo sự bất thường  từ thị trường Trung Quốc ảnh 4 
Một câu hỏi nữa được đặt ra là sự suy yếu về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng như thế nào đến cơ hội hội nhập của Việt Nam? Những tranh luận gần đây xoay quanh diễn biến mất giá của đồng NDT và nhiều đồng tiền khác đưa đến rủi ro các nhà lập pháp Mỹ sẽ đưa vấn đề kiểm soát thao túng tiền tệ lên bàn đàm phán các hiệp định tự do.
Theo quan điểm của RongViet Research, việc đưa yếu tố kiểm soát “thao túng tiền tệ” vào một hiệp định thương mại tự do không khác gì một liều thuốc độc, có thể khiến cho mục đích sau cùng của tự do hóa thương mại bị phá vỡ. Xác suất đưa vấn đề này vào tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là thấp nếu xét từ ý nghĩa chính trị mà TPP mang lại đối với chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ và quy định trong dự luật TPA đã được thông qua vào tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, khó khăn trong việc gút lại những vấn đề cuối cùng trên bàn đàm phán giữa các nước lớn khiến cho cơ hội hoàn tất TPP có thể sẽ không tới trong năm 2015.

Có thể nói, cơ hội hội nhập mà Việt Nam đang chờ đợi nhiều nhất là triển vọng ký kết hiệp định TPP, nếu TPP chưa được ký kết, các thành phần kinh tế sẽ có thêm thời gian chuẩn bị để đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện trong TPP. Tuy nhiên, đối với các NĐT trên TTCK thì triển vọng không tích cực của việc hoàn tất ký kết TPP sẽ là một nỗi thất vọng. Trong bức tranh trên, chúng tôi cho rằng, NĐT cần đặt kỳ vọng đối với triển vọng dài hạn vào năng lực nội tại, bao gồm khả năng mở rộng hoạt động sản xuất, đầu tư của khu vực tư nhân và sự thay đổi đến từ quá trình tái cấu trúc nền kinh tế…

Chúng tôi cũng cho rằng, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng hơn vào sân chơi thế giới và các cơ chế quản lý trở nên linh hoạt hơn, doanh nghiệp nội địa buộc phải tự trang bị các công cụ quản trị rủi ro, nâng cao sức đề kháng và khả năng thích nghi với những biến động khó lường. Việc lựa chọn doanh nghiệp cho quyết định đầu tư dài hạn, do đó, càng phải xem xét khả năng quản trị rủi ro.

Tin bài liên quan