TPP và EVFTA sẽ giúp mở ra giai đoạn vàng trong hội nhập của Việt Nam

TPP và EVFTA sẽ giúp mở ra giai đoạn vàng trong hội nhập của Việt Nam

Đổi mới “Tai mắt” của doanh nghiệp

(ĐTCK) Trong bối cảnh mới, các cơ quan thương vụ nói chung và tham tán thương mại nói riêng cần nâng cao hiệu quả việc mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, cung cấp thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu của nước sở tại và Việt Nam; hỗ trợ DN trong tìm kiếm thị trường và ký kết hợp đồng. 

Kỳ vọng này đã được đại diện cộng đồng DN nhấn mạnh tại Hội nghị Tham tán Thương mại 2016 do Bộ Công thương vừa tổ chức.

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập thực sự sâu rộng, với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã được ký kết và bắt đầu đưa vào thực thi từ năm nay, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đặc biệt quan tâm tới việc hỗ trợ các DN đón bắt thời cơ từ những “cơ hội vàng” này.

Theo ông Lộc, việc chủ động vượt lên dẫn trước khi ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ giúp mở ra một giai đoạn vàng trong hội nhập của Việt Nam.

Giai đoạn này với TPP được dự báo kéo dài ít nhất 5 - 7 năm trước khi các thành viên sáng lập của TPP có thể xem xét kết nạp thêm các thành viên mới. Trong giai đoạn này, Việt Nam có lợi thế hơn nhiều nền kinh tế khác trong khu vực khi tiếp cận các thị trường có tiềm năng lớn hàng đầu thế giới.

“Các FTA chính là quá trình sắp xếp lại, dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của những tập đoàn lớn từ các nền kinh tế ngoại khối vào nền kinh tế nội khối của các FTA, trong đó xu hướng dịch chuyển đầu tư một số ngành công nghiệp từ Trung quốc vào Việt Nam thời gian gần đây là ví dụ. Trước xu hướng này, các cơ quan thương vụ, đặc biệt là cơ quan thương vụ ở các nước thuộc TPP, EVFTA cần theo sát động thái quan trọng này để tư vấn cho Chính phủ và hỗ trợ cộng đồng DN đón bắt các cơ hội gia nhập chuỗi, thu hút đầu tư và thiết lập quan hệ bạn hàng”, ông Lộc đề xuất.

 Trong những đề nghị hỗ trợ từ cơ quan thương vụ năm nay, cộng đồng DN đã đưa ra “đặt hàng” khá cụ thể, đặt trọng tâm vào việc tìm kiếm đối tác, thúc đẩy quan hệ xuất nhập khẩu, đầu tư của các DN vừa và nhỏ tại nhiều quốc gia với các DN Việt Nam, bởi đây sẽ là đối tác chính của Việt Nam trong làn sóng xuất nhập khẩu và đầu tư những năm sắp tới. Việc thu hút đầu tư mạnh từ đối tượng này sẽ góp phần phát triển công nghiệp hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua tiếp cận chuỗi giá trị của các tập đoàn xuyên quốc gia.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đặc biệt đề nghị các thám tán hỗ trợ DN trong nước kịp thời nắm bắt và đối phó với các rào cản kỹ thuật trong bối cảnh các cam kết hội nhập được đưa vào thực thi. Theo ông Nam, các DN trong ngành thủy sản hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong xuất khẩu sang thị trường các nước bởi xu hướng hàng rào kỹ thuật với nhiều quy định rất ngặt nghèo ngày càng được nhiều nước dựng lên.

“Đơn cử, Nhật Bản là thị trường tiềm năng khi mỗi năm nhập khẩu từ 1,3 - 1,5 tỷ USD mặt hàng thủy sản, nhưng các quy chuẩn kiểm tra kháng sinh tại thị trường này nghiêm ngặt gấp 10 lần so với tiêu chuẩn tương tự do châu Âu áp dụng. Những quy chuẩn này áp dụng cho Việt Nam và Ấn Độ nhưng đối với hàng xuất khẩu từ Thái Lan lại không kiểm soát”, ông Nam cho biết.

Do đó, VASEP cùng các cơ quan hữu quan của Việt Nam đang tích cực “đấu tranh” để được xem xét một cách công bằng, hợp lý. Nhật Bản khẳng định cần có thời gian để đánh giá rủi ro và sớm nhất trong năm nay mới có kết quả. Ông Nam đề nghị cơ quan thương vụ Nhật Bản đặc biệt quan tâm hỗ trợ việc này.

Về phần mình, các tham tán thương mại khẳng định việc tăng cường chia sẻ thông tin giữa kênh thương vụ thị trường nước ngoài với các cơ quan bộ, ngành trong nước và với DN là cần thiết. Để tận dụng được các cơ hội từ hội nhập, ông Nguyễn Quốc Hải, đại diện cơ quan thương vụ tại Ả Rập Xê út đề xuất cần đẩy nhanh cải cách thủ tục hỗ trợ hành chính ở các tỉnh, có trang web công bố thông tin, đồng thời tăng cường phối hợp với các địa bàn có tham tán thương mại để đẩy nhanh quá trình hỗ trợ cho NĐT nước ngoài khi có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Ông Hải cũng nhấn mạnh nhu cầu được cung cấp thông tin kịp thời về thị trường trong nước, các chính sách về thương mại, thu hút đầu tư… để các cơ quan thương vụ có thể nắm bắt nhằm kết nối thông tin tại thị trường sở tại, nhanh chóng chuyển cơ hội thành hiện thực.     

Tin bài liên quan