Chi phí cho hãng tàu và cước phí vận chuyển nội địa chiếm phần lớn tổng chi phí để xuất nhập khẩu một lô hàng

Chi phí cho hãng tàu và cước phí vận chuyển nội địa chiếm phần lớn tổng chi phí để xuất nhập khẩu một lô hàng

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn “méo mặt” vì gánh nặng phí

(ĐTCK) Bên cạnh nhiều vấn đề còn tồn tại trong thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, có một thực trạng khá nhức nhối về các khoản chi phí mà DN phải trả cho các lô hàng xuất nhập khẩu. 

Đây là kết quả khảo sát đánh giá tình hình thực hiện thủ tục hành chính đối với hoạt động xuất nhập khẩu trong khuôn khổ Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Theo kết quả thu nhận được từ thông tin phản hồi của 18/27 DN có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên mà dự án tiến hành khảo sát, chi phí để DN nhận được một lô hàng nhập khẩu gồm nhiều khoản, trong đó, tổng chi phí chính thức, có chứng từ (chưa bao gồm phí xin giấy phép, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, giám định…) để nhận được 1 container 20’ (con’t, khoảng 20 tấn) phổ biến từ 9 - 12 triệu đồng. Cá biệt, có 2 DN cho biết chi phí này lên tới 16 - 19 triệu đồng.

Về chi phí cho hãng tàu và cước vận chuyển, theo phản hồi của phần lớn DN được khảo sát, chi phí cho hãng tàu vào khoảng 5 - 6 triệu đồng; cước phí vận chuyển nội địa (từ các cảng TP. HCM về DN ở TP. HCM, Bình Dương và Đồng Nai và từ cảng Hải Phòng về DN ở Hà Nội) phổ biến từ 3 - 4 triệu đồng/con’t 20’.

Đối với chi phí để hoàn thành thủ tục một lô hàng xuất khẩu, theo phản hồi của 11/27 DN thì có tới 7/11 (63,7%) DN cho biết, tổng chi phí cho 1 container loại thông thường 20 tấn là 8 - 10 triệu đồng; 4/11 DN (36,3%) cho biết tổng chi phí này vào khoảng 5 - 6 triệu đồng (chủ yếu là các DN giao hàng tại cảng thông quan hoặc cơ sở của DN ở gần cảng nên chi phí cho vận chuyển nội địa ít). Trong số 11 DN trên, có 8 DN cung cấp thông tin về chi phí cho hãng tàu, trong đó 7/8 (87,5%) DN cho biết tổng chi phí cho hãng tàu từ 3,5 - 6 triệu đồng; 1/8 (12,5%) DN cho biết tổng chi phí cho hãng tàu dưới 3 triệu đồng.

Về chi phí vận chuyển nội địa, trong tổng số 10 DN được hỏi, có tới 9/10 (90%) DN cho biết cước phí vận chuyển từ TP. HCM và Bình Dương, Đồng Nai tới các cảng TP. HCM và từ DN ở Hà Nội tới cảng Hải Phòng là từ 3 - 4 triệu đồng/con’t 20’; 1/10 (10%) DN cho biết cước phí vận chuyển từ cơ sở của DN ở Hải Dương tới cảng Hải Phòng là 2,4 triệu đồng.

Các số liệu này cho thấy, hầu hết các chi phí để nhận hay xuất một lô hàng là chi phí cho hãng tàu và cước phí vận chuyển nội địa. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là, mặc dù các DN cho biết chi phí chính thức cho việc làm thủ tục xin giấy phép, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước chiếm tỷ lệ nhỏ, song DN cho biết, các khoản chi không chính thức khi làm các thủ tục này lại “không nhỏ”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả khảo sát cho thấy, chi phí cho hãng tàu hiện đang là khoản chi phí nặng nhất đối với DN xuất nhập khẩu hàng hoá. Trong gần 10 loại phụ phí mà DN xuất nhập khẩu phải trả hiện nay, có những khoản phí đa số DN cho là bất hợp lý và chưa minh bạch, như phí xếp dỡ THC (96 USD/con’t 20’ thường, 140 USD/con’t 20’ lạnh); phí mất cân bằng vỏ con’t CIC (55 USD/con’t); phí vệ sinh (8 USD/con’t 20’ thường, 15 USD/con’t 20’ lạnh); phí sửa chữa con’t…

Ngoài các khoản phí trên, chủ hàng là các DN nhập khẩu còn phải đóng thêm các khoản phí như phí thủ tục, phí hóa đơn... Đặc biệt, có những khoản phí lẽ ra đơn vị kinh doanh cảng thu như phí xếp dỡ (THC), nhưng các hãng tàu vẫn thu với mức cao và chỉ trả lại cho đơn vị kinh doanh cảng từ 30 - 40% số phí đã thu. Bên cạnh đó, nhiều DN còn phản ánh, năm 2014 còn phát sinh loại “phí tắc nghẽn cảng” do các hãng tàu tự đặt ra khi có hiện tượng tắc nghẽn hàng hoá nhất thời tại khu vực Cảng Cát Lái.

Các chuyên gia nhóm khảo sát cho rằng, trong giai đoạn kinh doanh khó khăn hiện nay, việc các hãng tàu thu nhiều loại phụ phí lên hàng hóa xuất nhập khẩu đang trở thành gánh nặng chi chí cho DN, làm giảm đáng kể hiệu quả kinh doanh của DN cũng như giảm tính cạnh tranh của DN Việt Nam ở cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài. Mặc dù vậy, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa có hành động rõ rệt nào để kiểm soát, chấn chỉnh. Trước tình trạng này, nhóm chuyên gia khảo sát kiến nghị, các cơ quan hữu quan, trong đó có Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chức năng chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực này, cần sớm có biện pháp kiểm soát việc quy định mức phụ phí của các hãng tàu, ngăn ngừa việc định phí một cách tuỳ tiện, không kiểm soát được như hiện nay, để tránh gây khó khăn cho DN.

Tin bài liên quan