Doanh nghiệp Việt Nam còn thờ ơ về lợi ích của mình

Doanh nghiệp Việt Nam còn thờ ơ về lợi ích của mình

(ĐTCK) Nếu ở các nước khác, việc đàm phán FTA còn phải chịu sức ép từ cộng đồng doanh nghiệp, nhằm mang lại lợi ích tối đa cho họ, thì tại Việt Nam, doanh nghiệp còn thờ ơ và không có sự tương tác nhiều với quá trình đàm phán, dẫn đến thụ động trong chuẩn bị cho hội nhập.

FTA ngày càng phổ biến

Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement - FTA) là thỏa thuận mà các bên sẽ dành cho nhau ưu đãi về mở cửa thị trường, chủ yếu là hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Khi mặt bằng sân chơi mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đặt ra chưa thể thỏa mãn tối đa lợi ích của các bên tham gia, các quốc gia và khu vực trên thế giới đã tìm đến FTA như là phương tiện hiệu quả trong mở cửa thị trường.

Một FTA tiêu biểu gồm nhiều cấu phần (thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại, hàng rào kỹ thuật, đầu tư, dịch vụ, môi trường, sở hữu trí tuệ, di chuyển thể nhân, cơ chế giải quyết tranh chấp…), nhưng quan trọng nhất vẫn là thương mại hàng hóa, vì kết quả là lợi ích cắt giảm thuế quan nhìn thấy ngay cho doanh nghiệp các nước thành viên.

Kết quả đàm phán thương mại hàng hóa cũng góp phần mạnh mẽ vào việc sắp xếp lại bản đồ thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu, hướng nguồn vốn này vào những quốc gia có FTA, với mức thuế quan có lợi nhất. Chẳng hạn, thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng cho ngành dệt may đối với các nước không phải thành viên WTO là 150%, còn các nước thành viên là từ 12 - 25% và tại các nước có FTA chỉ còn 0-5%.

Việt Nam và các FTA

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng hội nhập chung với việc tham gia vào 15 FTA, bao gồm cả Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP (vừa hoàn tất đàm phán ngày 5/10 vừa qua). Trong đó, có 10 FTA đã ký (8 FTA đã có hiệu lực gồm ATIGA, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Ấn Độ, ASEAN-Úc-Niu Di-lân, ASEAN-Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi Lê và 2 FTA chuẩn bị có hiệu lực là Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu) và 5 FTA đang trong quá trình đàm phán hoặc đã hoàn tất đàm phán là Việt Nam - EU, ASEAN - Hồng Kong, Việt Nam - Khối EFTA (gồm các nước Thụy Sĩ, Na Uy, Aixơlen, Lichteinsten), TPP và RCEP (ASEAN và Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Niu Di lân).

Doanh nghiệp Việt Nam còn thờ ơ về lợi ích của mình ảnh 2 Ảnh minh họa: Internet

Đối với 8 FTA đã có hiệu lực, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tận dụng được ưu đãi thuế từ FTA vẫn còn khá khiêm tốn, dao động từ 25 - 35%, trong đó chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu với Hàn Quốc là trường hợp đặc biệt, với tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan của FTA ASEAN - Hàn Quốc lên tới gần 90%. Điều này là do tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ để đạt ưu đãi thuế quan của FTA này không quá khắt khe. Ngoài ra, tại Việt Nam có nhiều doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc và họ được đào tạo tốt về FTA để tận dụng tối đa ưu đãi từ hiệp định.

Cũng trong quan hệ với các nước thành viên của 8 FTA đã có hiệu lực này, Việt Nam đang ở vị thế xuất siêu đối với Úc, Niu Di lân, Nhật Bản, trong khi ở vị thế nhập siêu đối với ASEAN, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Chi Lê, trong đó nhập siêu mạnh nhất là từ Trung Quốc.

TPP sẽ chính thức được ký kết vào ngày 4/2/2016

Nhật báo La Tercera và Thời báo Tài chính Chile vừa cho biết, các nhà lãnh đạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham gia TPP tổ chức cuộc gặp ngày 18/11, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế APEC lần thứ XXIII đang diễn ra tại Manila, để trao đổi và thống nhất về thời gian tổ chức lễ ký chính thức TPP và xác định lộ trình hiệu lực của hiệp định.

Các nguyên thủ của 12 nước thành viên TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Hoa Kỳ, Malaysia, Mexico, Nhật Bản, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam nhóm họp tại khách sạn Sofitel, thủ đô Manila.

Nhóm họp đã nhất trí sẽ tổ chức lễ ký kết chính thức Hiệp định TPP vào ngày 4/2/2016 tại New Zealand; đồng thời cũng đưa ra lộ trình để hiệp định đi vào hiệu lực là 2 năm sau ngày ký kết. Ngoài ra, các vị nguyên thủ cũng cam kết sẽ tập trung mọi nỗ lực cần thiết để quốc hội các nước thành viên sớm phê chuẩn hiệp định.

Cũng giống như các quốc gia khác, FTA không chỉ mang lại cho Việt Nam lợi ích thuần túy về thương mại, mà chính những yêu cầu và cam kết hội nhập này sẽ thúc đẩy Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, qua đó giúp tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào những thị trường truyền thống về nguyên liệu. Trên thực tế, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu tăng về chất (tăng tỷ trọng hàng hóa qua chế biến) và giá cả hàng hóa cạnh tranh hơn.

Một hiệp định thu hút sự chú ý rất lớn của cả Việt Nam và thế giới thời gian qua chính là TPP. Hiệp định này vừa kết thúc đàm phán vào ngày 5/10 vừa qua và dự định sẽ được 12 nước thành viên ký vào tháng 2/2016.

Ngoại trừ Việt Nam, các nước thành viên còn lại của TPP đều được coi là nước phát triển, do đó, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Việt Nam. Việt Nam có thể tự hào là nhà xuất khẩu hàng đầu trong TPP về dệt may, da giày, thủy sản, cà phê, gỗ…, nhưng cũng sẽ đứng trước nguy cơ mất thị trường, mất lợi nhuận và thậm chí phải đóng cửa đối với những sản phẩm có sức cạnh tranh yếu, tiêu thụ phần lớn ở trong nước và xưa nay vẫn được “bao bọc” như sản xuất ô tô, chăn nuôi, thực phẩm chế biến, rượu, hóa phẩm tiêu dùng…

Có thể nói, TPP là điển hình của một FTA với tiêu chuẩn cao, cam kết sâu và toàn diện, bao gồm các cam kết cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm Chính phủ, tiêu chuẩn lao động, môi trường… và hướng đến một biểu cam kết chung cho 100% các mặt hàng và không có bảo lưu loại trừ, lộ trình thực hiện nhanh và tiếp cận thị trường thực chất. Do đó, vượt lên trên cả lợi ích thương mại, TPP sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam cải cách thể chế kinh tế.

Doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập?

Để tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), bởi doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Thứ nhất, hiện nay tỷ lệ doanh nghiệp có nhận thức về hội nhập và có kiến thức về FTA chưa nhiều. Nếu ở các nước khác, việc đàm phán FTA còn phải chịu sức ép từ cộng đồng doanh nghiệp, nhằm mang lại lợi ích tối đa cho họ, thì tại Việt Nam, doanh nghiệp còn thờ ơ và không có sự tương tác nhiều với quá trình đàm phán, dẫn đến thụ động trong chuẩn bị cho hội nhập. Điển hình là nhiều doanh nghiệp còn không biết đến những ưu đãi của các FTAs, dẫn đến việc xuất nhập khẩu với các nước thành viên mà không sử dụng Chứng nhận xuất xứ ưu đãi và do đó phải chịu mức thuế cao.

Thứ hai, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, nhập khẩu vẫn phụ thuộc vào một hoặc một vài thị trường. Đây chính là cản trở của việc tận dụng ưu đãi từ các FTA, vì không thể đáp ứng điều kiện về tỷ lệ hàm lượng giá trị khu vực của hàng hóa - vốn là một trong những điều kiện tiên quyết để hưởng ưu đãi thuế quan.

Thứ ba, công tác nghiên cứu điều tra thị trường các nước thành viên FTA của doanh nghiệp còn yếu, chưa chuyên nghiệp, công tác tận dụng các kênh thông tin hỗ trợ còn rất yếu (kênh từ VCCI, Bộ Công thương, các hiệp hội doanh nghiệp nước bạn, phòng thương mại công nghiệp nước bạn…), dẫn đến hạn chế trong lựa chọn đối tác thương mại, hiểu biết về tập quán kinh doanh, các quy trình nhập khẩu thực phẩm của nước bạn…, từ đó nảy sinh tâm lý dè dặt khi giao thương với đối tác của chính các nước mà Việt Nam đã ký kết FTA, gây thiệt thòi cho doanh nghiệp Việt.

Để cải thiện những điểm yếu trên cho doanh nghiệp cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó bên cạnh việc tổ chức các chương trình hội thảo, hội nghị để phổ biến kiến thức về hội nhập cho doanh nghiệp, thì công tác tuyên truyền nâng, cao nhận thức cho doanh nghiệp về những lợi ích thiết thân, cũng như những thách thức không hề nhỏ của cuộc cạnh tranh khốc liệt khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu là việc cấp bách mà các bộ ngành cần có sự nghiên cứu, hành động sớm.

Bên cạnh đó, cần xem xét nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp và bản thân doanh nghiệp cũng cần coi trọng khâu tư vấn (từ các luật sư, chuyên gia) về hội nhập, quy tắc xuất xứ hàng hóa..., để đảm bảo hàng hóa của mình tận dụng được tối đa các ưu đãi từ các FTA và tránh được các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước.    

Tin bài liên quan