Vài năm gần đây, thị trường Myanmar trở thành “mảnh đất vàng” cho các cơ hội đầu tư và xuất khẩu hàng hóa.

Vài năm gần đây, thị trường Myanmar trở thành “mảnh đất vàng” cho các cơ hội đầu tư và xuất khẩu hàng hóa.

Doanh nghiệp Việt làm gì để thành công tại thị trường Myanmar

Vài năm gần đây, thị trường Myanmar trở thành “mảnh đất vàng” cho các cơ hội đầu tư và xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu về hành vi mua sắm của người tiêu dùng cũng như cách thức đầu tư vào Myanmar.

“Người dân Myanmar ưu tiên mua sắm những mặt hàng sử dụng trong cuộc sống gia đình. Họ thường chú ý đến giá cả trước, ít chủ động tiếp cận sản phẩm nếu không được giới thiệu, mời chào. Khi có người chọn mua sản phẩm ưng ý thì mức độ lan truyền thông tin sản phẩm rất nhanh”, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) thông tin với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Cũng theo ông Hòa, hiện nay, người dân Myanmar khá có cảm tình với hàng Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý ghi rõ thông tin sản phẩm và giá bán bằng tiếng Myanmar hoặc tiếng Anh để người mua dễ nhận biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đinh Hồng Kỳ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Secoin cho biết, là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, các sản phẩm của Secoin hiện đã xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn và khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu… Mấy năm trở lại đây, Công ty tiếp cận thị trường Myanmar.

Tuy nhiên, với thị trường được đánh giá là nhiều tiềm năng này, thời gian qua, các sản phẩm của Secoin mới “theo chân” các nhà thầu xây dựng hoặc thông qua đối tác bán hàng là doanh nghiệp của Myanmar, doanh thu từ thị trường này chiếm tỷ trọng khá nhỏ. Do đó, Secoin muốn đầu tư dự án tại Myanmar để tận dụng cơ hội.

“Chúng tôi dự kiến đầu tư một dự án sản xuất vật liệu xây dựng tại Myanmar. Phân khúc sản phẩm mà nhà máy hướng tới có công nghệ sản xuất đã phổ biến tại Việt Nam và có giá bán ở mức bình dân”, ông Kỳ nói và thông tin thêm, nhiều khả năng sẽ là nhà máy sản xuất gạch không nung. Tuy nhiên, vấn đề mà đại diện Secoin băn khoăn là chưa hiểu rõ về các cơ chế ưu đãi đầu tư cho các dự án sản xuất và nhất là các thông tin về thị trường, vấn đề nguồn nhân lực… tại Myanmar.

Trong khi đó, ông Đặng Ngọc Quý, Giám đốc bán hàng của Công ty TNHH kỹ thuật - công nghệ Nam Sơn thì cho rằng, với thị trường Myanmar, doanh nghiệp sẽ chọn làm thương mại thay vì đầu tư dự án.

Theo đại diện của Nam Sơn, không chỉ là nhà phân phối hàng đầu tại Việt Nam các loại máy khắc laser, từ năm 2012, doanh nghiệp này đã là nhà sản xuất với thương hiệu Nam Son Power Mark.

“Hàng năm, nhà máy của chúng tôi sản xuất, đưa ra thị trường hơn 100.000 sản phẩm máy khắc laser “Made in Việt Nam”, phục vụ cho các khách hàng trong nước và xuất khẩu”, ông Quý nói và cho biết thêm, Myanmar đang thu hút đầu tư mạnh và nhiều nhà sản xuất lớn đã đến đầu tư và đây cũng là cơ hội lớn để đưa các sản phẩm mang thương hiệu Nam Sơn đến thị trường này. Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp khác của Việt Nam, thị trường Myanmar vẫn là một “ẩn số” đối với Nam Sơn. Do đó, hướng mà Nam Sơn lựa chọn sẽ là làm thương mại. Trước hết, Nam Sơn sẽ lựa chọn doanh nghiệp của Myanmar làm đối tác thương mại để đưa sản phẩm đến với thị trường. Sau khi đã hiểu rõ về thị trường, việc có đầu tư dự án sản xuất hay không sẽ được cân nhắc.

Theo đánh giá của ITPC, thị trường Myanmar còn dư địa cho hàng Việt Nam thâm nhập với những phân khúc khác nhau, đa dạng về nhu cầu; nhiều ngành hàng có tiềm năng cao như thực phẩm, hàng tiêu dùng, nước giải khát, vật liệu xây dựng, hàng điện máy, sản phẩm phục vụ nông nghiệp...

Tuy nhiên, đại diện của ITPC cũng cho rằng, để doanh nghiệp Việt thành công tại thị trường Myanmar, cần lưu ý một số vấn đề như: Doanh nghiệp cần nắm rõ chính sách thuế, hải quan để kinh doanh thuận lợi; chú trọng nghiên cứu văn hóa tiêu dùng để chọn cách tiếp cận đối tác phù hợp; cần lưu ý về vấn đề thanh toán vì hiện nay tại Myanmar chưa có chi nhánh ngân hàng thương mại nào của Việt Nam được cấp phép hoạt động…

Ngoài ra, vấn đề thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến Myanmar khá dài sẽ là một trở ngại. Với các doanh nghiệp mới đưa hàng tới Myanmar, chưa có hàng gối đầu cũng sẽ gặp khó khăn không nhỏ.

Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp có nhu cầu giới thiệu sản phẩm, trao đổi thương mại tại thị trường Myanmar, từ ngày 1 đến 4/4/2016, ITPC sẽ tổ chức Hội chợ Triển lãm thương mại - dịch vụ - du lịch TP.HCM Việt Nam - Myanmar 2016 (Ho Chi Minh City Expo 2016) tại thành phố  Yangon, với quy mô 120 gian hàng. Nét mới trong hội chợ lần thứ 6 này, đó là khu vực triển lãm nông nghiệp công nghệ cao và khu trưng bày giới thiệu vật liệu xây dựng.

Tại đây, các doanh nghiệp sẽ đưa các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu, giới thiệu các sản phẩm mới, kỹ thuật mới để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, đồng thời giới thiệu các loại vật liệu xây dựng, các công nghệ mới ứng dụng trong xây dựng đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng Myanmar.

Tin bài liên quan