Doanh nghiệp Việt cần có suy nghĩ quốc tế và tầm nhìn toàn cầu

(ĐTCK) Những ngày này thông tin về TPP đang tràn ngập, và nền kinh tế đang đứng trước một vận hội mới, tham gia sâu rộng hơn trong quá trình hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Trên trường quốc tế, chúng ta đã có những doanh nghiệp, doanh nhân bước đầu có tên tuổi như FPT và Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình, VNM và Tổng giám đốc Mai Kiều Liên, Vingroup và Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng, SeaABank với Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Nga hay Minh Phú với Chủ tịch HĐQT Lê Văn Quang…

Họ có thể được vinh danh ở những giải thưởng quốc tế uy tín hoặc có tên trong bảng xếp hạng những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến một ngành, một lĩnh vực trên toàn cầu.

Có một điểm chung ở những doanh nhân này, họ đều đang lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân, hoặc có thể coi là doanh nghiệp tư nhân (chuyển đổi sang mô hình cổ phần từ gốc doanh nghiệp nhà nước). Sự lớn mạnh và vai trò quan trọng của khối doanh nghiệp này đối với nền kinh tế được nhắc đến nhiều lần trong các sự kiện gần đây.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra hình ảnh so sánh rất thực tế: “Nếu như ví nền kinh tế Việt Nam như con tàu cao tốc, thì đường ray chính là kinh tế thị trường, còn đầu máy chính là kinh tế tư nhân”.

Thông điệp rõ nhất được nêu ra tại dự thảo văn kiện về Kế hoạch kinh tế - xã hội 2016 -2020 sắp trình Đại hội Đảng toàn quốc cũng nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp tư nhân. Họ sẽ tạo ra thương hiệu Việt Nam, tạo ra tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh nói rằng, chỉ khi nào doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân đủ lớn mạnh mới tạo ra được những thương hiệu Việt và tạo ra tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam. Doanh nghiệp tư nhân phát triển mới đủ sức tiếp thu, hấp thụ được công nghệ cao trên thế giới.

Với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư ban hành năm 1999 và 2005, từ chỗ có 4.000 doanh nghiệp, Việt Nam đã có 500.000 doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân. Nay với 2 luật mới cùng tên có hiệu lực từ tháng 7/2015 và một loạt các luật khác nhằm tạo ra một thể chế kinh tế thông thoáng, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, Việt Nam đang theo đuổi giấc mơ có 2 triệu doanh nghiệp sau 5 năm nữa.

Nhắc đến câu chuyện điểm chung giữa các doanh nghiệp, cả cũ và mới, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh rằng, cần có suy nghĩ quốc tế và tầm nhìn toàn cầu. Không phải chỉ là chuyện nghĩ đến hơn 90 triệu người dân Việt Nam, cũng không phải là 600 triệu người trong cộng đồng các quốc gia ASEAN mà phải hướng đến 7 tỷ người trên toàn cầu ngay từ khởi đầu.

Hội nhập đang buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh chính trên sân nhà. Nhiều thách thức đặt ra với các doanh nghiệp, doanh nhân song cũng là cơ hội để họ lớn mạnh. Đứng trước những vận hội mới, giữ vững tâm thế của những người coi trọng sự phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng và gìn giữ uy tín, kỳ vọng rằng, tới đây Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu trăm năm.

Tin bài liên quan