Phải chờ VNSteel tăng giá, các doanh nghiệp ngành thép khác mới theo bước - Ảnh: Hoài Nam

Phải chờ VNSteel tăng giá, các doanh nghiệp ngành thép khác mới theo bước - Ảnh: Hoài Nam

Doanh nghiệp vật liệu “ngó nhau” tăng giá

(ĐTCK) Sự tăng giá cục bộ trên thị trường vật liệu xây dựng cho thấy, các doanh nghiệp đã không còn đủ sức chịu đựng khi giá nguyên liệu đầu vào như xăng dầu và điện đều tăng.

Tuy nhiên, việc tăng giá vẫn còn khá dè dặt, vì các doanh nghiệp đều nhìn nhau, đợi các “ông lớn” tăng trước mới theo sau, vì sợ mất thị phần.

Việc tỷ giá USD tăng khiến doanh nghiệp ngành thép phải tăng giá thêm 100.000 đồng/tấn, nhưng  mức tăng không cùng một thời điểm, mà ở trong tình trạng “nhà nọ ngó nhà kia”. Chỉ khi các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) tăng giá, thì các doanh nghiệp khác mới dám tăng theo.

Chẳng hạn, ngày 19/5 vừa qua, Thép Pomina đã quyết định tăng giá thêm 100.000 đồng/tấn. Theo ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt, công ty mẹ của Thép Pomina, lượng tiêu thụ thép Pomina tăng khoảng 12%, nhưng việc tăng giá không phải vì sản lượng tiêu thụ tăng, mà vì tỷ giá USD tăng, xăng dầu và điện cũng lên giá.

Tuy nhiên, động thái tăng giá của Thép Pomina chỉ diễn ra sau khi “ông lớn” VNSteel đã có quyết định tăng giá trước đó gần 3 tuần.

Không chỉ VNSteel và Thép Pomina, khảo sát của phóng viên Đầu tư Bất động sản cho thấy, giá thép xây dựng bán lẻ trên địa bàn TP. HCM cũng đã đồng loạt tăng khoảng 100.000 đồng/tấn.

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2015, lượng sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam gần 4 triệu tấn, tăng 30,6% so với cùng kỳ, trị giá 2,3 tỷ USD, trong đó có 2,3 triệu tấn nhập từ Trung Quốc, tăng mạnh 80,3%. Như vậy, áp lực với doanh nghiệp ngành thép không chỉ là các đối thủ trong nước, mà còn đến từ thép nhập khẩu, nhất là thép Trung Quốc.

Không riêng gì ngành thép, theo tính toán, ngành xi măng phải tốn thêm chi phí khoảng 600 tỷ đồng từ việc tăng giá điện. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các doanh nghiệp ngành xi măng vẫn chưa tăng giá, mà chỉ các cửa hàng bán lẻ tăng khoảng 20.000 đồng/tấn. Vì sao?

Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, hầu hết các nhà sản xuất khác phải chờ động thái của “ông lớn” Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM). Với gần 37% thị phần trong nước, gồm 7 thương hiệu xi măng tên tuổi như Hoàng Thạch, Hải Phòng, Hà Tiên, Bỉm Sơn, Bút Sơn, Hoàng Mai, Tam Điệp, VICEM vẫn luôn chứng tỏ vai trò “dẫn dắt thị trường”, khiến các nhà sản xuất khác phải dè chừng trong mỗi lần tăng giá. Trong vòng 5 năm trở lại đây, mỗi lần tăng giá là mỗi lần VICEM đều dẫn đầu, sau đó đến các công ty liên doanh như Nghi Sơn, Chinfon, Holcim, tiếp đến mới là các doanh nghiệp khác.

Có hay không việc tăng giá xi măng trong những tháng còn lại của năm 2015, ông Trần Việt Thắng, Tổng giám đốc VICEM chia sẻ: “Không thể nói trước được việc có tăng giá hay không. Hiện VICEM vẫn đang cố chịu được, nhưng nếu giá dầu và giá điện lên nữa, thì VICEM sẽ tăng giá”.

Trả lời câu hỏi về việc tỷ giá euro giảm có lợi thế nào với một số đơn vị của VICEM như Hà Tiên, Bút Sơn, Bỉm Sơn? Ông Thắng cho biết, đây không phải là cái đích mà VICEM nhắm tới, bởi biến động tỷ giá không thể tính toán trước. Như vậy, khả năng tăng giá của VICEM vẫn luôn được cân nhắc.

Trên thực tế, các doanh nghiệp xi măng có dây chuyền sản xuất đồng bộ, cân đối được dòng vốn đầu tư, có thị trường tiêu thụ ổn định mới có thể trụ vững trong tình hình hiện nay. Đơn cử như xi măng Vinacomin - một thương hiệu mới trên thị trường xi măng đã “vào” được dự án của Samsung tại Thái Nguyên, khiến doanh nghiệp này từ chỗ sẵn sàng tăng giá, đến chỗ chờ đợi động thái của các nhà sản xuất khác.

Sức ép lên các doanh nghiệp ngày càng lớn và tăng giá là điều không tránh khỏi, nhưng tăng lúc nào lại là thước đo sức cạnh tranh của doanh nghiệp vật liệu xây dựng trên thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành thép và xi măng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan