Các doanh nghiệp cần coi công cụ phòng vệ thương mại là một phần trong chiến lược kinh doanh của mình

Các doanh nghiệp cần coi công cụ phòng vệ thương mại là một phần trong chiến lược kinh doanh của mình

Doanh nghiệp thép "té nước theo mưa", chưa thoát khỏi "thói quen ao làng"

Chuyện Hòa Phát, Thép miền Nam “té nước theo mưa”, chạy đua tăng giá với thép nhập khẩu ngay khi lệnh áp thuế tự vệ được Bộ Công thương đưa ra và có hiệu lực từ ngày 23/3 tới, đang làm hỏng hình ảnh của những “người hùng” trước đó.

Thị trường buộc phải đặt nghi vấn, phải chăng doanh nghiệp Việt vẫn chưa học xong bài học sử dụng công cụ phòng vệ thương mại hay “thói quen ao làng” vẫn đang đeo bám trong tư duy của cả những doanh nghiệp hàng đầu trong hội nhập. Cho dù vì lý do nào, nếu không chọn cách ứng xử văn minh, chuyên nghiệp trong cuộc chơi chuyên nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam sẽ lại mất điểm ngay trên sân nhà.

Cũng phải nói ngay, vụ 4 doanh nghiệp Việt Nam đứng nguyên đơn để khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài hồi cuối năm ngoái đã trở thành một ví dụ điển hình cho sự lớn lên của doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc chơi hội nhập.   

Chuyện Hòa Phát, Thép miền Nam “té nước theo mưa”, chạy đua tăng giá với thép nhập khẩu ngay khi lệnh áp thuế tự vệ được Bộ Công thương đưa ra và có hiệu lực từ ngày 23/3 tới, đang làm hỏng hình ảnh của những “người hùng” trước đó.

Đây không phải là cách phổ biến mà các doanh nghiệp thế giới dùng, vì cách này không phải để chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh, mà chỉ đơn thuần là biện pháp bảo hộ tạm thời trước tình trạng gia tăng đột biến của hàng hóa nước ngoài, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nối địa. Song động thái này cũng cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu biết đến những vũ khí được phép sử dụng, có đủ năng lực và nguồn lực để theo đuổi các vụ kiện vốn không đơn giản và khá tốn kém.

Hơn thế, việc bắt tay của 4 ông lớn trong ngành cũng là một tín hiệu mừng, giải tỏa bớt những lo ngại về khả năng liên kết yếu của doanh nghiệp Việt Nam.

Cho tới thời điểm này, doanh nghiệp Việt Nam mới đứng nguyên đơn 5 lần trong các vụ kiện phòng vệ thương mại, riêng trong năm 2015 đã có 2 vụ. Con số này quá nhỏ so hơn 100 vụ kiện mà doanh nghiệp Việt Nam là bị đơn.

Nhưng thực tiễn cũng cho thấy, ngay cả các doanh nghiệp được coi là thống lĩnh thị trường dường như vẫn chưa coi công cụ phòng vệ thương mại là một phần trong chiến lược kinh doanh của mình. Điều này lý giải cách ứng xử đầy tiểu xảo của họ ngay sau khi “thắng kiện”, tăng giá để hưởng lợi đơn, lợi kép, dù chẳng chịu tác động của mức thuế tự vệ. Hệ quả là, người tiêu dùng phải gánh khi giá bán trở nên hỗn loạn.

Trong khi đó, đáng lý ra, khoảng thời gian 200 ngày thuế tự vệ tạm thời được áp dụng là lúc doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ thị trường, tranh thủ mức giá cao của thép nhập khẩu để ghi điểm với thị trường cả về giá cả, chất lượng dịch vụ…, từ đó mở rộng tầm ảnh hưởng cũng như khả năng cạnh tranh phục vụ chiến lược kinh doanh lâu dài. Phải chăng doanh nghiệp Việt Nam chưa biết cách sử dụng đúng và hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại?.

Cũng phải nhắc lại, trên thế giới, công cụ phòng vệ thương mại được dùng phổ biến là kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp - những vũ khí lợi hại hơn rất nhiều mà doanh nghiệp Việt Nam đã liên tục ở vai bị đơn. Nếu bài học đơn giản nhất chưa thuộc, việc áp dụng được các công cụ khó hơn chắc sẽ phải mất nhiều thời gian hơn nữa.

Như vậy, cho dù doanh nghiệp đã biết sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, nhưng còn nhiều vấn đề phải bàn trước khi hy vọng công cụ này thực sự được sử dụng phổ biến và hiệu quả nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tin bài liên quan