Các doanh nghiệp ngành bia than về cách tính thuế TTĐB mới thiếu tính thực tế

Các doanh nghiệp ngành bia than về cách tính thuế TTĐB mới thiếu tính thực tế

Doanh nghiệp rượu bia dọa tăng giá, cảnh báo nguy cơ rượu lậu - giả

Dù cách tính giá thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo quy định tại Nghị định 108/NĐ-CP đã có hiệu lực được 2 tháng, nhưng các doanh nghiệp ngành đồ uống vẫn tiếp tục “than” và muốn lùi thời hạn áp cách tính thuế này.

Một lần nữa những khúc mắc trong việc thực hiện cách tính giá thuế TTĐB theo Nghị định 108 của Chính phủ và Thông tư 195 của Bộ Tài chính lại được các doanh nghiệp ngành bia nêu lên tại cuộc toạ đàm tổ chức sáng 16/3.

Lo hàng lậu, hụt thu ngân sách

Là một trong 4 doanh nghiệp bia chiếm thị phần lớn nhất nước, mỗi năm đóng góp ngân sách khoảng 15.000 tỷ đồng, Tổng Công ty Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (Sabeco) đang gặp phải loạt vấn đề liên quan tới cách tính thuế TTĐB mới.

Phân tích cụ thể hơn, Phó Tổng giám đốc Sabeco cho hay, cách tính giá thuế TTĐB trong Nghị định 108 và Thông tư 195 của Bộ Tài chính chưa phù hợp với quy định ở các Luật thuế hiện hành là Luật thuế TTĐB năm 2008 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB ban hành năm 2014.

Cụ thể, theo quy định Nghị định 108 và Thông tư 195 quy định: “…giá thuế TTĐB dựa trên giá bán ra của công ty thương mại cuối cùng có quan hệ công ty mẹ, công ty con hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất và cơ sở xuất khẩu …”.

Nhưng ông Xanh cho rằng, quan hệ giữa nhà sản xuất với nhà phân phối là mua đứt bán đoạn. Vì thế công ty mẹ không có quyền yêu cầu các cơ sở kinh doanh thương mại cung cấp thông tin tới giá bán của họ. Chưa kể, quy định giá tính thuế của cơ sở.

Còn riêng quy định: “…giá làm căn cứ tính thuế TTĐB không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân trong tháng của cùng loại sản phẩm của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra…”, ông Xanh nhấn mạnh tính thiếu tính thực tế.

Bởi, giá bán trên thị trường thay đổi theo từng thời điểm hay theo vùng và đa dạng theo chính sách kinh doanh của từng nhà phân phối. Nếu nhà sản xuất có nhiều sản phẩm thuộc nhiều phân khúc khác nhau, cùng một nhãn hàng nhưng có nhiều sản phẩm khác nhau...thì việc xác định giá này rất khó khăn.

Một “ông lớn” trong ngành bia khác là Tổng công ty Bia – Rượu –NGK Hà Nội (Habeco), ông Nguyễn Hồng Linh – Tổng giám đốc Habeco nói thẳng, cách tính giá thuế TTĐB mới quy định tại Nghị định 108 và Thông tư 195 về lâu dài các công ty thương mại có quan hệ công ty mẹ, công ty con hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ với nhà sản xuất/nhà nhập khẩu sẽ kém cạnh tranh hơn so với các công ty thương mại khác. Các nhà sản xuất hay nhập khẩu sẽ không bán hàng qua các công ty này vì chi phí thuế cao.

Riêng với quy định giá tính thuế của cơ sở sản xuất không được thấp hơn 7% giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại, theo ông Linh, không có bằng chứng chứng minh được rằng tỷ lệ 7% là hợp lý hơn tỷ lệ 10% như đã được quy định trước đây.

Cách tính thuế TTĐB theo quy định mới này, ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia –Rượu – NGK Việt Nam (VBA) lo lắng, việc tăng thuế TTĐB có thể có tác dụng làm tăng nguồn thu ngân sách ngắn hạn nhưng về dài hạn, nó sẽ khiến người tiêu dùng phải mua hàng chính hãng với giá cao, vô hình chung kích thích các hoạt động buôn rượu lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế.

Thuế cao, doanh nghiệp "dọa" tăng giá

Với cách tính thuế TTĐB quy định tại Nghị định 108 và Thông tư 195, các doanh nghiệp ngành bia ước tính sẽ bị thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng trong năm 2016.

“Dự tính chỉ riêng cách tính thuế mới này sẽ khiến Sabeco lỗ hàng ngàn tỷ đồng trong năm nay” – ông Xanh cho hay, để bù lỗ có thể doanh nghiệp này sẽ phải tính tới chuyện tăng giá bán hàng hoá.

“Cực chẳng đã doanh nghiệp sẽ phải tăng giá, mà giá tăng thì thiệt thòi thuộc về người dân…”, bỏ lửng câu nói, ông Xanh thiết tha kiến nghị, “Sabeco đề xuất nên lùi thời hạn áp dụng cách tính thuế TTĐB mới này tới năm 2017 để sửa đổi những điều chưa phù hợp với thực tế và cũng để doanh nghiệp có thời gian ứng phó, chuẩn bị…”.

Việc tăng thuế TTĐB có thể có tác dụng làm tăng nguồn thu ngân sách ngắn hạn nhưng về dài hạn, nó sẽ khiến người tiêu dùng phải mua hàng chính hãng với giá cao, vô hình chung kích thích các hoạt động buôn rượu lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế

Ông Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh, quy định mới làm tăng hơn nữa chi phí thuế cho doanh nghiệp trong lúc họ đang phải điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với việc gia tăng thuế suất thuế TTĐB như được quy định trong Luật TTTĐB sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 (bia và rượu mạnh tăng 5%/năm đến 2019, rượu vang tăng 5%/2 năm, thuốc lá tăng 5%/3 năm).

“VBA một lần nữa kiến nghị cho phép lùi thời gian thực hiện Nghị định 108 và Thông tư 195 đối với các doanh nghiệp ngành đồ uống đến thời điểm 1/1/2017 để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đề nghị xem xét lại quy định về cách thức tính thuế TTĐB đối với các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình mẹ - con để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả” – Chủ tịch VBA kiến nghị.

Dù là cuộc toạ đàm được tổ chức để các doanh nghiệp ngành đồ uống “than” về những bất cập liên quan tới chính sách thuế, nhưng lại không có đại diện của lãnh đạo ngành thuế, Bộ Tài chính.

Chủ tịch VBA cho biết, Hiệp hội đã gửi giấy mời, nhưng tiếc rằng lãnh đạo ngành thuế, cũng như Bộ Tài chính cáo bận nên không thể tới tham dự và chỉ cử chuyên viên tới ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp …

Về phía doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc Sabeco trăn trở, “Lần này chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước có sự lắng nghe thực sự những khó khăn của doanh nghiệp, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp để có sự điều chỉnh chính sách sát thực tế, đảm bảo yêu cầu lợi nhuận và trách nhiệm của doanh nghiệp với Nhà nước, tránh tình trạng quy định pháp luật mới có hiệu lực được 2 tháng mà doanh nghiệp đã kêu là không thực tế…”.

Lắng nghe và ghi chép cẩn thận những kiến nghị từ phía doanh nghiệp, ông Huỳnh Đắc Thắng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) nêu quan điểm, Bộ Công thương đã ít nhất 2 lần gửi văn bản tới Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh lại quy định tại Nghị định 108 và Thông tư 195. “Quan điểm của Bộ là phải điều chỉnh lại các quy định vướng mắc này, trong trường hợp không điều chỉnh được thì phải lùi thời hạn thực hiện để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp” – ông Thắng nói.

Tin bài liên quan