Khát vọng lớn dẫn lối tới thành công
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kỹ thuật môi trường Việt An (Việt An Group) từng gây ấn tượng mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp khi bày tỏ tham vọng thâu tóm doanh nghiệp ngoại trong một ngày không xa.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hoài Thi, Tổng giám đốc (CEO) Việt An Group chia sẻ mơ ước rằng, một ngày nào đó, người Việt có thể mua được các công ty nước ngoài và thuê họ làm cho mình, qua đó mở rộng tầm ảnh hưởng một cách tích cực ra thế giới.
Cách mà Việt An Group hướng tới là tìm mua những công ty có quy mô từ dưới 50 triệu USD trở lại, có thể chính là công ty đối tác để phát triển mở rộng thương hiệu tại các quốc gia.
“Ngày đó sẽ đến, doanh nghiệp Việt hiện thực hóa được khát vọng thâu tóm doanh nghiệp ngoại”, ông Thi bày tỏ niềm tin mãnh liệt.
Việt An Group hoạt động trong lĩnh vực quan trắc tự động, là đối tác của nhiều tập đoàn lớn. Mới đây nhất, Công ty là đối tác chính thức của Tập đoàn ABB tại Việt Nam về thiết bị quan trắc khí thải (CEMs). Công ty cũng mới hoàn thành lắp đặt hệ thống gồm 10 trạm quan trắc tự động chất lượng khí thải cho Nhà máy xi măng Kim Đỉnh (Thừa Thiên - Huế), cung cấp giải pháp đồng bộ từ khâu lấy mẫu dữ liệu liên tục tự động đến khâu báo cáo cho người dùng.
Dù mới thành lập được 8 năm, nhưng Việt An Group tự tin sẽ sớm dẫn đầu trong ngành giám sát môi trường tại Việt Nam cũng như phát triển ngày một vững mạnh để trở thành tổng thầu quốc tế.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trẻ tuổi của Việt Nam ấp ủ hoài bão vươn ra toàn cầu
Trong điều hành doanh nghiệp, CEO Nguyễn Hoài Thi luôn coi trọng và xây dựng văn hóa gia đình, nơi mọi người cùng làm việc, đoàn kết, chia sẻ và đồng tâm hiệp lực vì một mục tiêu chung, đưa Việt An Group tiến xa hơn.
“Niềm vui của một CEO đơn giản là nhìn thấy mọi người trong công ty hạnh phúc, vui cười khi làm việc và cùng hướng tới những giấc mơ lớn, mơ một ngày sẽ đưa sản phẩm vượt ra khỏi biên giới Việt Nam”, ông Hoài Thi nói.
Ông Lưu Minh Tiến, Giám đốc Công ty Solar Electric Việt Nam (SEV) cũng có khát vọng đưa Công ty ngày một lớn mạnh, sánh vai cùng các doanh nghiệp lớn trên thế giới trong lĩnh vực năng lượng mặt trời.
Với chiến lược đứng trên vai người khổng lồ, SEV tập trung vào các đối tác lớn, uy tín hàng đầu thế giới. Công ty đang là nhà phân phối của REC Solar, Canadian Solar, nhóm các nhà sản xuất hàng đầu thế giới (TIER 1) về tấm pin năng lượng mặt trời.
Ngoài ra, Công ty đã ký các thỏa thuận nguyên tắc hợp tác với Cenergy Power, Univergy và là nhà phân phối duy nhất của Tập đoàn ABB tại Việt Nam về thiết bị chuyển đổi điện mặt trời tính đến thời điểm này.
Tuy mới 3 năm thành lập nhưng Lưu Minh Tiến và cộng sự đã gây dựng được uy tín cho SEV, dần được các đối tác trong và ngoài nước lựa chọn.
Thực tế cho thấy, có khát vọng, có hoài bão, có chiến lược và đam mê đi đến cùng con đường đã lựa chọn, doanh nghiệp sẽ sớm hái trái ngọt và thành công.
Trong ngày hội kinh doanh của nữ doanh nhân mới đây, bà Nguyễn Hương Quỳnh, CEO Nielsen Việt Nam chia sẻ: “Tương lai ở ngay trước mắt, ai nhìn ra và nắm bắt cơ hội sẽ sớm đến đích. Đi cùng với đó là sự cần mẫn, làm việc hết mình, hết tiềm năng”.
Doanh nghiệp vươn vai thành người khổng lồ khi nâng tầm giá trị
Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, không sợ doanh nghiệp nhỏ, mà chỉ lo doanh nghiệp không đạt chuẩn. Bởi doanh nghiệp nhỏ vẫn là một chủ thể quan trọng của thị trường thế giới. Nếu đạt tới chuẩn quốc tế, các doanh nghiệp này có thể đáp ứng yêu cầu đối với bất kỳ doanh nghiệp nào và vươn vai trở thành “người khổng lồ” khi họ bán ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Ở chiều ngược lại, theo ông Vũ Tiến Lộc, nếu doanh nghiệp lớn nhưng không đạt chuẩn quốc tế sẽ dễ thất bại. Hiện nay, nền kinh tế toàn cầu dựa trên nền tảng Internet, buộc các doanh nghiệp phải công khai, minh bạch, quản trị chuyên nghiệp và tiếp cận công nghệ mới. Đẩy mạnh hội nhập, kết nối trên nền tảng công nghệ, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn có chỗ đứng nếu khai thác được thế mạnh.
Việt Nam đang có khoảng 600.000 doanh nghiệp, đích đến năm 2020 là 1 triệu doanh nghiệp.
“Quốc tế hóa được các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ chính là chìa khóa cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới”, ông Lộc nhấn mạnh.
Câu chuyện vươn vai lớn lên khi tìm ra thế mạnh đã được nhiều doanh nghiệp Việt áp dụng. Chẳng hạn, câu chuyện của Vinacacao và sản phẩm socola Việt Nam. Hiện nay, Vinacacao đã tìm được chỗ đứng trên thị trường khi phát huy sáng tạo, đưa ra sản phẩm độc đáo.
Chia sẻ trong một buổi tọa đàm về khát vọng toàn cầu của doanh nghiệp Việt mới đây, ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinacacao cho biết, yếu tố quan trọng nhất là sản phẩm và tập trung vào yếu tố này để tìm đường ra nước ngoài.
Qua tìm hiểu, lãnh đạo Vinacacao nhận thấy, châu Âu có lịch sử làm socola khoảng 600 năm, trong khi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hạt ca cao. CEO Trần Văn Liêng cảm thấy giá trị thặng dư của xuất khẩu thô quá thấp nên đã tạo ra những thanh socola mang hương vị Việt tìm cách tiếp cận thị trường châu Âu.
Để hướng ra toàn cầu, ông Liêng cho rằng, cần phải làm ra những loại socola có vị khác biệt với socola châu Âu và Vinacacao tập trung theo hướng đó để làm ra sản phẩm tốt nhất, đủ sức đứng trên thị trường. Bởi lẽ, ông thấu hiểu nguyên tắc trong điều kiện cạnh tranh gay gắt thì việc dễ dãi với chất lượng sản phẩm sẽ là nguyên nhân khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
Các CEO trẻ tuổi của Việt Nam ấp ủ hoài bão vươn ra toàn cầu đều hiểu, để làm được điều đó, sản phẩm phải đạt chất lượng toàn cầu như cách làm của thế hệ đi trước như CEO Vinamit Nguyễn Lâm Viên. Khởi nghiệp từ năm 1986 với quy mô doanh nghiệp nhỏ, nhưng với ấp ủ tạo ra sản phẩm thương hiệu Việt bán được ra nước ngoài, ông Viên đã hiện thực hóa thành công, sản phẩm Vinamit có mặt ở nhiều thị trường trên thế giới.
“Phải có sự kết nối giữa doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp nước ngoài và cuối cùng là phải đưa sản phẩm đáp ứng với các tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn toàn cầu thì mới mong doanh nghiệp tiến ra thế giới được”, ông Nguyễn Lâm Viên nói.
Tại diễn đàn quy tụ 1.000 CEO là chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới đây, các CEO đều bày tỏ mong muốn đưa doanh nghiệp lên tầm cao và cách họ hiện thực hóa điều ấy, họ tham gia các cộng đồng doanh nghiệp để kết nối và chia sẻ cơ hội kinh doanh, cùng nhau tiến ra biển lớn.
Ông Hoàng Đình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Điện lạnh TST, Chủ tịch Công ty TNHH Đào tạo tư vấn PDCA cho biết, diễn đàn kết nối các chủ doanh nghiệp lớn nhất trong năm, qua đó, giúp các CEO, chủ doanh nghiệp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ về những giá trị giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có chỗ đứng trên trường quốc tế.
Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang kết nối với nhau trên nền tảng công nghệ app Zeniius. Ông Hoàng Ngọc Gia Long, người sáng lập app này cho biết, lần đầu tiên tại Việt Nam, một cộng đồng gần 4.000 chủ doanh nghiệp đã kết nối với nhau trên nền tảng công nghệ 4.0 để cùng kết nối hợp tác kinh doanh.
Ông kỳ vọng, app này sẽ phát triển lớn mạnh, quy tụ các doanh nghiệp toàn cầu tham gia và trở thành nơi kết nối giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp các nước trên thế giới để cùng chia sẻ cơ hội và phát triển. App Zeniius đã được giới thiệu tại cộng đồng doanh nhân nhiều nước trên thế giới như Singapore, Nhật Bản và tới đây chuẩn bị đến với cộng đồng doanh nhân tại Thái Lan.
“Người Việt Nam mình rất giỏi, doanh nghiệp mình ra ngoài không thua kém gì, nhưng lại yếu ở tính liên kết. Tôi hy vọng app này với thế mạnh kết nối doanh nghiệp sẽ góp phần tạo ra sức mạnh cho các doanh nghiệp Việt, cùng thúc đẩy kinh tế Việt Nam lớn mạnh”, ông Gia Long nói.