PPC có khoản vay lớn bằng Yên Nhật, còn NT2 có khoản vay lớn bằng USD và EUR

PPC có khoản vay lớn bằng Yên Nhật, còn NT2 có khoản vay lớn bằng USD và EUR

Doanh nghiệp nhiệt điện lại “phập phù” với tỷ giá

(ĐTCK) Biến động tỷ giá vẫn là yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp nhiệt điện. Với 2 doanh nghiệp có quy mô lớn đang niêm yết, ảnh hưởng này tới lợi nhuận quý I/2016 là khác nhau khi có các khoản vay ngoại tệ khác nhau.

PPC dự kiến trích lập dự phòng 200 tỷ đồng trong quý I

Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Thế Sơn, Kế toán trưởng CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cho biết, với tỷ giá đồng Yên Nhật (JPY) tăng khoảng 7% từ đầu năm đến nay, PPC dự kiến phải trích lập khoảng 200 tỷ đồng nên lợi nhuận quý I/2016 sẽ “vơi” đi nhiều.

Hiện tại, PPC đã đàm phán xong giá điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đối với Nhà máy Phả lại 2, còn giá điện Nhà máy Phả Lại 1 vẫn chưa chốt. Nếu tính theo giá điện thị trường thì dự báo giá điện PPC đàm phán năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái. Bên cạnh đó, giá ký mới cho giai đoạn từ năm 2016 trở đi phụ thuộc vào chi phí đầu tư cho dây chuyền 1. Mặc dù PPC đã có kế hoạch nâng cấp dây chuyền này với tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng, nhưng dự án này vẫn đang trong giai đoạn tư vấn.

Ông Sơn cũng cho biết, Công ty dự kiến trình kế hoạch lợi nhuận 600 tỷ đồng trong năm 2016 (năm 2015 đạt 604 tỷ đồng).

Dự phóng kết quả kinh doanh của PPC, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, biên lợi nhuận năm 2016 của PPC sẽ được cải thiện do hết khấu hao từ dây chuyền II và có sự đóng góp của CTCP Nhiệt điện Hải Phòng. Giai đoạn 2009 - 2014, PPC đã đầu tư vào Nhiệt điện Hải Phòng 1.451 tỷ đồng (tương đương 25,97% vốn điều lệ).

VCBS dự báo, Nhiệt điện Hải Phòng sẽ có lãi sau thuế 857 tỷ đồng trong năm 2016. Với tỷ lệ sở hữu 25,97%, PPC có thể ghi nhận 223 tỷ đồng lãi từ hoạt động liên doanh, liên kết này. Như vậy, nếu loại trừ yếu tố tỷ giá, PPC có thể đạt 7.325 tỷ đồng doanh thu và 882 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2016. 

NT2: cân đối khoản vay USD và EUR

CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) cũng đang có khoản vay lớn bằng USD và EUR. NT2 nhận định, đồng EUR đang xuống giá và khó có thể tăng trở lại, Do đó, NT2 cần phải cân đối 2 khoản vay USD và EUR để rủi ro có thể chia đôi. Theo NT2, nếu đồng EUR giảm giá trong thời gian tới, Công ty sẽ giảm dần khoản vay bằng ngoại tệ này.

Trong quý I/2016, sản lượng điện của NT2 đạt 1.330 triệu Kwh, tăng 2%; doanh thu ước đạt 1.376 tỷ đồng, bằng 78% cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận ước đạt 312 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2016, NT2 đặt kế hoạch tổng doanh thu 6.003 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 728 tỷ đồng. Ông Hoàng Xuân Quốc, Tổng giám đốc NT2 cho biết, đây là kế hoạch gần như là tối thiểu của NT2, Công ty sẽ cố gắng thực hiện tối thiểu bằng năm 2015 (1.141 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế).

Theo báo cáo tài chính kiểm toán, cuối năm 2015, tổng dư nợ gốc khoản vay ngoại tệ của NT2 là hơn 123,6 triệu USD và hơn 112,9 triệu EUR. Vì thế, kết quả kinh doanh của Công ty sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng mạnh bởi rủi ro tỷ giá. Trong báo cáo phân tích về cổ phiếu NT2, CTCK Bảo Việt cho rằng, diễn biến trái chiều giữa USD và EUR được dự báo sẽ giúp cho NT2 trung hòa rủi ro tỷ giá.

Hiện tại, ưu điểm của NT2 là nhà máy gần trung tâm phụ tải miền Đông Nam Bộ nên được ưu tiên huy động khi cần bù đắp sản lượng điện thiếu hụt. Nguồn nguyên liệu chính của Công ty là khí đốt từ mỏ Nam Côn Sơn được đảm bảo trong hợp đồng mua bán khí lên đến 25 năm. Riêng hợp đồng bán điện PPA với EVN được ký với thời hạn 10 năm. Tuy nhiên, do giá bán điện của NT2 tính bằng USD nên Công ty hạn chế được một phần rủi ro tỷ giá. 

BTP có khoản vay 33,7 tỷ won

CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) cũng là doanh nghiệp có nguồn vay bằng ngoại tệ lớn, nhưng chủ yếu bằng đồng won (KRW). Trao đổi với ĐTCK, ông Huỳnh Lin, Chủ tịch HĐQT BTP cho biết, trong quý I/2016, tỷ giá KRW/VND có biến động tăng và Công ty phải trích lập dự phòng.

Việc này tác động đến lợi nhuận trong kỳ của BTP, nhưng mức độ ảnh hưởng không quá lớn. Hiện nay, khoản nợ vay của BTP là 683,2 tỷ đồng, trong đó các khoản vay gốc ngoại tệ đến từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc trị giá 33,7 tỷ KRW.

Ông Lin cho biết thêm, kết quả kinh doanh của DN ngành điện nói chung và BTP thường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó ngoài yếu tố tỷ giá và giá bán điện, các DN nhiệt điện còn chịu tác động từ giá nguyên liệu.

Dù giá khí đốt và than đá phục vụ cho sản xuất nhiệt điện dự báo không tăng trong năm 2016, nhưng các chi phí này vẫn sẽ chiếm khoảng 70% chi phí sản xuất. Năm 2015, BTP đạt doanh thu 1.831 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 115,6 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh năm 2016 đang được Công ty đặt ra và sẽ trình ĐHCĐ vào ngày 26/5 tới, theo hướng thận trọng. 

NBP không vay ngoại tệ

Cùng trong nhóm nhiệt điện, nhưng khác với 3 DN trên, CTCP Nhiệt điện Ninh Bình (NBP) hầu như không vay ngoại tệ, nên không chịu rủi ro tỷ giá. NBP hiện là DN có quy mô nhỏ nhất trong số các DN nhiệt điện.

Năm 2015, Công ty không tham gia thị trường điện và chỉ phát huy động 1 lò, do vậy sản lượng điện sản xuất và tiêu thụ đều thấp, chỉ đạt xấp xỉ 50% so với năm 2014. Năm 2015, NBP đạt 655,22 tỷ đồng doanh thu và 9,47 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Trong các DN nhiệt điện đang niêm yết, nhiều DN đã từng được hưởng lợi từ biến động giảm của tỷ giá do có khoản vay lớn bằng ngoại tệ. Ngược lại, khi tỷ giá biến động theo hướng tăng, lợi nhuận của các DN khá “phập phù”.    

Tin bài liên quan