Ngành sản xuất than bị thiệt hại khá nặng vì mưa lũ

Ngành sản xuất than bị thiệt hại khá nặng vì mưa lũ

Doanh nghiệp nhiệt điện chưa chịu tác động ngay từ than nguyên liệu

(ĐTCK) Trận mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh đang đẩy một số doanh nghiệp nhiệt điện vào thế khó vì nguồn than bị ảnh hưởng. Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, nếu không có những ứng phó kịp thời, sản xuất - kinh doanh về trung hạn sẽ bị ảnh hưởng.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Thế Sơn, Kế toán trưởng CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cho rằng, nguy cơ thiếu hụt nguồn than là có, do các doanh nghiệp sản xuất than bị thiệt hại vì mưa lũ.

“Đối với PPC, nguồn nguyên liệu chính để sản xuất điện là than nên sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, xét trong ngắn hạn, việc thiếu than chưa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nói chung do Công ty đang có nguồn dự trữ than (trong vòng một tháng). Ngoài ra, hiện là mùa mưa nên việc huy động điện từ các doanh nghiệp thủy điện đang thuận lợi hơn, trong khi mùa cao điểm (mùa hè) đã qua, nên phần nào giảm áp lực thiếu điện và áp lực lên các doanh nghiệp nhiệt điện.

“Tuy nhiên, nếu xét về dài hạn, Công ty cũng như những doanh nghiệp sản xuất điện từ nguyên liệu chính là than sẽ bị tác động khi không có đủ nguồn than”, ông Sơn nhận định.

Tương tự, đại diện CTCP Nhiệt Điện Ninh Bình (NBP) cũng cho biết, với nguồn dự trữ than hiện tại, NBP chưa bị ảnh hưởng, nhưng xét về lâu dài, chắc chắn Công ty sẽ phải tính đến các phương án để đối phó.

Cũng trong ngành nhiệt điện, các doanh nghiệp ở khu vực phía Nam như CTCP Nhiệt điện Bà Rịa lại cho biết sẽ không chịu tác động bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất là khí.

Về mức độ tác động từ nguồn nguyên liệu than tới các nhà máy nhiệt điện, theo tính toán của CTCK VPBS, nguồn nguyên liệu cần cho PPC cụ thể như sau: Nhà máy Phả Lại 1 có đủ than để sản xuất trong 15 ngày (mức tiêu thụ của Phả Lại 1 là 3.100 tấn than/ngày); Nhà máy Phả Lại 2 có đủ than để sản xuất trong 15 ngày (mức tiêu thụ cần có là 1.500 tấn than/ngày). Trong khi đó, Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình (NBP) có đủ than để sản xuất trong 16 ngày do nhà máy này cần tiêu thụ 380 tấn than/ngày. Điều đó cho thấy, mức dự trữ phổ biến của các nhà máy là khoảng hơn 2 tuần.

Mức độ tác động của các doanh nghiệp nhiệt điện chạy than cũng khác nhau. Trong 5 nhà máy nhiệt điện than do PVN làm chủ đầu tư, chỉ có 2 nhà máy sử dụng than trong nước là Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và Thái Bình 2, còn lại 3 nhà máy sử dụng nguồn than nhập khẩu là Nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1 và Quảng Trạch 1.

Hiện Công ty Nhập khẩu than và Phân phối than Điện lực Dầu khí (PVPower Coal) đảm nhiệm vai trò làm đầu mối cung ứng than, trong đó trọng tâm là than nhập khẩu cho các dự án nhiệt điện của Tập đoàn.

Theo đại diện của PVPower Coal, Công ty đang nghiên cứu và tìm kiếm nguồn cung than có tên gọi là Anthracite để thay thế trong bối cảnh Tập đoanàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có thể gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn than ổn định cho các nhà máy nhiệt điện của Tập đoàn trong suốt vòng đời nhà máy.

Để xử lý những tác động tới nguồn nguyên liệu than từ trận mưa lũ tại Quảng Ninh vừa qua, mới đây, Bộ Công thương đã có cuộc họp với Tập đoàn Điện lực (EVN), Than khoáng sản (Vinacomin) và Dầu khí (PVN).

Theo lãnh đạo EVN, dự kiến từ nay đến hết năm (còn gần 5 tháng) sẽ phải huy động khoảng 23 tỷ kWh từ các nhà máy nhiệt điện, tương đương cần thêm khoảng 11 triệu tấn than. Theo Vinacomin, đến đầu tháng 8, Tập đoàn vẫn còn 7 triệu tấn than trong kho và khoảng 2 triệu tấn đã được tập kết ở cảng trước mưa lũ, sẵn sàng chuyển cho các hộ tiêu thụ và cam kết không để thiếu than  cung cấp cho ngành điện. Mặc dù vậy, lo ngại thiếu nguồn nguyên liệu vẫn còn vì hậu quả của mưa lũ.

Với tổng mức thiệt hại của Vinacomin ước tính lên hơn 1.000 tỷ đồng do chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt mưa lũ lớn vừa qua và nếu các mỏ than tại Quảng Ninh không phục hồi kịp sau giai đoạn này thì những doanh nghiệp liên quan như sản xuất than, nhiệt điện sẽ bị gián đoạn đến hoạt động, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận trong năm 2015.

Hiện tại, theo ghi nhận từ một số doanh nghiệp sản xuất than như CTCP Than Cọc 6 – Vinacomin (TC6), CTCP Than Cao Sơn – TKV (TCS), CTCP Than Đèo Nai (TDN), CTCP Than Núi Béo Vinacomin (NBC) thì mức độ thiệt hại do mưa lũ khá nặng nề. 

Tin bài liên quan