Doanh nghiệp nhà nước vẫn hưởng quá nhiều đặc quyền

(ĐTCK) Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi và chưa chịu cơ chế ràng buộc về trách nhiệm cũng như ngân sách cứng đã tạo sự bất bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, giảm hiệu quả hoạt động của khu vực này.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Đó là nhận định rất đáng quan tâm tại Báo cáo đánh giá tái cơ cấu kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2014 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố.  

Đánh giá về hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của khu vực DNNN, báo cáo của CIEM nhận định, sau nhiều năm đổi mới, hệ thống pháp luật về DN của Việt Nam gồm gia nhập thị trường, hoạt động trên thị trường và rút khỏi thị trường đã đặt DNNN trong một khung khổ chung với DN tư nhân. Tuy nhiên, những hạn chế trong thực thi pháp luật cũng như ứng xử trên thực tế của Nhà nước và các chủ thể có liên quan đã tạo ra nhiều ưu thế, đặc quyền, đặc lợi cho DNNN ở nhiều lĩnh vực. Điều này đã tạo ra những bất hợp lý trong khung khổ quản trị và làm xáo trộn thị trường.

Kết quả nghiên cứu của CIEM cho thấy, hệ lụy của việc dành những đặc quyền, đặc lợi cho DNNN là DN tư nhân gặp nhiều khó khăn và rào cản trong gia nhập các thị trường mà khu vực DNNN đang nắm địa vị chi phối, thống lĩnh, đồng thời không tạo được áp lực cạnh tranh cho DNNN và làm méo mó quan hệ thị trường.

Với vị trí và vai trò của DNNN hiện tại, cùng với chỗ dựa từ chủ sở hữu Nhà nước là tác nhân chính làm cho DNNN được hưởng những lợi thế trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt nguồn lực tài chính, gây xáo trộn thị trường.

Cùng với đó, việc dễ dàng hơn trong tiếp cận các nguồn lực dẫn tới vị thế thị trường của DNNN càng được được củng cố, không những không đạt mục tiêu phân bổ lại nguồn lực hiệu quả hơn thông qua quá trình tái cơ cấu kinh tế, mà ngược lại còn làm trầm trọng thêm những nhược điểm của cơ cấu kinh tế hiện nay.

Không chỉ có vậy, những bất cập trong thể chế thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với DNNN còn tạo ra khiếm khuyết lớn trong khung quản trị DNNN. Báo cáo đã chỉ rõ có 3 vấn đề tồn tại lớn trong hệ thống quản trị DNNN so với thông lệ quốc tế.

Đó là chưa tách biệt chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu với các chức năng khác của Nhà nước, chưa tập trung và thiếu thống nhất trong thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại DNNN, bộ máy thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước chưa chuyên nghiệp.

Theo ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô (CIEM), đây có thể coi là một trong những lý do chủ yếu của việc DNNN chưa có quản trị hiện đại, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của DNNN và cả nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng chỉ ra rằng, một bất cập lớn đang tồn tại trong hệ thống quản lý quản trị của DNNN là tổ chức bộ máy quản lý điều hành DNNN còn rất hạn chế ở tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Trách nhiệm giải trình của những người bảo vệ lợi ích cho chủ sở hữu Nhà nước tại DN còn thấp, trước hết là các thành viên hội đồng thành viên và kiểm soát viên ở các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Đặc biệt, theo ông Tú Anh, việc thiếu cơ chế ràng buộc trong cơ chế chịu trách nhiệm và quản lý ngân sách trong thực tiễn quản trị DNNN ở Việt Nam chính là nguyên nhân làm giảm hiệu quả hoạt động của khu vưc này và nguy hại hơn, làm méo mó, rối loạn thị trường.

“Có nhiều biểu hiện chưa áp đặt được cơ chế ràng buộc ngân sách đối với DNNN, trước hết là ràng buộc về chi tiêu, đầu tư, mua sắm; ràng buộc về trách nhiệm tự vay tự trả và ràng buộc về kết quả kinh doanh, kỷ luật tài chính đối với DNNN chưa nghiêm ngặt. Một bộ phận DNNN chi tiêu bất hợp lý, hoạt động không hiệu quả, không đạt mục tiêu, tạo gánh nặng và rủi ro ngân sách, xứng đáng bị đào thải khỏi thị trường, nhưng không những không bị xử lý, mà còn được hỗ trợ, giải cứu dưới các hình thức khác nhau. Nhiều hình thức trợ cấp bất hợp lý, mang tính ưu đãi, tạo đặc quyền, đặc lợi cho DNNN đã và đang được thực hiện, vừa không tạo được áp lực để DNNN nâng cao hiệu quả hoạt động, vừa là yếu tố làm méo mó thị trường và quan hệ cạnh tranh”, ông Tú Anh phân tích.

Đó là chưa kể tới những khiếm khuyến trong hệ thống giám sát DNNN như thiếu hệ thống cảnh báo và ngăn ngừa những yếu kém DNNN trong sản xuất - kinh doanh cũng như những rủi ro gây ra bởi DNNN, đặc biệt những rủi ro từ việc dồn quá nhiều nguồn lực vào một số DNNN quy mô lớn. Việc công khai thông tin và minh bạch hóa hoạt động của DNNN cũng được báo cáo đánh giá là điểm yếu kém trong khung quản trị DNNN mặc dù gần đây đã có nhiều nỗ lực trong ban hành pháp luật về việc này.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, điều này đặt ra yêu cầu bức thiết cần giải quyết trong thời gian tới là phải nâng cao trách nhiệm của DNNN cũng như cơ quan quản lý của Nhà nước trong việc công bố kịp thời, chính xác và đầy đủ thông tin về DNNN theo thông lệ chung.

Cũng theo ông Cung, DNNN vẫn chưa phải đối diện với ngân sách cứng, chưa phải hoạt động dưới áp lực cạnh tranh khốc liệt, những ưu đãi bất bình đẳng dành cho DNNN không chỉ gây bất lợi cho các DN tư nhân mà còn bất lợi cho chính các DNNN trong bối cảnh toàn cầu hóa.

“Đây là những điểm then chốt cần phải tiếp tục thực hiện trong việc tái cơ cấu DNNN sắp tới”, ông Cung nhấn mạnh.

Tin bài liên quan