Số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong quý I/2016 là 20.044 DN, tăng 23,9% so với cùng kỳ 2015

Số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong quý I/2016 là 20.044 DN, tăng 23,9% so với cùng kỳ 2015

Doanh nghiệp loay hoay trong vùng trũng suy giảm

(ĐTCK) Dù có những tín hiệu cải thiện tích cực từ môi trường kinh doanh nhờ việc đưa vào thực thi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi, song nhìn chung, cộng đồng DN Việt vẫn chưa thoát khỏi vùng trũng suy giảm.

Phân tích số liệu Báo cáo thường niên doanh nghiệp năm 2015, TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất - kinh doanh trong năm 2015 là 9.467 DN, giảm 0,4% so với năm trước.

Trong đó, số DN có quy mô nhỏ, vốn điều lệ đăng ký dưới 10 tỷ đồng chiếm tới 93,8%. Ngành có số lượng DN giải thể nhiều nhất trong năm 2015 là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 3.758 DN, chiếm 39,7% tổng số DN giải thể.

Tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (với 1.212 DN giải thể, chiếm 12,8%), ngành xây dựng (1.071 DN, chiếm 11,3%). Tuy nhiên, đây lại là 3 trong số 12 ngành có số DN giải thể giảm so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, theo VCCI, 5 ngành có số DN giải thể tăng trong năm 2015 là thông tin và truyền thông (tăng 104,3% so với năm 2014); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 77,8%); sản xuất phân phối, điện, nước, gas (tăng 28,3%); giáo dục - đào tạo (tăng 21%); khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác tăng 12,2%.

Cũng theo Báo cáo của VCCI, số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động năm 2015 là 71.391 DN, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 15.649 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 55.742 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký.

Số DN ngừng hoạt động tăng mạnh so với năm 2014, theo bà Hằng, cho thấy tình hình hoạt động của các DN vẫn còn nhiều khó khăn. Ba ngành có số lượng DN phải ngừng hoạt động tăng cao nhất là nghệ thuật, vui chơi và giải trí (150,5%), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (68,8%), nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (56,7%).

“Mặc dù trong năm 2015, cả nước có 21.506 DN quay trở lại hoạt động, tăng 39,5% so với năm trước, tình hình DN gia nhập thị trường năm 2015 cũng có sự cải thiện rõ rệt so với năm 2014, thể hiện sự nỗ lực của cộng đồng DN và tính hiệu quả của các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng tỷ lệ DN phải ngừng hoạt động tăng cao cho thấy các DN vẫn gặp nhiều khó khăn”, bà Hằng phân tích.

Bước sang quý I/2016, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất - kinh doanh tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước, 2.919 DN. Đặc biệt, số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong quý là 20.044 DN, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại, bởi con số này đã phản ánh dấu hiệu bất thường, cho thấy DN vẫn đang loay hoay trong vùng trũng suy giảm từ năm 2015.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, con số DN “chết lâm sàng” lớn một cách bất thường này trong quý I/2016 là do DN phải chịu rất nhiều mức chi phí quá cao vượt khả năng chịu đựng.

“DN đang phải chịu lãi suất 8 - 9%/năm, thậm chí là cao hơn. Bên cạnh đó, nhiều DN đang phải chịu các khoản thu bổ sung, thu hải quan cùng các khoản chi phí không chính thức khá cao. Điều này dẫn đến rất nhiều DN phải làm thủ tục đóng cửa. Các DN khác tuy chưa đóng cửa nhưng gặp khó khăn lớn. Trong bối cảnh phải cạnh tranh trực diện với AEC, đây là tín hiệu nhắc nhở chúng ta phải nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Lê Đăng Doanh phân tích.

GS. TSKH. Lê Du Phong, Nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân lại đặc biệt lưu ý tới sức khỏe giảm sút của các DN lớn gần đây.

“Bên cạnh cái chết của DN nhỏ thì một số DN quy mô lớn cũng đang gặp phải vấn đề khá nghiêm trọng như trường hợp Hoàng Anh Gia Lai, nợ tới gần 27.100 tỷ đồng, nhiều tài sản của Tập đoàn đã phải đem cầm cố ngân hàng”, ông Lê Du Phong dẫn chứng.

Trước tình hình khó khăn của các DN, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần nhìn nhận vấn đề một cách cụ thể, rõ ràng để có những giải pháp hiệu quả. Bởi nếu tình hình này kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.       

Tin bài liên quan