Điều này cho thấy việc giải quyết tranh chấp được các doanh nghiệp lựa chọn trọng tài như một giải pháp mang tính khả thi đang ngày càng trở thành xu thế chung tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Trọng tài Thương mại - Tăng thêm tự tin cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài" do Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức sáng 11/5.
Theo số liệu được ông Phan Trọng Đạt, Phó tổng Thư ký VIACđưa ra tại Hội thảo, ước tính, đã có khoảng 40% các doanh nghiệp FDI lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thay thế cho tòa án.
Trong số các vụ tranh chấp được xửa lý bởi trọng tài tại VIAC, khoảng 24% số vụ tranh chấp được giải quyết tại VIAC có sự tham gia của ít nhất một bên trong tranh chấp là doanh nghiệp FDI.
Trong số các tranh chấp này, 32% thuộc lĩnh vực mua bán hàng hóa, 24% thuộc lĩnh vực xây dựng, 20% thuộc lĩnh vực Leasing.
“Phân tích xu hướng sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp của nhóm doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cho thấy, có nhiều lý do khiến doanh nghiệp FDI không muốn sử dụng thủ tục tố tụng tại tóa án để giải quyết tranh chấp, như năng lực cán bộ tòa chưa đáp ứng được yêu cầu khi giải quyết tranh chấp phức tạp, các phán quyết của tòa chưa công bằng, thời gian giải quyết tranh chấp lâu, kéo dài, phát sinh chi phí cho doanh nghiệp… Do đó, ngày càng nhiều các doanh nghiệp FDI lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thay thế cho tòa án”, ông Đạt lý giải.
Một lý do nữa được các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp tăng lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp là do tỷ lệ các vụ trọng tài tiến hành bằng ngoại ngữ (chủ yếu tiếng Anh) tại VIAC luôn ở mức trên 50% thông dụng theo thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, với việc ra mắt phiên bản 2017 của bộ quy tắc tố tụng trọng tài cho phép gộp vụ tranh chấp hoặc yêu cầu khởi kiện và thủ tục rút gọn giúp giảm thời gian, chi phí các thủ tục tố tụng trọng tài và tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho doanh nghiệp.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam hiện nay được coi là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong khu vực và thế giới. Một trong những động lực lớn đóng góp vào sự tăng trưởng đó là hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể là nhóm doanh nghiệp FDI.
FDI là một bộ phận cấu thành quan trọng và là động lực tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam.
Tuy vậy, các dòng vốn đầu tư nước ngoài, các dòng chảy thương mại xuyên biên giới luôn rất “nhạy cảm” và luôn chuyển dịch phụ thuộc vào các yếu tố tại điểm đến đầu tư.
Mặt khác, theo ông Kevin Kim, Phó chủ tịch Tòa án trọng tài (ICC), Việt Nam là quốc gia đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đời sống kinh tế cùng các giao dịch kinh doanh ngày càng sôi động, nên xu hướng xảy ra các tranh chấp trong kinh tế ngày càng nhiều hơn.
Bản thân VIAC cũng đã nỗ lực để trở thành địa chỉ giải quyết tranh chấp đáng tin cậy, giúp các doanh nghiệp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, an tâm bỏ vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
“Đây là điều ICC đánh giá rất cao và xác định Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng. Tới đây, ICC sẽ có những định hướng hỗ trợ VIAC hơn nữa trong việc thúc đẩy hòa giải trọng tài nhằm góp phần tạo môi trường đầu tư an toàn, từ đó thúc đẩy thu hút thành công hơn nữa dòng vốn FDI vào Việt Nam”, ông Kim nhấn mạnh.
Đại diện ICC cũng khuyến nghị, để tăng cường thu hút hơn nữa dòng vốn FDI, Chính phủ Việt Nam cần quyết tâm đạt được mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, đầu tư và kinh doanh.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, tiếp tục minh bạch hóa hệ thống pháp luật, đảm bảo tính sẵn có và hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp, đảm bảo quyền được tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, đảm bảo hiệu lực thi hành của các bản án và phán quyết trọng tài.