Doanh nghiệp có đội ngũ IT mạnh, nhưng vẫn cần người nước ngoài kích hoạt ý tưởng

Doanh nghiệp có đội ngũ IT mạnh, nhưng vẫn cần người nước ngoài kích hoạt ý tưởng

(ĐTCK) Sự phát triển của công nghệ thông tin đang mang lại rất tiện ích cho doanh nghiệp, thay đổi cách thức hoạt động của các doanh nghiệp, dự báo 30 - 40% tăng trưởng trong giai đoạn 2015-2019 là nhờ các giải pháp trên cơ sở nhận thức. 

Nhưng vấn đề nóng đặt ra với doanh nghiệp Việt là phải tăng cường quản trị rủi ro từ lỗ hổng an ninh mạng.

Câu chuyện bảo mật thông tin được đặt ra tại Hội thảo “Những xu thế công nghệ thông tin tào cầu - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp”, do Hội Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (IAECW), IBM và EY Việt Nam phối hợp tổ chức, khi vụ rò rỉ hồ sơ Panama vẫn đang nóng hổi trên dòng thời sự.

Theo các chuyên gia, sự phát triển của công nghệ đám mây đang tạo ra sự thay đổi lớn với thế giới khi thông tin được lưu trữ nhiều hơn, độ chia sẻ cao hơn, nhưng rủi ro an ninh thông tin cũng gia tăng.

Dẫn ra số liệu thống kê Việt Nam đứng thứ bảy châu Á về số người sử dụng Internet, với số người sử dụng Internet của Việt Nam chiếm 35% dân số, ông Henri Hoàng, Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ tư vấn an toàn bảo mật thông tin, EY Việt Nam cho rằng, người Việt Nam rất yêu thích công nghệ và đây là thuận lợi lớn để các doanh nghiệp phát triển thương hiệu và khai thác thương mại điện tử.

Và thực tế, có tới 50% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng thương mại điện tử và 100% công ty sử dụng Internet vào các hoạt động kinh doanh.

Các doanh nghiệp Việt rất thiếu các nguồn lực có kỹ năng về an toàn bảo mật thông tin. Nhiều doanh nghiệp trong nước dù đã có đội ngũ chuyên gia IT, nhưng vẫn cần đến chuyên gia nước ngoài ngồi cùng để kích hoạt những ý tưởng mới. 

Tuy nhiên, ông Henri Hoang lại dẫn ra một số liệu thống kê, kiến thức về bảo mật thông tin của Việt Nam hiện đang đứng cuối bảng trong châu lục. Khảo sát của EY Việt Nam cho thấy, 54% tổ chức hiện không cử riêng chuyên gia về an toàn thông tin, tập trung vào công nghệ mới và ảnh hưởng của nó; 36% người được hỏi cho rằng họ có khả năng phát hiện một số vụ tấn công phức tạp.

“Nhiều khách hàng cho rằng họ hoàn toàn không bị hack thông tin, chẳng qua là họ chưa biết. Các doanh nghiệp Việt chỉ quan tâm đến đầu tư cho nhà xưởng, máy móc, nhân công, trong khi chi phí cho an ninh mạng không lớn lại không được quan tâm. Chỉ đến khi họ bị tấn công và chịu thiệt hại thì mới nhận ra việc vận hành an toàn hệ thống công nghệ thông tin là cần thiết. Đã đến lúc, doanh nghiệp Việt phải thay đổi cách nghĩ, cách làm về bảo mật thông tin, về an ninh mạng. Cần phải lồng ghép quản lý rủi ro với an toàn an ninh mạng”, ông Henri Hoang nói.

Việc lơ là với bảo mật thông tin của doanh nghiệp Việt, cũng được bà Đặng Mai Trang, Trưởng đại diện ICAEW tại Việt Nam ví với câu chuyện người Việt Nam rất thích điện thoại thông minh, sẵn sàng bỏ ra hai chục triệu đồng để sở hữu một chiếc Iphone, nhưng hầu hết trong số họ lại giao việc cài đặt cho nhân viên bán hàng và nhân viên bán hàng rất dễ kiểm soát các thông tin cá nhân của khách. Sẽ là rất rủi ro nếu nhân viên bán hàng sử dụng những thông tin cá nhân đó vào mục đích xấu.

Ông Miah Keng Ang, Giám đốc chuyên môn IBM Việt Nam thẳng thắn đưa ra nhận xét, ngày nay, khoảng cách về công nghệ thông tin của Việt Nam không còn nhiều so với thế giới, “nhưng kinh tế tri thức thì rõ ràng là còn nhiều khoảng cách”.

Theo ông Miah, các doanh nghiệp Việt rất thiếu các nguồn lực có kỹ năng về an toàn bảo mật thông tin. Nhiều doanh nghiệp trong nước dù đã có đội ngũ chuyên gia IT, nhưng vẫn cần đến chuyên gia nước ngoài ngồi cùng để kích hoạt những ý tưởng mới.

“Việc bảo mật thông tin không thể nói là quy mô nhỏ thì chưa áp dụng. Bởi đó chính là giải pháp để đảm bảo sự an toàn cho hoạt động của doanh nghiệp”, ông Miah nhấn mạnh.

Tin bài liên quan