Tổng diện tích cà phê cần thay thế và chuyển đổi trong 5 năm tới khoảng 140.000 – 160.000 ha, chiếm 25% tổng diện tích trên toàn quốc trong đó có khoảng 120.000 ha cà phê cần tái canh gấp tại khu vực Tây Nguyên

Tổng diện tích cà phê cần thay thế và chuyển đổi trong 5 năm tới khoảng 140.000 – 160.000 ha, chiếm 25% tổng diện tích trên toàn quốc trong đó có khoảng 120.000 ha cà phê cần tái canh gấp tại khu vực Tây Nguyên

Doanh nghiệp Cà phê sợ bị doanh nghiệp FDI chiếm thị phần

Tổng hợp kiến nghị của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp gửi lên Chính phủ của VCCI vừa qua cho thấy, các doanh nghiệp cà phê trong nước đang lo ngại sẽ bị doanh nghiệp FDI chiếm thị phần XK.
Theo các cam kết quốc tế FTA mà Việt Nam ký kết, các tập đoàn FDI được thành lập doanh nghiệp chế biến, thu mua và XK cà phê nhân.

Nguy cơ thao túng thị trường

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao VN (Vicofa), trong khi, lãi xuất tối đa của các doanh nghiệp FDI chỉ 3%/năm thì doanh nghiệp nội dù được ưu đãi cũng phải chịu lãi suất bằng tiền Việt Nam từ 6,5 – 7%/năm. Như vậy các doanh nghiệp VN sẽ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà và sẽ bị các doanh nghiệp FDI chiếm thị phần xuất khẩu chi phối và quay lại ép giá nông dân như họ đã và đang làm hiện nay.

Các doanh nghiệp cà phê kiến nghị, Chính phủ đẩy nhanh việc thành lập Quỹ phát triển cà phê VN nhằm hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cà phê như các nước Brasil, Colombia, Ấn Độ đang làm. Thực tế, việc thành lập Quỹ phát triển cà phê VN đã được xúc tiến từ đầu năm 2016. Dự kiến, Quỹ này sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm 2017. Dự kiến năm 2017, mức thu để gây quỹ sẽ là 2 USD/tấn cà phê xuất khẩu.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, Quỹ này sẽ khó có thể đáp ứng ngay vấn đề vốn cho DN. Cùng với đó, mức lãi suất 6,5 – 7%/năm nếu so với 3%USD/năm cũng không quá chênh lệch. Bởi vì, so với mức lạm phát khoảng 5%/năm của tiền VN đồng thì lãi suất trên cũng là hợp lý. Do đó, những hỗ trợ từ các chính sách tài chính cho DN cà phê có tính khả thi không cao.

Tái canh cà phê cũng ì ạch vì thiếu vốn

Nhằm giúp cho ngành cà phê phát triển bền vững, ổn định đời sống đồng bào Tây Nguyên, Vicofa kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước có chính sách giãn nợ, xóa nợ đối với các hộ nông dân và DN thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê có nợ quá hạn do bị ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, khô hạn và mất mùa gây nên.

Trả lời kiến nghị trên, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, họ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về việc giãn nợ, xóa nợ đối với các hộ nông dân và doanh nghiệp cà phê có nợ quá hạn do bị ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino, khô hạn và mất mùa. Trường hợp thiên tai xảy ra trên phạm vi rộng, căn cứ báo cáo và đề nghị của UBND tỉnh, thành phố, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét cho phép TCTD được khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại trong thời gian tối đa 2 năm đối với khách hàng.

Tuy vậy, giải thích này vẫn chưa thỏa mãn được lo ngại của nhiều doanh nghiệp và hộ nông dân. Bởi vì, chính sách được ban hành từ năm 2015 trong khi đó, năm 2016 hiện tượng El Nino, khô hạn và mất mùa tại Tây Nguyên còn xảy ra nghiêm trọng hơn nhiều.

Theo Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) ông Lê Văn Đức, kinh phí để tái canh mỗi ha cà phê mất 120 – 150 triệu đồng. Như vậy, nhẩm tính muốn tái canh tất cả diên tích cà phê trên tốn khoảng gần 200.000 tỷ đồng.

Nhưng hiện gói cho vay 120.000 tỷ đồng lãi suất hỗ trợ 6,5%/năm mặc dù được triển khai từ tháng 6/2013 nhưng đến nay, mới chỉ có vài chi nhánh Agribank ở các tỉnh ký hợp đồng và giải ngân cho vay tái canh cà phê được vài trăm tỷ đồng. Nguyên nhân là do nông dân rất khó đáp ứng đủ các yêu cầu để được vay vốn…

Ông Nguyễn Nam Hải – Phó chủ tịch Vicofa:
Những năm gần đây các DN lớn nước ngoài đã chiếm lĩnh phần lớn thị phần thu mua nguyên liệu. Bởi vì, họ tận dụng được nguồn vốn rẻ do vay được ở các ngân hàng nước ngoài rồi chuyển đổi thành VN đồng để mua nguyên liệu trong nước. Do đó, các DN trong nước nếu không được vay USD rồi đổi sang VN đồng để tiết giảm chi phí lãi suất thì không thể cạnh tranh.

Ông Nguyễn Viết Vinh – Tổng thư kí Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam:
Hiệp hội đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vay vốn ngoại tệ theo đúng tinh thần chỉ đạo NQ35 của Chính phủ. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận kiến nghị của Vicofa.

Đại diện Công ty cà phê 706 (TCty Cà phê Việt Nam):
Tại công ty, trong khoảng 700 ha cà phê của đơn vị, có tới 300 ha cà phê đã “lão hóa” và để có thể tái canh sớm, công ty đã vay vốn thương mại với lãi suất cao… Điều này sẽ khiến DN khó có thể cạnh tranh với DN FDI.

Tin bài liên quan