Hướng ra các địa phương đang là lựa chọn đầu tư của nhiều doanh nghiệp

Hướng ra các địa phương đang là lựa chọn đầu tư của nhiều doanh nghiệp

DN niêm yết đẩy mạnh thay đổi địa bàn đầu tư

(ĐTCK) Ba năm trở về trước, nói đến dự án mới của các DN niêm yết, người ta sẽ nghĩ ngay đến các khu vực tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM. Thế nhưng, trong những năm gần đây, các dự án ở địa phương đang dần chiếm vị trí áp đảo. Tìm kiếm các “đại dương xanh” cho chính mình là hướng đi mới các DN niêm yết thực hiện.

Câu chuyện FLC

Ngày 22/9/2015, CTCP Tập đoàn FLC (FLC) tổ chức Lễ động thổ dự án Khu công nghiệp FLC Hoàng Long quy mô 286 héc-ta, tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng tại Thanh Hóa. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, FLC Hoàng Long là khu công nghiệp đa ngành, như viễn thông, phần mềm, lắp ráp công nghệ cao, sản xuất đồ công nghiệp tiêu dùng, may mặc, giày da…, hướng tới các dự án thân thiện với môi trường.

Như đánh giá của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ khởi công dự án, đây là một định hướng đúng đắn, đó là tận dụng địa thế, nhân lực, môi trường kinh doanh để hình thành nên một khu công nghiệp mới cho tỉnh Thanh Hóa và cho cả chủ đầu tư.

Đây không phải là dự án đầu tiên của FLC tại Thanh Hóa. Tính đến nay, với quần thể dự án FLC Sầm Sơn, các dự án về bất động sản nhà ở, bất động sản khu công nghiệp, dự án nông trường…, tổng mức đầu tư dự kiến của FLC tại tỉnh này lên tới 15.000 tỷ đồng.

Ngoài các dự án tại Hà Nội - nơi Tập đoàn đặt trụ sở chính, trong gần 2 năm nay, danh mục các dự án của FLC tại các tỉnh, thành phố khác đã ngày một kéo dài. Bên cạnh Thanh Hóa, địa bàn triển khai dự án của FLC cũng được trải rộng ra nhiều địa phương khác như: Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Bình, Vĩnh Phúc…, với tổng mức đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. 

Đến câu chuyện các ông lớn trên sàn

Đảo ngọc Phú Quốc thời gian gần đây là địa chỉ được rất nhiều DN niêm yết ngành bất động sản lựa chọn, trong đó có thể kể tới Vingroup (VIC), Địa ốc Long Điền (LDG), Fecon (FCN), Đầu tư Căn nhà mơ ước (DRH), Viễn Liên (UNI)…

Bên cạnh đó, trên thị trường cũng xuất hiện ngày một nhiều các dự án bất động sản tại khu vực lân cận các trung tâm kinh tế lớn như dự án tại Hà Nam, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An…

Tất nhiên, điều đáng chú ý là chủ đầu tư các DN này đều có trụ sở tại Hà Nội, TP. HCM. Điều này cho thấy một xu hướng, thay vì đầu tư vào thị trường bất động sản tại nơi đang kinh doanh hiện hữu với mức cạnh tranh ngày một lớn, quỹ đất giảm, DN mở rộng cơ hội cho mình bằng khai phá các thị trường mới ở các địa phương.

Ngoài lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực nông nghiệp cũng được các ông lớn chú ý, với địa bàn đầu tư tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, chú trọng vào lĩnh vực nuôi bò, trồng rau sạch…

Ngày 10/8/2015, Vinamilk khởi công xây dựng tổ hợp trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Vinamilk tại thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định (Thanh Hóa) có quy mô vốn đầu tư ban đầu 1.600 tỷ đồng, tổng diện tích 2.500 héc-ta; trong đó có 147 héc-ta để xây dựng trang trại, 1.600 héc-ta để phát triển nguyên liệu thức ăn thô xanh cho đàn bò.

Trước đó, cả Vingroup và FLC đều tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại 2 nông trường của Thanh Hóa. Cụ thể, Vingroup được chấp nhận đầu tư vào nông trường Sông Âm quy mô hơn 1.000 héc-ta; FLC được chấp nhận đầu tư vào nông trường Lam Sơn quy mô 1.300 héc-ta.

Trong khi đó, một đại gia đang chuyển dịch mạnh cơ cấu sang đầu tư nông nghiệp cũng đã triển khai dự án nuôi bò tại nhiều địa phương như: Gia Lai, Bình Định, Hà Tĩnh là Hoàng Anh Gia Lai (HAG)…

Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh ngày một lớn, môi trường kinh doanh thay đổi với tốc độ nhanh hơn, có nhiều sức ép cạnh tranh hơn, thì việc tìm hướng đi mới, trong đó không chỉ có địa bàn triển khai dự án, mà cả những hướng kinh doanh khác là cách mà nhiều DN niêm yết đang lựa chọn.

Thay vì tập trung nguồn lực vào các thành phố lớn với những ngành nghề truyền thống, việc hướng ra các địa phương, với ưu đãi lớn hơn về thuế, chi phí mặt bằng thấp hơn, áp lực cạnh tranh thấp hơn, hoặc để đáp ứng đòi hỏi về quy mô quỹ đất lớn đối với các dự án nông nghiệp, đang là lựa chọn của nhiều DN.

Hiệu quả kinh doanh của các dự án này cần có thời gian để xem xét, nhưng điều dễ nhận thấy nhất chính là những hiệu quả về mặt xã hội mà các DN mang lại cho địa phương, đặc biệt vấn đề tạo công việc cho người lao động.    

Tin bài liên quan