DN lo lợi nhuận quý II  trước diễn biến giá điện và xăng dầu tăng

DN lo lợi nhuận quý II trước diễn biến giá điện và xăng dầu tăng

(ĐTCK) Chưa kịp trở tay với đợt điều chỉnh tăng giá điện vào giữa tháng 3/2015, DN lại đối mặt với các đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp với biên độ lớn trong tháng 5. Hầu hết DN đều cho biết, đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh khi chi phí đầu vào tăng và điều này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến doanh thu lợi nhuận trong quý II.

Theo ông Đặng Quốc Huy, Phó tổng giám đốc CTCP Quốc tế Sơn Hà, chi phí điện và xăng dầu chiếm khoảng 7 - 10% giá thành của sản phẩm. Do đó, việc tăng giá của những mặt hàng này vừa qua đã tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, cũng như làm ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của DN. Không chỉ vậy, giá xăng dầu điều chỉnh với biên độ rất lớn chỉ trong vòng một tháng khiến DN hầu như không kịp trở tay.

“Ngay tức thời DN không thể tăng giá bán sản phẩm nên phải chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc cắt bỏ một số chi phí khác để bù vào mức tăng chi phí, tương đương 3 - 5% giá thành sản phẩm. Trong quý I, Sơn Hà đạt gần 20 tỷ đồng lợi nhuận, nhưng việc tăng giá điện, giá xăng, ước tính sẽ làm giảm lợi nhuận quý II khoảng 25%”, ông Huy nói và cho biết, hiện chi phí điện của một nhà máy của Công ty chiếm khoảng 12% tổng chi phí điện của cả huyện (nơi đặt nhà máy). Trong thời gian tới, khi Công ty đưa thêm 2 phân xưởng mới vào hoạt động, chi phí điện sẽ lên tới 16% tiền điện của cả huyện.

Nhận định về tác động của việc tăng các chi phí đầu vào đối với kế hoạch sản xuất - kinh doanh cả năm, ông Huy cho rằng, trong dài hạn, DN sẽ phải theo dõi tình hình thị trường, theo dõi sản phẩm tương đương, để có những điều chỉnh phù hợp và kịp thời.

“Tất nhiên không thể giữ nguyên giá được nếu chi phí đầu vào tăng. DN hoàn toàn không muốn tăng giá bán sản phẩm vì sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, song nếu chi phí đầu vào tiếp tục tăng thì cũng phải tính đến biện pháp cuối cùng này. Giá xăng dầu trồi sụt lên xuống cũng gây khó khăn rất nhiều cho DN.

Trước mắt, trong quý II, Sơn Hà chưa có chủ trương giảm chỉ tiêu kinh doanh dù lợi nhuận chắc chắn giảm. Mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm nay là 15%, thấp hơn so với mục tiêu bình quân trước đây là 20%/năm, để phù hợp với tình hình kinh tế chung hiện nay cũng như năng lực của DN và đảm bảo phát triển bền vững”, ông Huy nói.

Cùng trong lĩnh vực sản xuất hàng gia dụng, Tập đoàn Kangaroo cũng không thoát khỏi tình trạng giảm doanh thu và lợi nhuận do chi phí đầu vào tăng. Ông Phạm Phú Trường, Giám đốc kinh doanh toàn quốc ngành hàng năng lượng của Kangaroo cho biết, tính trung bình chi phí tiêu thụ điện năng, xăng dầu hàng tháng chiếm từ 5 - 7% giá thành sản phẩm của Tập đoàn.

Với mức tiêu thụ này, ước tính số tiền phải trả cho việc tiêu thụ điện và xăng dầu phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh hàng tháng vào khoảng 5 - 7 tỷ đồng và con số này đã tăng chóng mặt từ khi tăng giá điện, nhất là từ hai đợt điều chỉnh giá xăng dầu mới đây.

Theo ông Trường, với việc giá điện và giá xăng điều chỉnh tăng vừa qua, giá thành sản xuất của Tập đoàn đã tăng đến 3 - 5%, do ngoài sản xuất, Kangaroo còn có hệ thống xe phân phối trên toàn quốc, nên khi giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo chi phí vận tải tăng rất mạnh, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận và doanh thu của Tập đoàn.

Cụ thể, theo thống kê, lợi nhuận tháng 3 của toàn Tập đoàn đã giảm 2 - 3% so với cùng kỳ năm ngoái dù doanh thu vẫn đang tăng theo từng tháng. Trong đó, tỷ suất lợi nhuận cũng không đạt so với kỳ vọng đặt ra ngay từ kỳ tài chính đầu năm.

“Theo kế hoạch đặt ra từ đầu năm, năm nay, Tập đoàn phấn đấu đạt mức tăng trưởng doanh thu 150% và tăng lợi nhuận tương ứng, song với tình hình điều chỉnh giá xăng dầu liên tục với biên độ lớn như hiện nay, thì tính đến quý II, dự kiến mức lợi nhuận giảm dù doanh thu có tăng do chi phí đầu vào tăng”, ông Trường lo ngại.

Không riêng Sơn Hà hay Kangaroo, chia sẻ của nhiều DN đều cho thấy, họ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ diễn biến tăng giá điện, xăng dầu, đẩy chi phí lên cao. Giải pháp tình thế là cắt giảm chi phí không cần thiết, sử dụng máy móc tiết kiệm hơn. Giải pháp cắt giảm nhân công cũng không phải không được tính đến dù đây là biện pháp “cực chẳng đã”.

Về dài hạn, các DN đã đề xuất lên các hiệp hội ngành hàng kiến nghị cơ quan quản lý cần có biện pháp để duy trì ổn định giá điện, xăng dầu trong một khoảng thời gian tương đối dài, tránh tình trạng điều chỉnh giá liên tục với biên độ quá cao như hiện nay, khiến DN không kịp trở tay.

Bên cạnh đó, ông Huy cho rằng, ở vai trò kiến tạo và hỗ trợ, Nhà nước cần có đánh giá một số dự án đáp ứng về tiêu chuẩn khoa học công nghệ, từ đó tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích cho DN như giảm chi phí thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế VAT, để hỗ trợ tăng thêm nguồn lực cho DN trực tiếp đầu tư thêm máy móc công nghệ mới, giảm bớt chi phí tiêu thụ năng lượng.

“Lợi nhuận của mỗi sản phẩm giảm khoảng 30%”

Ông Nguyễn Trung Bình , Giám đốc Công ty TNHH SX TM Hoàng Thanh

Việc tăng giá dồn dập các mặt hàng thiết yếu như điện, gas, xăng dầu từ đầu năm đến nay đã khiến sản xuất của doanh nghiệp bị đảo lộn và chịu ảnh hưởng lớn. Chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên do hầu hết nguồn nguyên liệu đều biến động theo hướng tăng.

Trong khi đó, lợi nhuận của mỗi sản phẩm giảm khoảng 30%. Đáng lo ngại nhất là đầu ra của sản phẩm rất khó khăn do sức mua vẫn chưa cải thiện nhiều. Hiện nay, chúng tôi chỉ sản xuất cầm chừng, cắt giảm bớt nhân công, siết lại toàn bộ chi phí. Nếu sắp tới, giá cả tiếp tục tăng, doanh nghiệp buộc phải chấp nhận lãi ít hoặc thậm chí không có lãi để giữ khách hàng, hoặc buộc phải chuyển hướng kinh doanh khác để giảm lỗ.

“Việc tăng giá điện tác động rất mạnh đến hoạt động sản xuất”

Đại diện CTCP Xuất nhập khẩu Bắc Giang 

Giá điện tăng bình quân 7,5% nhưng thực tế đối với các DN tiêu thụ điện năng lớn thì mức tăng có thể lên tới 10%, thậm chí lên tới 12 - 15% tùy theo khung giờ. Do đó, tuy nói là giá điện tăng không nhiều song thực tế việc tăng giá điện tác động rất mạnh đến hoạt động sản xuất, đặc biệt đối với những DN sử dụng sản lượng điện lớn.

Ví dụ đối với Nhà máy giấy trực thuộc Công ty Xuất nhập khẩu Bắc Giang, trước đây, trung bình mỗi tháng chi phí điện khoảng 3,1 tỷ đồng, thì nay chi phí điện tăng thêm khoảng 300 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, phần lớn khách hàng đối tác của Công ty là các DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh ở phía Nam nên chi phí vận chuyển là rất lớn. Giá xăng, dầu tăng liên tục với biên độ lớn như vậy khiến DN phải trả thêm vài chục triệu đồng mỗi tháng cho chi phí xăng dầu.

Hiện nay, tính theo cơ cấu đầu vào, giá điện chiếm khoảng 7% giá thành sản phẩm, cộng với chi phí vận chuyển tăng nên giá thành sản phẩm đã tăng thêm khoảng 10%. Tuy nhiên, giá thành tăng nhiều như vậy song chúng tôi chưa có kế hoạch tăng giá trước mắt, vì tăng giá sản phẩm chắc chắn sẽ giảm doanh số bán hàng, giảm doanh thu, kéo theo giảm lợi nhuận, tăng chi phí tồn kho.

Vì vậy, biện pháp trước mắt là tìm mọi cách cắt giảm chi phí để bù đắp phần nào mức tăng, song về dài hạn, nếu cứ tăng như này, DN sẽ vô cùng khó khăn và buộc phải tính đến điều chỉnh giá.

Tin bài liên quan