Các mặt hàng thủy sản chịu nhiều quy định chặt chẽ về xuất xứ và vệ sinh an toàn thực phẩm

Các mặt hàng thủy sản chịu nhiều quy định chặt chẽ về xuất xứ và vệ sinh an toàn thực phẩm

DN làm gì để tận dụng cơ hội từ FTA Việt Nam - EAEU?

(ĐTCK) Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu (FTA Việt Nam - EAEU) vừa ký kết được đánh giá sẽ mang lại cơ hội lớn cho DN Việt Nam trong việc tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường rộng lớn với gần 180 triệu dân này. Tuy nhiên, những quy định khắt khe và khác biệt về an toàn thực phẩm, kiểm dịch và quy tắc xuất xứ sẽ là những rào cản lớn mà các DN cần nắm bắt và vượt qua để tận dụng những cơ hội mang lại từ Hiệp định.

Hệ thống quy định khác biệt

Tại Tọa đàm "FTA Việt Nam - EAEU: Để doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, ông Dương Hoàng Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - Bộ Công thương cho biết, sau khi Hiệp định được 2 bên phê chuẩn và có hiệu lực sẽ tạo cơ hội lớn cho các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là đối với các mặt hàng có tiềm năng của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản... khi được cắt giảm thuế ngay tới gần 90%, trong đó có những dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn.

Tuy nhiên, theo ông Minh, các DN phải nghiên cứu kỹ các nội dung cụ thể của Hiệp định, nhất là đối với ngành thủy sản, cần nghiên cứu kỹ các quy định về quy tắc xuất xứ, các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, kiểm dịch, để có thể tận dụng các ưu đãi về thuế cũng như vượt qua được các hàng rào kỹ thuật, đẩy mạnh xuất khẩu và khai thác tốt các cơ hội mà Hiệp định mang lại.

“Hệ thống quy định và quy trình kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm, kiểm dịch của Nga và các nước trong EAEU rất chặt chẽ và có nhiều khác biệt so với các thị trường xuất khẩu khác do kế thừa hệ thống quy chuẩn của Liên Xô cũ.

Mặt khác, các quy định này lại chưa có sự minh bạch rõ ràng nên dù Việt Nam đã xuất khẩu được hàng hóa vào các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, song thực tế rất nhiều DN Việt chưa xuất khẩu được vào Nga do chưa nắm bắt và đáp ứng được các quy chuẩn riêng biệt của họ”, ông Minh nói. 

Cơ hội và thách thức cho DN xuất khẩu nông lâm thủy sản, thép

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), với những lợi thế về thuế (thuế hàm lượng nội địa, thuế suất nguồn gốc) mà FTA EAEU mang lại cùng sức tiêu thụ đặc biệt lớn của khu vực đang mở ra nhiều cơ hội cho DN xuất khẩu vào thị trường đầy tiềm năng này.

Tuy nhiên, thách thức cũng rất lớn bởi đây không những là thị trường “khó tính” khi đưa ra những quy định rất chặt chẽ, khác biệt, mà những yêu cầu kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch thiếu sự minh bạch. Để tận dụng được cơ hội từ Hiệp định, các DN cần nắm bắt rõ các quy định của EAEU.

“Hầu hết các mặt hàng thủy sản được hưởng quy tắc xuất xứ linh hoạt, song nguyên liệu chế biến nhất thiết phải có nguồn gốc nội địa. Riêng đối với mặt hàng tôm và cá ngừ, do phụ thuộc nhập khẩu nên EAEU cho phép sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và chế biến, nhưng vẫn phải đáp ứng yêu cầu hàm lượng nội địa từ 40% trở lên”, ông Minh nói và lưu ý các DN, theo quy định của EAEU, lô hàng xuất khẩu không được quá cảnh qua nước thứ ba, cũng không được chia nhỏ lô hàng.

Các DN có thể được phép sử dụng nguyên phụ liệu từ nước có tham gia Hiệp định, hoặc một số nước theo quy định của EAEU cũng sẽ được miễn thuế.

Ngoài ra, theo quy định của EAEU, đối với quốc gia có hệ thống chứng nhận tương đương với hệ thống của khu vực sẽ được chấp nhận, theo đó, DN được cơ quan quản lý nhà nước xác nhận đủ điều kiện xuất khẩu thì phía bạn sẽ chấp nhận DN đó.

Trong thời gian tới, EAEU sẽ tiến hành kiểm tra hệ thống chứng nhận và kiểm dịch của Việt Nam để đưa ra kết luận cuối cùng và sẽ công nhận tương đương nếu đạt yêu cầu. Trước mặt, họ đã mời Cục Quản lý chất lượng hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang trao đổi tăng cường hợp tác trên lĩnh vực này. Đây là tín hiệu mừng đối với các DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, đối với ngành thép, lợi thế là Việt Nam có thể nhập khẩu những mặt hàng thép chất lượng cao mà trong nước chưa thể sản xuất với thuế suất 0%, đồng thời DN có thể học hỏi và nhận chuyển giao các công nghệ phát triển của khu vực này để áp dụng vào sản xuất.

Tuy nhiên, với quy mô nhỏ, DN thép Việt khó có thể cạnh tranh được với thép nhập khẩu có giá rẻ, chất lượng cao từ khu vực này, đặc biệt là đối với sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, tôn lạnh các loại.

“Ngành thép cần được Nhà nước hỗ trợ và tạo điều kiện nhiều hơn nữa, đầu tư xây dựng những nhà máy có quy mô lớn hơn, công nghệ hiện đại hơn để thực sự sẵn sàng hòa nhập với thị trường thế giới. Bên cạnh đó, bản thân DN cũng phải đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến để cho ra sản phẩm chất lượng cao hơn, năng suất hơn, giá thành hợp lý hơn”, ông Sưa kiến nghị.

Tin bài liên quan