Sau các đợt sụt giảm, thị trường phục hồi không đáng kể và tập trung vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn

Sau các đợt sụt giảm, thị trường phục hồi không đáng kể và tập trung vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn

Điều 14 Thông tư 36 dưới góc nhìn của một nhà đầu tư

(ĐTCK) TTCK có đợt tăng điểm nhẹ, nhưng Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các quy định siết vốn tín dụng ngân hàng vào TTCK vẫn ám ảnh nhiều NĐT. 

Để hiểu tâm trạng này, ĐTCK xin giới thiệu chia sẻ của một NĐT lớn, người say mê đầu tư chứng khoán, từng “cảm ơn TTCK Việt Nam”, nay đang đóng tài khoản, rời xa thị trường

Thông tư 36 được NHNN ban hành ngày 20/11/2014, có hiệu lực ngày 1/2/2015, kể từ đó đến nay, TTCK liên tiếp có những đợt sụt giảm. Tất nhiên, xen kẽ các đợt sụt giảm là những phiên phục hồi, nhưng mức độ phục hồi không đáng kể và tập trung vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Do đó, VN-Index giảm điểm không mạnh, nhưng nhiều cổ phiếu giảm giá 40 - 50%, thậm chí 100%. Hàng loạt NĐT thua lỗ, không ít người rời bỏ thị trường, khiến giá trị giao dịch sụt giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, giá nhiều cổ phiếu lao dốc, dù DN có kết quả kinh doanh khả quan.

Không chỉ cổ phiếu, thị trường trái phiếu cũng ảm đạm không kém. NĐT bán ra trái phiếu với mức chiết khấu tăng đáng kể, việc huy động vốn trên thị trường trái phiếu khó khăn hơn nhiều so với trước. Đây là điều nghịch lý, vì khi lãi suất huy động của ngân hàng có xu hướng giảm, thì việc phát hành trái phiếu sẽ dễ dàng hơn, hoặc NĐT phải mua lại trái phiếu với giá cao hơn, chứ không phải thấp hơn.

Các chuyên gia, các nhà phân tích cố gắng tìm hiểu nguyên nhân tại sao có nhiều tín hiệu tốt đến với TTCK như nền kinh tế phục hồi, GDP tăng, lạm phát ở mức thấp, hoạt động của DN được cải thiện, giá vàng và giá xăng giảm, lãi suất ngân hàng giảm…, mà chứng khoán lại rơi vào tình trạng chợ chiều.

Không ít ý kiến cho rằng, TTCK sụt giảm vì giá dầu thế giới giảm mạnh. Nhưng thực tế, nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ việc giá dầu thô giảm. Bởi lẽ, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều hơn xuất khẩu dầu thô.

Đáng chú ý, trong tất cả các nước xuất khẩu dầu lớn, trừ Nga do còn bị tác động từ lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu, không có nước nào chỉ số chứng khoán bị sụt giảm trong thời gian giá dầu lao dốc. Việc giá dầu thô hồi phục từ mức đáy 35 USD/thùng lên 60 USD/thùng như hiện nay hầu như không giúp VN-Index tăng điểm là bằng chứng cho thấy, giá dầu giảm không phải là nguyên nhân chính gây nên sự sụt giảm của chứng khoán Việt Nam.

Từ góc độ của NĐT đã có nhiều năm gắn bó với TTCK, tôi cho rằng, chính Thông tư 36 nêu trên mới là nguyên nhân chính gây nên sự sụt giảm của TTCK Việt Nam trong thời gian qua. Điều 14 Thông tư 36 quy định, các ngân hàng thương mại chỉ được cho vay 5% vốn điều lệ của mình cho mục đích kinh doanh cổ phiếu và trái phiếu, thay vì 20% như trước.

Rõ ràng, quy định này đã chặn lại đến 75% nguồn vốn mà các tổ chức, cá nhân có thể vay từ ngân hàng để đầu tư vào chứng khoán. Trong khi đó, trong kinh doanh chứng khoán nói riêng, hay trong hoạt động sản xuất - kinh doanh ở bất kỳ lĩnh vực nào, các NĐT thường sử dụng vốn lưu động là vốn vay ngân hàng, được đảm bảo bởi tài sản thế chấp là hàng hóa, bất động sản, cổ phiếu…

Như vậy, khi 75% dòng vốn vay từ ngân hàng bị cắt đi đột ngột, giá trị giao dịch chứng khoán sụt giảm là điều chắc chắn. Thêm vào đó, việc các tổ chức, cá nhân phải bán tháo cổ phiếu để đưa vốn vay ngân hàng về đúng quy định của Thông tư 36 khiến nhiều mã chứng khoán rơi tự do.

Có thể xem ví dụ tương tự từ TTCK Trung Quốc. Ngày 6/2/2015, khi nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố có thể hạn chế việc ngân hàng cho vay kinh doanh chứng khoán, ngay lập tức thị trường diễn ra tình trạng bán tháo cổ phiếu, do đó chỉ số Shanghai Composite có thời điểm giảm đến 12% và kết thúc phiên với mức sụt giảm 8,5% điểm số.

Ngay hôm sau, khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố chưa áp dụng sự hạn chế này, TTCK Trung Quốc hồi phục mạnh, tăng từ 3.300 điểm vào lúc đó lên 4.791 điểm hiện nay, đạt mức cao nhất kể từ năm 2008.

Không phủ nhận, Thông tư 36 về lâu dài khi được thực thi sẽ hạn chế rủi ro cho các ngân hàng, nhưng việc ban hành một cách đột ngột và áp dụng sau hơn 2 tháng đã làm đảo lộn mọi kế hoạch của NĐT, làm TTCK sụt giảm mạnh, gây thiệt hại lớn cho NĐT. Nhiều người vẫn đang oán trách Thông tư 36. Về việc NHNN đánh giá, cho vay đầu tư chứng khoán là quá rủi ro, cần hạn chế các ngân hàng cho vay, nhưng theo nhiều chuyên gia, cho vay kinh doanh chứng khoán có độ an toàn cao hơn nhiều so với các dạng tín dụng khác, vì cổ phiếu có tính thanh khoản cao nên dễ dàng giải chấp để thu hồi vốn, trong khi giá trị cho vay chỉ chiếm một phần nhỏ giá trị thế chấp.

Có thể nói, Thông tư 36 khiến TTCK rơi vào tình trạng ảm đạm và đi xuống, vốn hóa TTCK, vốn hóa DN niêm yết, giá trị tài sản của NĐT bị bốc hơi một cách oan ức. Điều này làm mất niềm tin của NĐT vào thị trường, không tạo điều kiện cho việc cổ phần hóa các DNNN, không giúp các DN niêm yết tăng vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh. Chính phủ và các bộ, ban, ngành, các cơ quan quản lý cần có những chính sách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho TTCK phát triển, tránh cho các NĐT phải đối mặt với những rủi ro không đáng có của chính sách.

Tin bài liên quan