ĐHCĐ trực tuyến sẽ được nhân rộng

(ĐTCK) Bà Nguyễn Thị Phương Chi, Giám đốc Tư vấn DN, CTCK FPT (FPTS) cho rằng, tổ chức ĐHCĐ trực tuyến sẽ trở nên phổ biến tại Việt Nam vì đây là thông lệ quản trị tốt trên thế giới. 
ĐHCĐ trực tuyến sẽ được nhân rộng

Tuy nhiên, ban lãnh đạo DN cần có sự thay đổi lớn về nhận thức trong ứng dụng công nghệ thông tin. 

Sau nhiều năm FPTS triển khai cung cấp giải pháp tổ chức ĐHCĐ trực tuyến cho các DN, theo bà, đâu là những khó khăn lớn nhất?

Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là quy định pháp lý chưa đầy đủ. Cụ thể, các thông tư của Bộ Tài chính khuyến khích DN thực hiện ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại trong quá trình tổ chức ĐHCĐ, song các văn bản khác lại quy định, cổ đông của DN sau khi bỏ phiếu biểu quyết trực tuyến về các nội dung của đại hội, phải in ra, ký tên và gửi phiếu biểu quyết về DN. Điều này khiến cổ đông của nhiều DN thấy phiền toái và không muốn thực hiện.

Ngoài ra, các văn bản pháp lý chưa tạo thuận lợi cho việc tổ chức ĐHCĐ trực tuyến, DN muốn thực hiện theo hình thức này phải sửa đổi điều lệ, quy chế quản trị DN, quy chế tổ chức đại hội…, khiến DN e ngại tốn kém chi phí và thời gian thực hiện sửa đổi. 

Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2014 có tạo ra những thay đổi gì liên quan đến việc này hay không?

Luật Doanh nghiệp 2014 có nhiều quy định mới rõ ràng hơn, tạo thuận lợi hơn cho DN trong việc tổ chức họp ĐHCĐ. Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định hình thức tham dự và biểu quyết tại cuộc họp ĐHCĐ: “thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác”. Như vậy, cổ đông của DN sau khi bỏ phiếu trực tuyến không cần in ra, ký tên và gửi phiếu biểu quyết về công ty như trước.

Đây được xem là một trong những thông lệ quản trị tốt đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Đơn cử, Sở GDCK Tokyo có hệ thống biểu quyết trực tuyến cho phép các nhà đầu tư trong và ngoài nước biểu quyết tại các công ty Nhật Bản. Hiện có trên 2.000 công ty niêm yết tham gia hệ thống này. Tại Ấn Độ, Top 500 công ty niêm yết tại Sở GDCK Bombay và Sở GDCK Quốc gia Ấn Độ phải thực hiện bỏ phiếu điện tử… 

Song song với việc bỏ phiếu điện tử, tại Việt Nam có giải pháp nào để cổ đông của các DN có thể theo dõi trực tiếp diễn biến đại hội và tham gia đặt câu hỏi, bỏ phiếu theo thời gian thực?

Theo tôi được biết thì chưa có, nhưng tôi tin rằng, trên thị trường sẽ có những giải pháp như vậy để cung cấp cho DN. Mùa đại hội năm nay, trên cổng EZ Search của FPTS, chúng tôi dự kiến tổ chức kênh đối thoại của DN để đưa thông tin diễn biến đại hội một cách trực tiếp, từ đó nhà đầu tư, cổ đông của DN có thể theo dõi, đặt câu hỏi chất vấn và bỏ phiếu trực tuyến theo thời gian thực của đại hội. 

Vậy chi phí cho việc tổ chức đại hội trực tuyến dao động trong khoảng nào?

Tùy quy mô và yêu cầu của từng DN, chi phí sẽ biến động tương ứng. Tuy nhiên, với các điều kiện hiện tại, mức phí dao động khoảng 15 - 30 triệu đồng/lần tổ chức.

Tin bài liên quan