Đầu ra và chính sách ngoại thương

Đầu ra và chính sách ngoại thương

(ĐTCK) Đầu năm Tuất, năm của con chó chạy rong, mong mỏi rằng chó sẽ chạy về đem theo nhiều thành công thương mại nơi xa xăm.

Nền sản xuất của Việt Nam chúng ta có một điểm yếu. Từ công nghiệp đến nông nghiệp, dịch vụ, không một ngành nào không có một khuyết điểm chung, đó là chúng ta không nắm vững được đầu ra.

Cứ tưởng rằng doanh nghiệp nào cũng khảo sát đầu ra trước khi quyết định đầu tư vào sản xuất, nhưng thực tế cho thấy là nhiều người lại bỏ quên điều cơ bản đó.

Hình như có gì hay ho, như là một công nghệ gia đình chẳng hạn, chúng ta cứ đâm đầu vào sản xuất trước đã, bất chấp sau này có ai muốn mua sản phẩm đó hay không.

Đây là một điểm khác biệt khá đặc trưng giữa chúng ta và hầu hết phần còn lại của thế giới. Họ lo đầu ra trước khi chui vào "đầu vào” (sản xuất). Chúng ta thì cứ sản xuất đã rồi hớt hơ hớt hải tìm đầu ra. Tưởng hài, thực tế thì quá bi.

Chuyện để kể cho nhau thì vô số.

Tại nông trại nọ, người nông dân cần mẫn sản xuất một thứ rau rất thơm ngon. Rau tới mùa thu hoạch nhưng không biết bán cho ai, người nông dân này mới vội lên mạng xã hội kêu cứu: Ai ơi, mua cho tôi với! Thương tâm thay, lời mời đó không khác một tiếng kêu trong sa mạc. Nông sản không bán được, hàng thối rữa phải vứt đi, người nông dân toi công, toi của và toi luôn cả giấc mơ làm giàu từ trồng rau.

Đầu ra và chính sách ngoại thương ảnh 1

 Giáo sư Phan Văn Trường là Cố vấn thương mại Chính phủ Pháp, Giáo sư quản trị kinh doanh. Ông là tác giả của hai cuốn sách : “Một đời thương thuyết” và “Một đời quản trị”.

Những câu chuyện kiểu này cứ lặp đi lặp lại rất nhiều năm qua, chẳng riêng trong ngành nông nghiệp. Không ít bạn ở miền quê, miền núi, miền biển tấm tắc ngợi khen phong cảnh quê hương mình đẹp mê hồn, rồi xây khách sạn với hồ cá, trang trí nội thất với bàn ghế cổ truyền chính thống, trang bị máy lạnh, tivi, wifi.

Cứ mạnh tay đầu tư thật hoành tráng, bất chấp những mực chuẩn của kỹ nghệ du lịch, bất chấp luôn là trên thế giới đã có xấp xỉ 10.000 vùng du lịch như thế, không kém hoành tráng và khiêu dụ. Xây xong đâu đó rồi mới tìm khách hàng.

Rút cục, những sản phẩm khách sạn nói trên chỉ kiếm được vài du khách hiếu kỳ. Dòng vốn không kiếm được lợi nhuận, những căn phòng bắt đầu bong sơn, trang thiết bị rỉ sét, những cuộc hạ giá phòng được đưa ra nhưng cũng không thu hút được đông khách tới nghỉ…

Một trăm lần như một, câu chuyện nào cũng đáng thương tâm, vì nó chạm đến gốc của những cuộc đầu tư lành mạnh, có tiềm năng không thể chối cãi, với những chủ nhân nhỏ bé lập nghiệp hay khởi nghiệp, với những vốn liếng cỏn con sắp hết vẹt và nhất là những giấc mơ đẹp sắp bị thực tế dập vùi.

Thương tâm nhất là bên cạnh những thất bại đó, lại có những cuộc đầu tư phiêu lưu, thậm chí mạo hiểm, chẳng đâu ra đâu mà lại thành công. Thành thử, điều phi lý lại chứng minh cho sự có lý.

Ở Việt Nam có vô số những nhà đầu tư nhỏ năng động, can trường, họ có sản phẩm, có mặt bằng, có nhân viên nhiệt tình và nhiều thứ khác, nhưng họ lại thiếu một thứ vô cùng cơ bản là hiểu biết về “đầu ra”. Họ như người đi trong sương mù, không biết cái “đầu ra” nó đòi hỏi những sản phẩm gì, hình thù gì, màu mè và mùi mẫm ra sao.

Có người còn không ý thức được rằng, “đầu ra” không phải là một khái niệm trừu tượng, mà là cái vô cùng cụ thể, sắp chi phối doanh thu của chính bạn ấy. Cứ như thế, buôn bán theo kiểu thế kỷ 19, sản xuất xong rồi phơi bày ra cửa hàng, mong khách vãng lai sẽ bu tới mua.

“Đầu ra” là cái gì mà ghê thế? Có lẽ đã đến lúc mọi suất đầu tư, mọi cuộc phiêu lưu kinh doanh phải hệ thống hóa sự hiểu biết về đầu ra để cho cuộc phiêu lưu còn có chỗ hạ cánh.

“Đầu ra” là thị trường, chỉ đơn thuần là thế. Thị trường là người mua hàng, người tiêu dùng. Thị trường cũng là dòng tiền nhàn rỗi hoặc tiền vốn sắp hỗ trợ cho cuộc đầu tư, là hệ thống quảng cáo, kênh phân phối, công nghệ bao bì…

Nhưng không chỉ có thế, thị trường còn là một hình bóng khó nắm bắt, vì nó thay đổi liên tục, từ màu sắc của sản phẩm đến mùi vị, hình thù, chưa nói đến các chức năng. Tất cả những thứ đó đi theo mùa, phải đáp ứng với khí hậu, thời trang, theo kịp với những phong trào công nghệ, kiểu Nano hay 4D…

Thị trường Việt Nam là 95 triệu dân với những nhu cầu cuộc sống khác nhau, thị trường thế giới là 7,5 tỷ người, càng khác nhau hơn nữa. Vậy định nghĩa đầu ra thế nào, khi mà gu của khách hàng có khả năng biến đổi nhanh chóng?

Tội nghiệp cho kẻ mang dạ mang gan ra để sản xuất. Thử hỏi nông dân nào với tổng sản lượng chỉ vài tấn mỗi năm, hoặc công xưởng nào với mức sản xuất chỉ vài chục ngàn sản phẩm mỗi quý lại có khả năng tài chính và kỹ thuật để bám sát thị trường? Chẳng lẽ để họ rơi vào tay những thương lái hay trung gian không trung tín? Đó là chưa kể đến việc phải dự báo, sang năm màu thời trang sẽ là màu tím hay màu vàng? Rồi xa hơn nữa, cao hơn nữa là chi phối thị trường, một việc mà có lẽ ít doanh nghiệp biết làm.

Chớ vội than phiền là nông dân của chúng ta yếu quá hay công nghiệp của chúng ta thiếu những bàn tay tài ba và mạnh dạn. Chớ nhìn các tập đoàn phân phối xâm nhập nước ta như CP, Metro hay những hãng công nghiệp như Huyndai, Samsung, Mitsubishi, Marubeni, Carrefour… mà nghĩ rằng chuyên viên kỹ thuật và tài phiệt nước ta thiếu năng động và óc sáng tạo. Họ có thể đã cống hiến tất cả những gì họ có thể cống hiến. Nhưng một trong những lý do chính mà họ không ganh đua được với CP hay Huyndai, theo góc nhìn của tôi, là bởi vì họ đã chưa được chuẩn bị tốt khi mà cánh cửa thị trường được mở toang.

"Sóng thần" kinh tế và tài chính của nước ngoài đã tràn vào gắn với kỳ vọng kéo cả nền kinh tế và công nghiệp cũng như nông nghiệp đi lên. Nhưng phải chăng, làn sóng đó đã tới quá nhanh?

Nay chúng ta phải làm gì? Tất cả nằm ở khung chính sách và những cuộc bố trí ngân sách và nhân sự để làm cho chính sách thành công.

Hầu hết các quốc gia thuộc nhóm tiến bộ đều có những cơ quan quan sát và điều khiển thị trường. Trên mảng thương mại quốc tế, họ xây dựng một lực lượng vô cùng hùng hậu tham tán kinh tế và thương mại được trụ ngay tại các sứ quán ở nước sở tại. Những người này, phần đông là chuyên viên về kỹ thuật hay thương mại, chứ không phải là công chức hành chính, có bổn phận giúp cho mọi công dân của nước họ có ý muốn xuất khẩu sang nước sở tại có đầy đủ thông tin, dữ kiện, thống kê, danh bạ, lịch sử, địa dư để thành công nhanh chóng. Tất nhiên, họ cung cấp thông tin miễn phí.

Pháp, nước tôi biết rõ nhất, có một đội ngũ tham tán vô cùng hùng hậu được các doanh nghiệp hậu thuẫn cũng như là hậu thuẫn cho các doanh nghiệp.

Người Pháp nào muốn đầu tư sản xuất nước hoa, kem dưỡng da, hay nông sản, rượu, nước ngọt, kẹo bánh… chỉ cần gặp người tham tán chuyên môn sẽ nhận được đầy đủ thông tin về thị trường của Peru, Iran, Brazil, Canada hay bất cứ quốc gia nào khác. Thậm chí, trong mớ thông tin đó còn có cả khâu phân tích thị trường, các đối thủ cạnh tranh, các hành vi, giá biểu, danh bạ của các nhà trung gian hay phân phối.

Thử hỏi, Việt Nam chúng ta đã làm được điều này chưa? Và thử hỏi, nếu không có, thì nông dân hoặc doanh nhân của chúng ta sẽ làm cách nào để vượt qua những khó khăn trong việc tìm hiểu “đầu ra”?

Chưa hết, tại các nước tân tiến còn có một cơ chế bảo hiểm thương mại vô cùng an toàn cho những doanh nghiệp muốn xuất khẩu. Và cũng chưa hết, hệ thống ngân hàng của họ có mặt rất đông đảo tại nước ngoài, một điều kiện vô cùng quan trọng để phát triển thương mại với nước sở tại.

Việt Nam hình như chưa có nhiều ngân hàng có mặt tại nước ngoài. Đây là một khâu vô cùng lợi hại cho những doanh nghiệp xuất khẩu, vì ngân hàng là một điểm hỗ trợ không thể chối cãi. Đó là chưa nói tới một số cơ quan khác mà Việt Nam vẫn chưa có, như các phòng thương mại (Chamber of Commerce) tại nước ngoài, hay những Nhà Việt Nam (Vietnam Cultural House) để quảng bá văn hóa, lịch sử, con người, nền kinh tế Việt Nam ra với bạn bè quốc tế… Đừng bao giờ nghĩ là những cơ sở này sẽ tốn ngân sách, vì để vào tay những người năng động và có óc kinh doanh, những cơ sở này cũng có thể mang lại doanh thu thật bộn.

Nhưng chính sách không chỉ có thế. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Pháp không phải trả một số thuế vụ khi đi bán hàng ra nước ngoài. Nếu làm một cuộc khảo sát toàn diện, chúng ta sẽ sớm khám phá ra 1.001 biện pháp mà các quốc gia tiên tiến sử dụng để giúp doanh nghiệp nội địa xuất khẩu ra bên ngoài.

Thành thử, “đầu ra” không phải chỉ đơn thuần là nơi để phân phối sản phẩm, mà nó còn là cả một hệ thống thương mại tích hợp, được bố trí như một ưu tiên, được tổ chức một cách quy củ. Không có hệ thống hỗ trợ thì chúng ta chỉ giống như một cửa hàng thụ động nằm ì trên phố đợi khách.

Có lẽ đã tới lúc nước nhà phải tích cực đi vào “đầu ra” để làm cho mọi ngành kinh tế có “đầu ra” cả về quốc tế lẫn quốc nội. Mọi ngành, chứ không riêng cá, tôm, cà phê hay ca cao, giày da hay may mặc. Không thể ngồi như trước đây chờ người ta tới tận nước mình để mua sắm, mà phải phổ biến hơn nữa tinh thần xuất thân ra nước ngoài, được khuyến khích và hỗ trợ bởi một chính sách xuất khẩu thật đáp ứng, với một trang bị nhân sự và thông tin thật hùng hậu, quy củ và với một quy chế thuế vụ mang tính cạnh tranh. Rồi từ đó trở đi, chúng ta sẽ được chứng kiến các doanh nhân Việt Nam năng động làm sao, hiệu ứng như thế nào.  

Đầu năm Tuất, năm của con chó chạy rong, mong mỏi rằng chó sẽ chạy về đem theo nhiều thành công thương mại nơi xa xăm. Đây có phải là lời chúc tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam hay không? 

Tin bài liên quan