Đánh thức… khởi nghiệp

Khởi nghiệp đang là từ khóa của người Việt. Tinh thần doanh nhân trong từng người dân Việt vốn “trọng quan hơn trọng thương” được nhắc tới ở mọi nơi, mọi lúc. Chưa bao giờ cơ hội kinh doanh của nền kinh tế Việt Nam lại rộng mở, hiện hữu đến vậy. Lực lượng doanh nghiệp đông đảo - trục phát triển mới cho kinh tế Việt Nam đang mạnh dần lên.

1. Chiều cuối cùng của năm 2016, trên hòn đảo được truyền tai cái tên kiều diễm Hoa Đào giữa hồ Pá Khoang, Mường Phăng (Điện Biên), một cuộc gặp tay ba khá đặc biệt diễn ra dưới gốc cây anh đào đang độ rực rỡ.

Khách là ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Chủ nhà là ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên. Nhân vật được tìm đến là chúa đảo Hoa Đào, người đã ghi tên Mường Phăng vào bản đồ địa danh của hoa anh đào. 

Tôi tin là điều kiện để kinh doanh đang tốt lên, thuận cho các dự án của tôi.

- Ông Trần Lệ.

Nhưng, một cách chính danh, ông Sơn và ông Lộc tìm gặp ông Trần Lệ, Chủ tịch HĐQT một trong những doanh nghiệp mới nhất của Điện Biên - Công ty cổ phần Hoa Anh Đào Trần Lệ, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào ngày 26/12/2016.

Ông Lệ cũng là người đã gửi bản kiến nghị tới Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên về việc phát triển vùng du lịch Pá Khoang - Mường Phăng, các cơ hội phát triển dự án nông nghiệp tại Điện Biên trong Cuộc đối thoại với doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh Điện Biên diễn ra 1 ngày trước đó.

“Chúng tôi muốn nghe ông nói cần gì để thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình”, ông Mùa A Sơn nói.

Thực ra, kế hoạch của ông Lệ không có gì bí mật. Ông đã kể nhiều lần với những du khách tò mò về 10 năm “đánh đu” với hoa anh đào trên hòn đảo nhỏ trong lòng hồ Phá Khoang này, từ lời thề với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: sẽ phải làm điều gì đó cho Điện Biên vào năm 2005.

Hiện giờ, ông đã có 4.500 cây hoa anh đào ở Mường Phăng, đang tiếp tục trồng. Đây là giống cây đã được ông nghiên cứu và định hình về thời gian nở hoa, điều kiện quan trọng nhất để tính tới lễ hội hoa anh đào vào dịp tháng Giêng ở Điện Biên. Ông cũng đã trồng thêm hoa ban ở vạt đồi bên kia. Tháng 1/2017 này, ông sẽ đi Mỹ, tìm kiếm một vài giống hoa mới, có thể là oải hương…

Kế hoạch của ông Lệ không chỉ có hoa. Ông đã trồng thử khoai môn mà thị trường Nhật rất ưa thích, đã trồng thử thành công cây wasabi nổi danh của Nhật, đã trồng thử cỏ voi nuôi gia súc, đã tìm được ưu thế của giống cải Mèo - không cần dùng đến thuốc trừ sâu, đã nghiên cứu khí hậu để trồng giống gạo Nhật chịu lạnh…

Lần này, ông nói với các vị khách đặc biệt: “Tôi đã thử nghiệm, đã ra sản phẩm, để chứng minh Điện Biên không chỉ là vùng đất lịch sử, mà là nơi du khách sẽ đến thưởng lãm các mùa hoa anh đào, hoa ban bạt ngàn, chứ không phải là hoa trồng trong chậu. Người Nhật cũng đã đến, đã thấy các sản phẩm họ đang cần. Họ muốn phát triển các dự án nông nghiệp ở đây. Nhưng, một mình tôi thì không thể làm được tất cả điều đó. Tôi sẵn sàng kết hợp với các doanh nghiệp khác”.

Ông Lệ là tiến sỹ sinh học, được đào tạo ở Hungary. Ông đã có một sự nghiệp đồ sộ với nhiều sản phẩm ứng dụng khoa học - kỹ thuật, vừa được tôn vinh là một trong những người khởi xướng cho nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt. 72 tuổi, ông quyết định khởi nghiệp lần nữa, tại Điện Biên. “Tôi tin là điều kiện để kinh doanh đang tốt lên, thuận cho các dự án của tôi”, ông Lệ nói. 

2. Phải nói thêm, trong Cuộc đối thoại với doanh nghiệp Điện Biên hôm đó, Chủ tịch tỉnh Mùa A Sơn đã được nghe khá nhiều điều không dễ nghe. Nào là thủ tục hành chính còn rườm ra. Nào là chính quyền chưa thực sự hỗ trợ doanh nghiệp. Rồi chỉ khoảng 45% doanh nghiệp Điện Biên nghĩ tới việc mở rộng kinh doanh trong hai năm tới...

Nhưng, điều ông đau đáu hơn, như đã chia sẻ ngay trong cuộc đối thoại, đó là doanh nghiệp ở Điện Biên trông quá nhiều vào dự án đầu tư hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách, dự án khai thác khoáng sản... Số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, du lịch, dịch vụ... chưa nhiều. Đây là lý do doanh nghiệp Điện Biên bị rung lắc lớn khi đầu tư công bị thắt chặt.

Đánh thức… khởi nghiệp ảnh 1

 Ông Trần Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoa Anh Đào Trần Lệ (đứng giữa) bàn chuyện kinh doanh với Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn (bên phải) và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc dưới gốc cây anh đào đầu tiên trên đảo Đào Hoa, Pá Khoang, Điện Biên

Bởi vậy, vị chủ tịch một trong số các tỉnh đang phải sống dựa vào ngân sách Trung ương đã nói với các doanh nghiệp, nhà đầu tư có mặt tại cuộc đối thoại rằng: “Chúng tôi xác định phải phục vụ doanh nghiệp, người dân. Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý công chức gây phiền hà. Các doanh nghiệp hãy tin để cùng xây dựng chính quyền phục vụ tốt”.

Trong năm vừa rồi, đây là cam kết hành động doanh nghiệp được nghe nhiều nhất từ những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Người khởi xướng cam kết này là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngay trong phiên họp đầu tiên với các thành viên Chính phủ đầu tiên vào tháng 4/2016.

Khi đó, Thủ tướng đã nói: “Các thành viên Chính phủ phải làm việc với tinh thần Chính phủ kiến tạo, tập trung đề xuất cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn, tạo nguồn lực cho phát triển. Cái gì kìm hãm thì phải bỏ ngay, cái gì có lợi cho dân thì nỗ lực thực hiện. Các thành viên Chính phủ phải chủ động, sáng tạo, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

Thông điệp này đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh lại trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với gần 1.000 doanh nghiệp vào ngày 29/4/2016 tại TP.HCM.  Kể từ đó, thông điệp "Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp” đã trở thành nội dung chính không chỉ của các cuộc họp Chính phủ, cuộc làm việc của các bộ, ngành. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc còn gọi đây là “thượng phương bảo kiếm” của doanh nghiệp.

Khác với nhiều nước, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải nặng gánh các khoản chi trả không chính thức, gặp phải tình trạng nhũng nhiễu cho nên luôn phải tìm cách đối phó với những rủi ro có thể xảy ra từ thay đổi chính sách hay sự áp dụng và thực hiện không nhất quán, không dự đoán được của cơ quan nhà nước các cấp…

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hiệu quả đến năm 2020 có thể coi là mục tiêu của khởi nghiệp. Nên tôi mong, mỗi năm có một nghị quyết 35 để thúc đẩy thực hiện mục tiêu này một cách thực chất.

- Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.

Khác với doanh nghiệp nhiều nước được kinh doanh trong một môi trường thuận lợi, minh bạch, thủ tục hành chính chuyên nghiệp, bộ máy nhà nước luôn trăn trở tìm ra các giải pháp mới để hỗ trợ kinh doanh, để mở đường thúc đẩy doanh nghiệp phát triển…, ở Việt Nam, giải pháp cơ bản của nhiều cơ quan nhà nước vẫn là loay hoay tháo gỡ khó khăn, giảm phiền hà, nhũng nhiễu.

“Tất nhiên, quyết định khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp là công việc của thị trường, nhưng nếu có cơ chế chính sách, có biện pháp thúc đẩy và đặc biệt là Chính phủ làm đúng vai trò kiến tạo, dẫn dắt sự phát triển thì phong trào thành lập doanh nghiệp sẽ được đẩy mạnh, đúng theo yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn hội nhập sâu, trong làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bởi vậy, khi ông Trần Lệ quyết định thành lập doanh nghiệp ở tuổi 72 để phát triển hoa anh đào, các nông sản đặc sản vùng Tây Bắc, khi nhiều cử nhân về quê trồng rau, thả cá, nuôi gà theo không chỉ là công nghệ cao mà còn là nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt nông nghiệp sinh thái, cộng sinh với du lịch, gắn kết với thị trường bằng Internet, thương mại điện tử..., thì tôi tin đây là tín hiệu mừng cho đất nước”, ông Vũ Tiến Lộc nói. 

3. Thời điểm này, ông Lộc vẫn muốn gọi Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 là nghị quyết đầu tiên của Chính phủ về khởi nghiệp. “Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hiệu quả đến năm 2020 có thể coi là mục tiêu của khởi nghiệp. Nên tôi mong, mỗi năm có một nghị quyết 35 để thúc đẩy thực hiện mục tiêu này một cách thực chất”, ông Lộc nói.

Không phải vô cớ ông Lộc nhiều lần nhắc đến những từ “không” trong Nghị quyết 35. Đó là không hình sự hóa quan hệ kinh tế, không thanh tra, kiểm tra quá một lần/một năm, không đòi bổ sung hồ sơ quá một lần...

“Chính phủ liêm chính, hành động, doanh nghiệp sẽ phải làm thật, người khởi nghiệp cũng phải lựa chọn con đường đi khác, sẽ cần “know how” hơn là “know who” (quan hệ)”, ông Lộc nói.

Trước đây và cả hiện tại, nhiều người lập doanh nghiệp vì cực chẳng đã phải làm, để tự cứu mình khi bị đẩy ra khỏi môi trường nhà nước, đẩy ra đường. Ông Trần Lệ là một nhân chứng. Ông đã từng xoay sở kiếm sống bằng kinh doanh sản phẩm phân bón hữu cơ khi rời khỏi nhà nước, chuyển công tác vào miền Nam những năm sau 1975-1976. Hồi đó, ông Lệ nói, may có nghề nên kiếm đủ sống.

Chính vì phải kiếm sống, cộng thêm môi trường kinh doanh chưa thuận, không được đào tạo về kinh doanh, nên ít doanh nghiệp có động cơ làm giàu cho đất nước hay chinh phục các thị trường bằng thương hiệu made in Việt Nam... Rồi giai đoạn 10 năm Việt Nam gia nhập WTO, cơ hội lớn mở ra, nhưng đầu cơ lấn át sản xuất, tạo nên một lớp doanh nhân... lướt sóng. Hệ quả là một cộng đồng doanh nghiệp li ti, yếu kém, chỉ quanh quẩn sân nhà.

Nhưng, lần khởi nghiệp này của ông Lệ hoàn toàn khác. Ông có khát vọng xa hơn rất nhiều nhu cầu kiếm sống. Ông muốn kết nối với nhiều doanh nghiệp, để cùng làm lớn hơn.

“Điện Biên là vùng đất rất đặc biệt, không chỉ bởi di tích lịch sử mà ở tiềm năng phát triển. Tôi sẽ làm với tất cả tình yêu của mình để Mường Phăng trở thành điểm du lịch hấp dẫn, để Điện Biên không thể nghèo được”, ông Lệ nói.

Nhiều doanh nhân đã và đang khởi nghiệp, tiếp tục khởi nghiệp với khát vọng tương tự, vì sự phồn thịnh thực sự và bền vững của nền kinh tế.

Cũng phải nói thêm, vẫn còn những tranh luận về hàm nghĩa của từ khởi nghiệp. Có quan điểm rằng, khởi nghiệp phải gắn với sáng tạo, công nghệ, hay còn gọi là start-up. Như vậy, cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp chỉ cần tập trung vào nhóm đối tượng này, để tránh tràn lan.

Nhưng thẳng thắn mà nói, ở các nền kinh tế phát triển, cơ hội kinh doanh hầu như đã được lấp đầy, người kinh doanh buộc phải sáng tạo để có chỗ đứng. Còn kinh tế Việt Nam đang phát triển, đang cần giải quyết nhiều việc làm, cần khai thác tối đa cơ hội kinh doanh từ hội nhập, nên cần nhiều doanh nghiệp được thành lập, dù đó là doanh nghiệp truyền thống hay dựa trên đổi mới và sáng tạo.

Điều quan trọng, như chính ông Lệ chia sẻ, người kinh doanh ở Việt Nam đang cần được tạo niềm tin vững vàng, an tâm lâu dài để thực hiện những khát vọng lớn lao hơn.

Tin bài liên quan